Ngày làm việc thứ 2 kỳ họp thứ 14 - HĐND tỉnh khóa XIII

Tiếp tục thông qua 8 tờ trình và báo cáo thẩm tra

Thứ Ba, 07/07/2015, 15:45 [GMT+7]

Điện Biên TV -  Hôm nay (7/7), kỳ họp thứ 14 - HĐND tỉnh khóa XIII bước sang ngày làm việc thứ 2. Buổi sáng, các đại biểu tiếp tục phiên làm việc tại hội trường với việc dành phần lớn thời gian thông qua 8 tờ trình và báo cáo thẩm tra.

Đối với Tờ trình về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung quy định về phí, lệ phí trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Theo đó, UBND tỉnh trình xem xét việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung quy định về thu phí, lệ phí trên địa bàn tỉnh đã ban hành tại Nghị quyết số 354/2014/NQ-HĐND ngày 12/12/2014, đó là: Điều chỉnh, bổ sung 2 khoản phí gồm phí đấu giá và phí dự thi, dự tuyển, sơ tuyển, xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp (đối với cơ sở giáo dục - đào tạo thuộc địa phương quản lý); Điều chỉnh, bổ sung 5 khoản lệ phí: Lệ phí hộ tịch, đăng ký cư trú, chứng minh nhân dân, lệ phí cấp giấy phép cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, lệ phí địa chính, lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cung cấp thông tin về đăng ký kinh doanh, lệ phí trước bạ (đối với ô tô dưới 10 chỗ kể cả người lái xe); Điều chỉnh, bổ sung 1 đối tượng nộp và 4 đơn vị thu phí, lệ phí: Phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm (đối với giao dịch địa phương thực hiện), lệ phí cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, lệ phí cấp bản sao, lệ phí chứng thực, lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm (đối với giao dịch địa phương thực hiện); Điều chỉnh, bổ sung quy định về tỷ lệ phân chia tiền thu được với 1 khoản phí và 2 khoản lệ phí: Phí dự thi, dự tuyển, sơ tuyển, xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp (đối với cơ sở giáo dục - đào tạo thuộc địa phương quản lý), lệ phí đăng ký quản lý hộ khẩu, lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Sửa đổi, bổ sung nội dung thứ 2 tại Điều 4 Nghị quyết số 354/2014/NQ-HĐND ngày 12/12/2014.

 

Theo Tờ trình về việc ban hành định hướng nội dung Quy ước của thôn, bản, đội tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong xây dựng và thực hiện Hương ước, Quy ước trong thực tiễn đời sống của nhân dân, góp phần phát huy giá trị truyền thống, văn hóa tốt đẹp trong sinh hoạt của cộng đồng dân cư, tại kỳ họp lần này, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Định hướng nội dung quy ước của thôn, bản, đội, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh để định hướng thống nhất nội dung của Quy ước cho phù hợp với pháp luật và điều kiện thực tế của địa phương. Sau khi HĐND tỉnh ban hành Định hướng Quy ước của thôn, bản, đội, tổ dân phố, UBND tỉnh sẽ xây dựng và ban hành quy ước mẫu làm cơ sở cho các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện. Đối với nội dung bảo vệ và phát triển rừng trong định hướng quy ước mẫu chỉ nêu những vấn đề chính, trên cơ sở đó tùy điều kiện cụ thể để các thôn, bản, đội, tổ dân phố quy định cụ thể trong Quy ước hoặc xây dựng quy ước riêng về bảo vệ rừng.

Tờ trình về việc quy định chức danh, số lượng, chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, phường, thị trấn và ở thôn, bản, tổ dân phố. Theo quy định số lượng những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Điện Biên, cụ thể: cấp xã loại 1 tối đa 24 người; cấp xã loại 2 tối đa 23 người và loại 3 tối đa 22 người. Đối với chức danh những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, bản, tổ dân phố; trong đó, chức danh những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã với 21 chức danh; những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, tổ dân phố với 3 chức danh và 7 chức danh khác ở thôn, bản, tổ dân phố.

Tại tờ trình về Quy hoạch tổng thể bố trí dân cư tỉnh Điện Biên giai đoạn 2015 – 2020, định hướng đến năm 2025, UBND tỉnh xây dựng với tổng mức vốn đầu tư là 2.184,598 tỷ đồng, được phân làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ năm 2015 – 2020) và giai đoạn 2 (từ 2021 – 2025). Phạm vi quy hoạch trên địa bàn 92/130 xã, thị trấn, thuộc 9/10 huyện, thị xã của tỉnh, với 1.180 thôn, bản. Ưu tiên vùng thiên tai cần di dời cấp bách, vùng có nguy cơ thiên tai, vùng biên giới, đặc biệt khó khăn về đời sống, ổn định dân cư tự do, vùng xung yếu, rất xung yếu... Mục tiêu trong giai đoạn sẽ bố trí, sắp xếp ổn định cho 5.219 hộ, 28.696 nhân khẩu. Trong đó, về cơ sở hạ tầng, phấn đấu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 cơ bản hoàn thành các công trình trọng điểm: giao thông, nước sinh hoạt, thủy lợi, trường học... phù hợp với các tiêu chí trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Về đời sống dân cư, đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 8,58 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 22,83%; đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt 13,4 triệu đồng/người/năm, giảm hộ nghèo xuống còn 11,33%...

Cũng tại phiên họp, lãnh đạo UBND tỉnh đã trả lời 6 nhóm ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 13 - HĐND tỉnh khóa XIII và Đoàn ĐBQH tỉnh báo cáo kết quả kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.

Buổi chiều, đại biểu HĐND tỉnh sẽ tiến hành thảo luận tại tổ./.

 

Diệp Xuân

.