Bộ Chính trị ra chỉ thị về công tác phòng, chống tham nhũng
Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.
Trong những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được những kết quả quan trọng, tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít; một số vụ việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm; thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp. Do vậy, để nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, Bộ Chính trị yêu cầu cấp uỷ, tổ chức Đảng các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Người đứng đầu các cấp ủy cơ quan, đơn vị có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; chủ động tự phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng là thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu. Xử lý kịp thời, nghiêm minh người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là đối với trường hợp bao che, ngăn cản việc phát hiện, xử lý tham nhũng.
Chỉ thị cũng yêu cầu hoàn thiện pháp luật về phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng sát với thực tiễn của Việt Nam và phù hợp các điều ước quốc tế. Các hành vi tham nhũng phải được quy định thống nhất trong Bộ Luật Hình sự, Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Các trường hợp có dấu hiệu tội phạm qua thanh tra, kiểm toán phải chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra. Hoàn thiện pháp luật về giám định tư pháp. Sửa đổi, bổ sung Luật Tố cáo, bảo đảm các tố cáo về tham nhũng phải được giải quyết kịp thời.
Chỉ thị Bộ chính trị nhấn mạnh việc Tăng cường trách nhiệm của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong giám sát công tác phát hiện, xử lý tham nhũng. Phát huy vai trò Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, ban thanh tra nhân dân và các cơ quan thông tin đại chúng trong phát hiện tham nhũng. Nâng cao kiểm tra, giám sát công tác phát hiện, xử lý tham nhũng đối với cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.
Chỉ thị Bộ chính trị cũng nêu rõ đối với những vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện... phải xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật với nguyên tắc: làm rõ đến đâu xử lý đến đó; không phân biệt người có hành vi tham nhũng là ai, đã có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố điều tra và đã kết luận có tội phải truy tố, xét xử. Chú trọng áp dụng các biện pháp điều tra, tố tụng đặc biệt theo quy định của pháp luật để kịp thời phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng. Khắc phục tình trạng hành vi tham nhũng có dấu hiệu tội phạm nhưng chỉ xử lý kỷ luật hành chính, kinh tế. Hằng năm, ở từng cấp cần chọn án điểm để chỉ đạo xử lý, qua đó rút kinh nghiệm để làm tốt hơn.
Áp dụng kịp thời các biện pháp thu hồi tối đa tài sản do tham nhũng mà có trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Xử lý nghiêm minh những cán bộ không tích cực thu hồi hoặc cản trở hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng.
Chỉ thị của Bộ Chính trị cũng cho biết: Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng .. chủ trì nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng theo hướng tăng thẩm quyền, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì nghiên cứu về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của uỷ ban kiểm tra Đảng các cấp trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng kết quả phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, các vi phạm trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng và kết quả xử lý những vi phạm đó. Tăng cường hợp tác có hiệu quả với các quốc gia, tổ chức quốc tế trong việc xử lý tội phạm tham nhũng.
Theo VTV