Trực tuyến sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị
Điện Biên TV - Sáng 22/9, tại Hà Nội, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể với 63 tỉnh, thành trong cả nước. Các đồng chí: Lê Hồng Anh, UVBCT, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; Nguyễn Thiện nhân, UVBCT, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Vũ Văn Ninh, UVTWĐ, Phó Thủ tướng Chính phủ; Vương Đình Huệ, UVTWĐ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chủ trì hội nghị.
Tham dự tại điểm cầu Điện Biên có đồng chí Trần Văn Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và đại diện một số sở, ban ngành liên quan.
Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Kết luận số 56 và triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã (HTX) 2012, kinh tế tập thể với nòng cốt là HTX đã dần phục hồi và phát triển. Tính đến cuối năm 2014, cả nước có 18.837 HTX, thu hút sự tham gia của 7.386.572 thành viên, tăng 196.265 thành viên so với năm 2013. Vốn điều lệ bình quân là 1.354 triệu đồng/HTX, doanh thu bình quân ước đạt 2.986 triệu đồng/HTX/năm. Số HTX có lãi tăng nhưng mức lãi thấp, nhất là các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, lợi nhuận bình quân ước đạt 261 triệu đồng/HTX/năm, thu nhập bình quân của thành viên, người lao động ước đạt gần 1,7 triệu đồng/tháng. Đóng góp của khu vực HTX vào GDP năm 2013, lần đầu tiên trong gần 20 năm qua đã tăng hơn so với năm trước, đạt 5,05% so với mức 5,0% năm 2012, trong khi tỷ lệ vốn đầu tư chỉ chiếm khoảng 0,6% tổng vồn đầu tư của nền kinh tế. Tổng doanh thu các HTX năm 2014 đạt 26.400 tỷ đồng, tăng 2.460 tỷ đồng so với năm 2013. Trong số HTX đang hoạt động có 36,04% đạt loại khá, giỏi; gần 50% HTX đạt loại trung bình và 14,81% yếu kém. Tổng số lao động làm việc thường xuyên trong HTX năm 2014 là hơn 1,5 triệu người, tăng gần 60.000 người so với năm 2013.
Điểm cầu Điện Biên |
HTX mới thành lập xuất phát từ nhu cầu hợp tác thực sự của các hộ thành viên và phát triển khá đa dạng. Các thành viên tham gia HTX xuất phát từ các nhu cầu tương trợ lẫn nhau trong sản xuất, tự nguyện, gia tăng gắn kết cộng đồng, giảm thiểu chi phí đầu vào, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm đầu ra, phát triển cộng đồng, nâng cao thu nhập của các hộ thành viên và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể và phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều HTX kiểu mới điển hình hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích cho các thành viên như: HTX chăn nuôi Quý Hiền, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai; HTX Đan Phượng, Hà Nội; HTX vận tải Rạch Gầm, Tiền Giang; HTX Bò sữa EverGrowth...
Đối với tổ hợp tác (THT) thì đến tháng 12/2014, cả nước có gần 143.000 THT đang hoạt động với hơn 1,5 triệu thành viên. Số THT thành lập mới là 10.267 tổ, số THT giải thể là hơn 10.000 tổ, số THT phát triển thành HTX là 145 tổ. Thông qua hợp tác góp phần xóa đói giảm nghèo; là cầu nối giữa chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội với người nông dân trong công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, nước ta đang trong quá trình chuyển từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, tiềm lực kinh tế còn hạn chế nên cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của kinh tế tập thể; THT, HTX còn nhiều hạn chế về quy mô sản xuất kinh doanh, trình độ quản lý, trình độ khoa học và công nghệ, vốn và thị trường nên rất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước để đảm bảo phát triển bền vững.
Tại tỉnh Điện Biên, sau gần 3 năm thực hiện Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị, kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX của tỉnh đã có bước phát triển cả về số lượng, quy mô và chất lượng; đa dạng hóa các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh; từng bước thích nghi với cơ chế thị trường, làm ăn có hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập cho xã viên và người lao động. Vai trò của các HTX đối với kinh tế hộ được phát huy, góp phần thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển. Kết quả hoạt động của kinh tế hợp tác, HTX đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới... Các HTX làm tốt khâu dịch vụ cho các hộ, là cơ sở để mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh, đáp ứng những nhu cầu kinh tế, đời sống, xã hội của hộ xã viên. Doanh thu trung bình của HTX đạt 1.445 triệu đồng, lợi nhuận trung bình của HTX đạt 101 triệu đồng; thu nhập bình quân lao động làm việc thường xuyên đạt 18 triệu đồng/năm.
Kết luận hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh, UVBCT, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng nhấn mạnh: Các ý kiến tham luận của các ban ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố và các hợp tác xã đã đánh giá khá toàn diện về kết quả đạt được và những nguyên nhân hạn chế của Kết luận số 56-KL/TW. Để thực hiện có hiệu quả hơn nữa Kết luận trong thời gian tới, đồng chí Lê Hồng Anh đề nghị các ban ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố và các HTX cần đổi mới công tác tuyên truyền, học tập nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, HTX; đánh giá tình hình triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 56, Luật HTX 2012 trên cơ sở đó xây dựng mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng các cấp 2015 - 2020; xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới; tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển HTX; tổ chức, củng cố lại hoạt động của các HTX theo đúng bản chất HTX, Luật HTX 2012...
Diệp Xuân