Cách mạng tháng Tám năm 1945: Một trong những sự kiện trọng đại, có ý nghĩa to lớn nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam

Thứ Hai, 17/08/2015, 17:29 [GMT+7]

Điện Biên TV - Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã cách xa chúng ta 70 năm, nhưng sẽ mãi mãi là một sự kiện trọng đại, có ý nghĩa to lớn nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Cuộc cách mạng này đã đánh dấu sự kết thúc một thời kỳ đau thương của dân tộc, đưa dân tộc ta bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên nhân dân làm chủ vận mệnh đất nước, gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội.

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 cũng là thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lênin ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến, là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc giành thắng lợi đầu tiên trong thế kỷ XX, đã làm rung chuyển toàn bộ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân, đế quốc ở các châu lục. Giá trị và ý nghĩa lịch sử của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là vô cùng to lớn, có ảnh hưởng ngày càng sâu rộng đến phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước, được tất cả những người có lương tri trên thế giới thừa nhận. Thế nhưng, đến nay vẫn có không ít quan điểm, luận điệu sai trái, phản động; những nhận thức lệch lạc, đánh giá không đúng về ý nghĩa, tầm vóc lịch sử của sự kiện vĩ đại này. Một số nhà sử học phương Tây võ đoán cho rằng: “Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là sự ăn may của cộng sản Việt Minh”. Theo lập luận của họ, Việt Minh đã nhanh tay cướp lấy thành quả của đồng minh chống phát xít, khi quân đồng minh chưa kịp vào Đông Dương để giải giáp quân Nhật (!). Những kẻ thâm thù với cách mạng thì trắng trợn vu cáo: “Việt Minh đã cướp công của dân tộc trong Cách mạng tháng Tám”; chúng cùng hùa với nhau tung ra những luận điệu xằng bậy, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chẳng hạn: “Cách mạng tháng Tám là do tinh thần dân tộc lãnh đạo”...

d
Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19/8/1945. (Ảnh: Nguồn internet)


Gần đây, một số phần tử cơ hội chính trị mạo danh là “người Việt Nam yêu nước” đã lớn tiếng đòi xem xét lại sự kiện lịch sử Cách mạng tháng Tám. Họ đã lợi dụng tự do dân chủ, nhân quyền, bất chấp phải trái, trắng đen mà tung ra luận điệu trắng trợn, hằn học, bỉ ổi, xuyên tạc thực tế lịch sử vì mục đích sai trái của mình. Thậm chí, họ ngộ nhận cho rằng, nếu như không đi theo con đường những người cộng sản vạch ra mà bằng cách xin “chính quốc” trao trả độc lập thì Việt Nam vẫn có độc lập và tránh được chiến tranh, đi theo con đường của các nước tư bản để có được sự phồn vinh (!)... Phải chăng, đằng sau mưu đồ phủ nhận giá trị và ý nghĩa lịch sử của cuộc Cách mạng tháng Tám, nhằm mục đích làm cho nhân dân mất niềm tin vào Đảng ta, lái hướng dân tộc đi theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa?

Thực tiễn lịch sử cho thấy, ngay sau khi thành lập, Đảng ta đã được nhân dân giao phó sứ mệnh lịch sử trước dân tộc với việc phát động, lãnh đạo cao trào cách mạng 1930 - 1931 và 1936 - 1939. Đó là hai cuộc tổng diễn tập, chuẩn bị tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945. Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, thực dân Pháp thực hiện chính sách thống trị tàn bạo ở Đông Dương. Tình hình thế giới và Đông Dương biến chuyển căn bản. Đảng ta chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu và phát động cao trào đấu tranh mới, tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Tháng 5/1941, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa I) đã xác định: “Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Hội nghị đã phát động cao trào cách mạng giải phóng dân tộc. Ngày 9/3/1945, phát xít Nhật tiến hành đảo chính lật đổ chính quyền Pháp, ngay sau đó, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra bản Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta. Hội nghị quyết định phát động cao trào chống Nhật, cứu nước trong toàn quốc, làm tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa. Cả dân tộc ta gấp rút chủ động chuẩn bị những công việc để tạo và đón lấy thời cơ tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ngày 1/7/1945, Ủy ban Quân sự Bắc kỳ ra Lời kêu gọi, trong đó nêu rõ: “Tiếng súng du kích kháng Nhật đang nổ kịch liệt. Phong trào du kích đang lan tràn ra các tỉnh thượng du và trung du Bắc kỳ. Quân du kích của ta đã làm chủ nhiều nơi... Các tầng lớp nhân dân, các dân tộc bị áp bức ở Đông Dương kề vai sát cánh đánh đuổi thù chung”. Ngày 14/8/1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng đồng minh, chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.

Trước tình hình thế giới chuyển biến nhanh chóng có lợi cho cách mạng, Trung ương Đảng ta, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh đã triệu tập Hội nghị toàn quốc, nhận định điều kiện khởi nghĩa đã chín muồi và cử ra Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. Ngày 16/8/1945, Quốc dân Đại hội họp và quyết định thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Nghị quyết Quốc dân Đại hội nhấn mạnh: “Không phải Nhật bại là nước ta tự nhiên được độc lập. Nhiều sự gay go trở ngại sẽ xảy ra. Chúng ta phải khôn khéo và kiên quyết. Khôn khéo để tránh những sự không có lợi cho ta. Kiên quyết để giành cho được nền hoàn toàn độc lập”. Ngay trong ngày 16/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Cả dân tộc Việt Nam, với quyết tâm “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”, đã nhất tề vùng lên. Chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng, cuộc tổng khởi nghĩa của nhân dân ta đã thành công, lật đổ bộ máy thống trị phát xít cùng triều đình phong kiến, thiết lập chính quyền cách mạng trên cả nước. Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử của Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, mở đầu một chế độ mới, là chặng đầu con đường phát triển của dân tộc trong kỷ nguyên mới.

Sức mạnh lan tỏa của Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam không chỉ giới hạn ở khu vực Đông Nam Á mà nó đã góp phần quan trọng thức tỉnh các dân tộc trên thế giới, đặc biệt các nước ở châu Phi, châu Mỹ La-tinh đang bị cùm trói trong vòng nô lệ, lệ thuộc của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, cổ vũ các dân tộc vùng lên đấu tranh để tự giải phóng khỏi ách áp bức, bóc lột, lệ thuộc của chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Điều đó được Tiến sĩ Sanomish Dashtsevel (Mông Cổ) nhấn mạnh trong bài tham luận hội thảo quốc tế “Việt Nam trong thế kỷ XX” tổ chức tại Hà Nội (tháng 9/2000): “Cách mạng tháng Tám đã tạo điều kiện cho nhân dân Việt Nam làm chủ đất nước, giành được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước. Cuộc Cách mạng tháng Tám còn có ý nghĩa quan trọng đối với phong trào giải phóng dân tộc và dân chủ ở các nước châu Á và trên thế giới”.

Thực tiễn đất nước ta sau khi thoát khỏi ách nô dịch của chủ nghĩa thực dân, đế quốc và giành được nền độc lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã buộc phải liên tục chiến đấu chống thù trong, giặc ngoài suốt 30 năm ròng rã, vượt qua muôn vàn khó khăn, hiểm nguy, có lúc tình thế cách mạng như “ngàn cân treo sợi tóc”. Lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã cho thấy, không thể có chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và Đại thắng mùa Xuân năm 1975, nếu không có Cách mạng tháng Tám năm 1945. Ngược lại, thành quả của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 sẽ không được bảo vệ và phát huy, nếu không có thắng lợi vĩ đại của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. V.I. Lê-nin, vị lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản thế giới đã chỉ rõ: “Một cuộc cách mạng chỉ thật sự có giá trị nếu nó biết tự bảo vệ”. Cách mạng Việt Nam đã chứng minh một cách đầy thuyết phục chân lý đó. Không một sự xuyên tạc nào có thể xóa nhòa, phủ nhận được sự thật lịch sử truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Những ai cố tình quay lưng, ngoảnh mặt, tiếp tục “bắn” vào quá khứ hào hùng của dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh, ắt “gieo gió phải gặp bão”. Câu châm ngôn chỉ ra rằng, “Nếu ai bắn vào quá khứ bằng súng lục, tương lai sẽ bắn vào họ bằng đại bác”./.

 

Nguyễn Vân Chương
UVBTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

 

.