Điện Biên: Chú trọng công tác xây dựng tổ chức Đảng trong doanh nghiệp

Thứ Tư, 16/09/2015, 08:54 [GMT+7]

Điện Biên TV - Sau một thời gian thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 23/11/1996 của Bộ Chính trị (khoá VIII) về công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết qủa bước đầu, nhiều tổ chức đảng, đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp đã thể hiện được vai trò vị trí của mình, góp phần tích cực vào sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, đơn vị.

Trong thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Đảng bộ tỉnh đã tập trung tăng cường chỉ đạo xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên nhằm bảo đảm các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước (DNNKVNN) trên địa bàn tỉnh đều có sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị các cấp. Theo đó, các cấp ủy địa phương, các đoàn thể chính trị - xã hội đã tổ chức phối hợp rà soát, thống kê và chọn doanh nghiệp tiêu biểu để tập trung bồi dưỡng đoàn viên, hội viên ưu tú tạo nguồn phát triển đảng viên mới là công nhân, người lao động, tiến tới thành lập tổ chức đảng, các đoàn thể nhân dân trong DNNKVNN.

Sau hơn 3 năm, Đảng bộ tỉnh đã có 44 tổ chức cơ sở đảng trong các doanh nghiệp; trong đó thành lập được 11 tổ chức đảng trong DNNKVNN gồm: 6 tổ chức đảng trong công ty cổ phần tư nhân, 2 tổ chức đảng công ty TNHH tư nhân, 2 tổ chức đảng doanh nghiệp tư nhân và 1 tổ chức đảng trong hợp tác xã. Dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh và cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đã kết nạp được 145 đảng viên là quần chúng ưu tú, là cán bộ, công nhân lao động trong các thành phần kinh tế vào tổ chức đảng, đưa tổng số đảng viên đang sinh hoạt trong khối doanh nghiệp lên 1.209 đồng chí. Về tổ chức đoàn thể có 13 tổ chức công đoàn trong các DNNKVNN được thành lập với 863 công đoàn viên và 7 tổ chức đoàn thanh niên với 217 đoàn viên.

c
Đến nay, toàn tỉnh mới chỉ thành lập được 11 tổ chức đảng trong tổng số 984 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm tỷ lệ 1,12%.

 

Nhìn chung, DNNKVNN ở Điện Biên đã có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng, đoàn thể từng bước được nâng lên, tạo được mối quan hệ tốt giữa người sử dụng lao động và người lao động, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm và thu nhập chính đáng của người lao động, góp phần thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước vẫn còn nhiều mặt hạn chế cần khắc phục đó là: Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa quán triệt đầy đủ, sâu sắc yêu cầu, nội dung Chỉ thị của Bộ Chính trị; việc lãnh đạo, chỉ đạo chưa thường xuyên, chặt chẽ và thiếu đồng bộ; việc sơ kết, tổng kết thực hiện Chỉ thị chưa kịp thời; một số chủ doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức được vai trò, vị trí, tầm quan trọng của tổ chức đảng và vai trò xung kích, gương mẫu của đảng viên, đoàn viên nên việc xây dựng tổ chức đảng, các đoàn thể và số lượng đảng viên, đoàn viên, hội viên trong các doanh nghiệp còn thấp. Đến nay, toàn tỉnh mới chỉ thành lập được 11 tổ chức đảng trong tổng số 984 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm tỷ lệ 1,12%; 13 tổ chức công đoàn (chiếm 1,32%) và 7 tổ chức đoàn thanh niên (chiếm tỷ lệ 0,71%) nên chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của công tác xây dựng đảng trong DNNKVNN. Đa số công nhân, lao động chỉ nghĩ đến lợi ích kinh tế trước mắt, thiếu ý chí vươn lên, ngại học tập, ngại phấn đấu. Số ít còn thờ ơ với các hoạt động chính trị - xã hội, không tha thiết phấn đấu để đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Trong thời gian tới, tổ chức đảng trong DNNKVNN và các cấp ủy cơ sở cần tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động để chủ doanh nghiệp nhận thức rõ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và sự cần thiết của việc thành lập tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp theo tinh thần Chỉ thị 07-CT/TW của Bộ Chính trị. Đối với doanh nghiệp đã có tổ chức đảng cần nâng cao chất lượng hoạt động, tích cực bồi dưỡng quần chúng là người lao động trong doanh nghiệp để tạo nguồn cho công tác phát triển đảng viên. Đối với những doanh nghiệp đã có đảng viên nhưng chưa có tổ chức đảng, cấp ủy cấp trên của TCCSĐ phải tiến hành khảo sát, đánh giá tình hình doanh nghiệp, để chuẩn bị tiến thành lập tổ chức đảng. Đối với doanh nghiệp chưa có đảng viên, cấp ủy cấp trên nơi doanh nghiệp có trụ sở chính, phân công cấp ủy viên, đảng viên có kinh nghiệm phối hợp với đoàn thể trong doanh nghiệp tuyên truyền, vận động, phát hiện đối tượng để bồi dưỡng tạo nguồn phát triển đảng viên. Chỉ đạo các tổ chức đảng kịp thời xây dựng, bổ sung quy chế làm việc của cấp ủy, quy chế phối hợp hoạt động giữa cấp ủy, ban giám đốc, hội đồng quản trị, các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ của doanh nghiệp. Hoạt động của các tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp phải bám sát hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, chủ động đề ra nội dung, phương thức hoạt động thiết thực gắn với lợi ích của doanh nghiệp, thường xuyên hướng dẫn nội dung, trau dồi kỹ năng, phương thức hoạt động, chăm lo cho cán bộ làm công tác đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Văn Thịnh, Giám đốc Công ty Cổ phần xi măng Điện Biên cho biết: “Việc thành lập tổ chức đảng trong doanh nghiệp (DN) còn gặp khó khăn, một trong những nguyên nhân đó là: Còn một số DN chưa thật sự nhận thức đúng về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đảng; không ít công nhân ngại học tập chính trị, sợ vào Đảng phải học tập, hội họp nhiều, rồi đóng đảng phí, động cơ phấn đấu vào Đảng không rõ ràng. Vì vậy, muốn thành lập tổ chức đảng trong DN, trước hết phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, phải phát huy tốt vai trò của tổ chức đảng trong DN và lãnh đạo DN sản xuất đúng hướng, đồng thời quan tâm chăm lo đến đời sống, tinh thần của người lao động; phải tạo điều kiện cho người lao động được học tập, được tham gia các tổ chức đoàn thể xã hội… Có như vậy, việc thành lập tổ chức đảng trong DN mới được coi trọng thể hiện được vai trò của mình đối với sự phát triển của DN và đối với người lao động”.

Trước những khó khăn chung của nền kinh tế và những khó khăn của các doanh nghiệp hiện nay, việc chú trọng công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước và vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ đảng viên, đoàn viên, hội viên trong các doanh nghiệp tư nhân là yếu tố quan trọng quyết định sự ổn định và phát triển bền vững của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh./.

 

  Phong Lâm
                                      Ban Tổ chức Tỉnh ủy Điện Biên

 

.