Điện Biên: Đề án 79 đạt kết quả thấp do đâu?
Điện Biên TV - Nguyên nhân triển khai thực hiện Đề án 79 đạt kết quả thấp do đâu? ai chịu trách nhiệm? - Đây là vấn đề mà đại biểu HĐND tỉnh đưa ra trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp lần thứ 16 - HĐND tỉnh khóa XIII được diễn ra vào chiều 11/12.
Đối với vấn đề này, đồng chí Lê Thành Đô, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trả lời: Việc triển khai thực hiện Đề án 79 hơn 3 năm qua đã đạt được kết quả nhất định, tuy nhiên so với mục tiêu của Đề án còn một số chỉ tiêu chưa đạt, một số chỉ tiêu đạt kết quả thấp (như: di chuyển, bố trí sắp xếp dân cư để thành lập các bản mới và xen ghép, xây dựng cơ sở hạ tầng tại một số điểm bản) do một số nguyên nhân:
Diện tích đất tự nhiên vùng Đề án rộng nhưng diện tích đất để lựa chọn quy hoạch một số bản gặp nhiều khó khăn do thiếu diện tích đất để phục vụ sản xuất, thiếu nguồn nước để phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Việc tuyên truyền, vận động các hộ dân đăng ký di chuyển vào các điểm bố trí dân cư để thành lập bản mới gặp nhiều khó khăn. Các hộ dân không đăng ký đến vùng quy hoạch vì cho là đất xấu; các hộ dân đưa ra yêu cầu phải bố trí ở những nơi có ruộng nước, có ao, có đất đai rộng để chăn thả hoặc phải bố trí ở những nơi có rừng để phá làm nương rẫy.
Các hộ dân thuộc đối tượng đầu tư của Đề án là các hộ di cư tự do từ nơi khác về nên việc tuyên truyền, vận động các hộ dân đăng ký di chuyển vào các điểm bố trí dân cư để thành lập bản mới gặp rất nhiều khó khăn.
Đồng chí Lê Thành Đô, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trả lời chất vấn về Đề án 79 tại kỳ họp |
Việc tuyên truyền, vận động các hộ dân sở tại ở các điểm bố trí dân cư nhường đất sản xuất, đất ở (có bồi thường, hỗ trợ theo quy định) để bố trí cho các hộ dân di chuyển đến cũng rất phức tạp và khó khăn.
Đề án đã phê duyệt ngày 12/01/2012, trong cả năm 2012 tập trung chủ yếu vào khảo sát, lựa chọn địa điểm lập phê duyệt các dự án bố trí dân cư. Năm 2013, 2014 là năm cao điểm để đẩy nhanh tiến độ Đề án, tuy nhiên do một số quy định mới của Luật Đất đai, Luật Xây dựng dẫn đến một số chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đã có sự thay đổi dẫn đến khó khăn trong việc triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, khối lượng kết cấu các hạng mục hạ tầng thiết yếu được phê duyệt trong Đề án 79, khi triển khai thực hiện, phải điều chỉnh, bổ sung làm tăng tổng mức đầu tư so với Đề án được duyệt do chính sách thay đổi. Mặt khác, do tính đặc thù của Đề án: các ngành, các đơn vị chủ đầu tư phải vừa tuyên truyền vận động các hộ dân về nơi ở mới, vừa đầu tư các công trình thiết yếu để bố trí sắp xếp dân cư (để đảm bảo tính hiệu quả đầu tư thì các dự án thành phần thuộc các phương án sắp xếp, ổn định dân cư tại các điểm bản mới thành lập chỉ được triển khai thực hiện khi đã có tối thiểu 70% số hộ dân đồng ý đăng ký di chuyển để thành lập bản mới theo quy hoạch).
Một số chính sách hỗ trợ ổn định đời sống và phát triển sản xuất (hỗ trợ gạo cho những hộ di chuyển đến nơi ở mới trong thời gian chưa tự túc được lương thực, hỗ trợ trồng cao su, cà phê…) chưa được quy định rõ trong quy định phê duyệt Đề án nên cũng làm ảnh hưởng đến kết quả tuyên truyền, vận động và bố trí sắp xếp, ổn định dân cư.
Lực lượng cán bộ thuộc các phòng chuyên môn của các huyện còn thiếu, trình độ còn hạn chế; đặc biệt huyện Nậm Pồ mới chia tách từ huyện Mường Nhé nên càng khó khăn về lực lượng cán bộ. Các đơn vị được giao làm chủ đầu tư chưa có kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, sắp xếp dân cư.
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan nêu trên, việc triển khai Đề án không đảm bảo tiến độ còn có trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành; trong đó, trách nhiệm của chính quyền cấp xã, huyện trong vùng Đề án và các Sở, ngành tỉnh còn chưa sát sao trong công tác quản lý đất đai, nhân khẩu, quản lý dân di cư tự; trách nhiệm của các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư các phương án chưa tích cực bám địa bàn để triển khai thực hiện các phương án, phối hợp với chính quyền địa phương chưa chặt chẽ, chưa quyết liệt trong khâu lập phương án giải phóng mặt bằng, bồi thường, thu hồi đất. Một số thành viên Ban Chỉ đạo chưa tích cực, sát sao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ được giao theo phân công, chưa tích cực việc đấy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ, thủ tục thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành, trong việc tham mưu cho Ban Chỉ đạo và UBND tỉnh kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh để tháo gỡ khó khăn cho các huyện, các chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện Đề án.
Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các chủ đầu tư cử cán bộ, lãnh đạo có kinh nghiệm vào các điểm quy hoạch bố trí dân cư để trực tiếp chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các phương án; thành lập Tổ công tác tuyên truyền phối hợp với UBND huyện Mường Nhé, Nậm Pồ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tới các đối tượng thuộc diện di chuyển để lấp đầy các điểm đã được quy hoạch bố trí. Thành lập Tổ công tác liên ngành thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để hỗ trợ các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất để thực hiện việc bố trí đất ở, đất sản xuất, đặc biệt là chia đất sản xuất cho các hộ dân tại các điểm bản thành lập mới; bố trí kịp thời các chế độ, chính sách cho các hộ dân đã đến ở các điểm được quy hoạch. Tăng cường lực lượng xuống địa bàn hỗ trợ huyện Mường Nhé trong việc quản lý nhân khẩu, kiểm soát tình trạng dân di cư tự do. Rà soát, xây dựng báo cáo điều chỉnh Đề án 79 kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương xem xét điều chỉnh Đề án, trong đó có điều chỉnh bổ sung kinh phí để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đời sống, sản xuất và đầu tư cơ sở hạ tầng. Đồng thời, đã bổ sung chính sách hỗ trợ gạo với mức hỗ trợ 15kg/người/tháng trong thời gian 6 tháng để hỗ trợ các hộ dân đã di chuyển đến nơi ở mới ổn định đời sống, sản xuất./.
BBT