Cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bố trí lại công tác

Thứ Hai, 14/12/2015, 15:44 [GMT+7]

Nếu trong 1-2 năm, cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ thì các cơ quan thẩm quyền xem xét bố trí lại công tác.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết: Sau 6 tháng Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 39 về tinh giảm biên chế với các giải pháp được tiến hành đồng bộ, đến nay đã tinh giản được 5.000 người trong khu vực hành chính và sự nghiệp.

Việc tinh giản biên chế không chỉ trông chờ vào tỷ lệ phần trăm số lượng biên chế giảm được mà cái chính là thông qua tinh giản biên chế nhằm nâng cao chất lượng cán bộ công chức trong các cơ quan, tổ chức của nhà nước.

PV: Thưa ông, sau 6 tháng Bộ chính trị ban hành Nghị quyết 39, Bộ Nội vụ đánh giá gì về việc các Bộ, ngành, địa phương thực hiện việc tinh giản biên chế. Việc tinh giản biên chế thời gian qua đã đúng đối tượng chưa ?

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Tinh giản biên chế trong năm 2015 căn cứ vào Nghị định 108 của Chính Phủ và thông tư liên tịch 01 của Bộ Tài chính.
 

1
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn

 

Trong quá trình kiểm tra Bộ Nội vụ đã rà soát đảm bảo đúng đối tượng, đúng chính sách, trên cơ sở đó các Bộ, Ngành, địa phương cũng đã đồng bộ triển khai chính sách tinh giản biên chế được Chính phủ quy định.

Tuy nhiên, trong quá trình thẩm tra cũng có nơi chưa làm đúng việc xác định đối tượng để thực hiện tinh giản biên chế.

Ví dụ có những người được đánh giá hoàn thành tốt, xuất sắc nhưng vẫn đưa vào diện tinh giản biên chế hoặc có những người trình độ đào tạo phù hợp với vị trí việc làm nhưng cũng đưa vào diện tinh giản biên chế hoặc cơ quan đơn vị không sắp xếp lại bộ máy nhưng cũng lấy lý do đó tinh giản biên chế…

Bộ Nội vụ trong quá trình thẩm tra thống nhất với đối tượng này và việc thẩm tra của Bộ Nội vụ cũng nhằm tránh thất thoát lãng phí trong quá trình thực hiện tinh giản biên chế để đảm bảo chỉ tinh giản những người không đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ, không đủ sức khỏe hoặc thuộc diện dôi dư tinh giản biên chế.

Mục tiêu của tinh giản biên chế nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức chứ không tạo điều kiện cho những người không đúng đối tượng tinh giản biên chế thực hiện chính sách này.

Trong 6 tháng cuối năm các Bộ ngành, địa phương đã thực hiện tinh giản biên chế trong khu vực hành chính và khu vực sự nghiệp trên 5.000 người.

Để thực hiện biên chế đúng có nhiều giải pháp thực hiện, bên cạnh đưa những người không đủ sức khỏe, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực hiện theo chính sách tinh giản biên chế thì các Bộ, ngành, địa phương nâng cao chất lượng trong tuyển dụng, việc tuyển dụng theo quy định số lượng tinh giản biên chế theo nguyên tắc ra 2 vào 1, chỉ được tuyển 50% số biên chế số nghỉ hưu và thôi việc theo quy định của pháp luật.

PV: Như vậy, lần tinh giản biên chế này đã đạt kết quả bước đầu, tuy nhiên có sự ưu tiên “con ông cháu cha” trong tinh giản biên chế không, thưa ông?

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Để đảm bảo khách quan, công bằng, chất lượng trong công tác tuyển dụng thì hiện Bộ Nội vụ cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai công tác tuyển dụng khi được giao thẩm quyền.

Ngoài biện pháp đó thì phương thức tuyển dụng cũng là vấn đề, chúng tôi gắn nhiệm vụ của mỗi đơn vị với trách nhiệm người đứng đầu.

Việc đánh giá phân loại người đứng đầu gắn liền với mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị mà các cơ quan tổ chức, muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ thì đội ngũ phải đảm bảo chất lượng cả về phẩm chất, trình độ, năng lực.

Nếu tuyển dụng dựa trên sự nể nang, quen biết, dễ dãi mà không căn cứ vào nhu cầu công việc thì đơn vị đó không thể hoàn nhiệm vụ tốt vì đội ngũ đó không đảm bảo yêu cầu công việc và việc không hoàn thành nhiệm vụ gắn liền với đánh giá phân loại người đứng đầu. Nếu trong 1-2 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì các cơ quan có thẩm quyền xem xét bố trí lại công tác.

PV: Chính phủ mới quyết định triển khai Nghị quyết 39, như vậy trong 7 năm tới mỗi Bộ, ngành, địa phương phải thực hiện giảm 10% biên chế. Tuy nhiên, riêng ngành thuế, hải quan lại có cơ chế riêng là không tinh giản. Như vậy, số tinh giản của Bộ Tài chính có đảm bảo không, thưa ông?

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Chủ trương chung là giữ ổn định biên chế cho đến hết năm 2016 nhưng trong quá trình thực hiện giữ ổn định không tăng biên chế. Tinh giản biên chế muốn có hiệu quả thì phải kết hợp nhiều giải pháp trong đó có giải pháp là cương quyết không bổ sung thêm biên chế cho các lĩnh vực, tổ chức thì tinh giản biên chế mới đạt mục tiêu và có kết quả cụ thể còn đưa ra bao nhiêu và lấy vào bấy nhiêu không giải quyết được mục tiêu đặt ra vì vậy cho nên bên cạnh tinh giản biên chế vẫn giữ ổn định, kiên trì không bổ sung biên chế.

Việc tinh giản biên chế thuế, hải quan chỉ là 1 trong những ngành của lĩnh vực tài chính. Bên cạnh thuế, hải quan còn  nhiều cơ quan tổ chức khác, cái đó nằm trong tổng số biên chế của Bộ Tài chính.

Có thể trong tinh giản biên chế không phải bình quân ngành nào cũng 10% nhưng trong kế hoạch tinh giản biên chế mỗi Bộ phải xây dựng mức tối thiểu tình trạng tinh giản biên chế ít nhất 10%.

Đấy thuộc thẩm quyền điều hòa của Bộ Tài chính. Việc quy định tối thiểu giảm 10% là theo chủ trương của Đảng được ban hành trong Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế./.

PV: Xin cảm ơn ông./.

 

Theo VOV
 

.