Hội đồng nhân dân: Quyền lực lớn nhưng làm gì cũng vướng

Thứ Năm, 04/06/2015, 18:40 [GMT+7]

HĐND có quyền rất lớn, phạm vi rất rộng nhưng tổ chức thực hiện có nhiều điều vướng. Đó là thực tế hiện nay ở nhiều địa phương.

Dự thảo luật Tổ chức chính quyền địa phương là Dự thảo luật quan trọng, có tác động trực tiếp đến hiệu lực và hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền nói riêng và của cả hệ thống chính trị.

HĐND có đủ lực để hiện thực hóa quyền năng?

Kết luận bế mạc Hội nghị 11 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã khẳng định: tất cả các đơn vị hành chính đều tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm có HĐNĐ và UBND). Nhưng làm thế nào để thiết chế dân chủ đại diện trong cấp chính quyền là HĐND phát huy được đúng chức năng, nhiệm vụ Hiến pháp và luật đã quy định lại là câu hỏi lớn cần được giải đáp một cách thấu đáo.

Tính đại diện và tính quyền lực là quyền năng, là trọng trách lớn lao mà nhân dân trao cho cơ quan đại diện của mình là HĐND. Ngay từ ngày đầu đất nước giành được độc lập, tư tưởng tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước được khẳng định trong Hiến pháp và pháp luật. Đây là tư tưởng nhất quán, kiên định, xuyên suốt, trở thành nguyên tắc trong tổ chức bộ máy nhà nước.

Rõ ràng câu chuyện về HĐND, một thiết chế dân chủ đại diện, không thể khác, phải bắt đầu từ chính người dân, do người dân và vì người dân.

1
Tính đại diện và tính quyền lực là quyền năng, là trọng trách lớn lao mà nhân dân trao cho cơ quan đại diện của mình là HĐND (Ảnh minh họa)

 

Quyền là như vậy nhưng HĐND có đủ lực để hiện thực hóa những quyền năng đó không? Những câu chuyện từ thực tế sẽ cho chúng ta lời giải.

Hải Phòng là thành phố Cảng. Với tài nguyên cảng không phải nơi đâu cũng có, đáng lẽ, chính quyền địa phương phải được quyết một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát huy lợi thế của địa phương nhằm mang lại nguồn thu cho người dân địa phương cũng như người dân cả nước.

Tuy vậy, thực tế, HĐND thành phố không có thẩm quyền này. Toàn bộ nguồn thu từ hoạt động của cảng biển chuyển về ngân sách nhà nước trong khi địa phương phải đầu tư chi phí cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cũng như cho con người. Các quyết nghị của Hội đồng nhân dân thành phố nếu có cũng là quyết lại những nội dung đã được nêu trong nghị quyết của Thành ủy.

Ông Nguyễn Đình Bích, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hải Phòng cho rằng, bất cập này phần nào làm vai trò, trách nhiệm, năng lực của HĐND trong quyết định các vấn đề kinh tế- xã hội tại địa phương trở nên mờ nhạt. Với một hệ thống pháp luật không quy định được một cách chặt chẽ, cụ thể và thống nhất HĐND được quyết cái gì, quyết như thế nào, cơ chế đảm bảo hiệu lực thực hiện ra sao thì quyền mà Hiến pháp và luật trao đó cũng là hư quyền.

Lúc này, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ sẽ lại phụ thuộc vào nhận thức chủ quan của ai đó ở từng nơi, từng lúc đặc biệt là của lãnh đạo cao nhất ở địa phương. Cũng vì khoảng trống của pháp luật nên thực tế, các quyết nghị, kết luận của Hội đồng hiệu lực rất thấp.

Theo ông Nguyễn Đình Bích, điều này không những làm giảm vị thế của HĐND vốn là cơ quan quyền lực ở địa phương mà còn dẫn đến hệ lụy khác. Ông Bích bày tỏ: “Nghị quyết của Hội đồng nhiều khi hiệu lực thực hiện không bằng quyết định hành chính của cấp phường, quyết định của một Chủ tịch, Phó Chủ tịch phường. Nghị quyết ban hành ra thực hiện đúng hay không, thậm chí chưa triển khai thực hiện cũng chỉ nêu vấn đề. Nhiều nội dung chưa thực hiện  cũng  không có ai chịu trách nhiệm, không có chế tài dẫn đến hệ lụy khi Ủy ban trình thì cũng không làm kỹ”.

Quyền lớn nhưng tổ chức thực hiện bị vướng

Theo quy định của Hiến pháp cũng như Luật tổ chức HĐND và UBND thì UBND do HĐND bầu và là cơ quan chấp hành của HĐND. Vậy có thực sự là quyền lực không khi quyết nghị của Hội đồng được cơ quan chấp hành thực hiện cũng được, không thực hiện cũng chẳng sao?

Các kết luận giám sát của cơ quan quyền lực, nhưng hoàn toàn có thể bị lãng quên bởi cách làm việc thiếu nhiệt tâm, không sâu sát và vô trách nhiệm? Sẽ có ý kiến phản biện rằng vì chất lượng quyết nghị, kết luận giám sát hạn chế quá, chung chung quá. Điều này đúng nhưng chưa hẳn vậy!

Ông Vũ Đức Bảo, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Long Biên, thành phố Hà Nội lý giải: Với một quận gồm 14 phường, hơn 190.000 nhân khẩu, nhiều vấn đề kinh tế - xã hội của quá trình đô thị hóa đang đặt ra. Nhưng định biên đại biểu dân cử chuyên trách theo luật định lại quá ít.

HĐND quận chỉ có 4 đại biểu chuyên trách, Chủ tịch cũng là kiêm nhiệm. HĐND phường thường chỉ có 1 đại biểu chuyên trách. Đại biểu HĐND phường thì có người ở tổ dân phố, người ở đoàn thể thường chuyên môn không giỏi, vừa hạn chế kỹ năng, vừa hạn chế về thông tin nên khả năng đại diện cho người dân trong quyết nghị, trong giám sát hạn chế.

Cũng theo ông Bảo, hiện nay luật trao cho Hội đồng rất nhiều chức năng nhiệm vụ và bao trùm toàn bộ các hoạt động kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng ở địa phương, nhưng với số lượng con người chuyên trách như vậy thì chắc chắn không làm được hết các lĩnh vực đại diện cho cử tri. Quyền rất lớn, phạm vi rất rộng nhưng tổ chức thực hiện có nhiều điều vướng. Đó cũng là thực tế hiện nay ở nhiều địa phương.

Lý giải về căn nguyên hiệu lực của các quyết nghị HĐND còn yếu, thực lực để thực hiện quyền năng còn rất hạn chế, ông Dương Quang Tung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức Nhà nước (Bộ Nội vụ) nhận định, điều này là do cơ chế, chính sách. Vì vậy phải sửa để làm sao Hội đồng tỉnh, Hội đồng thành Phố, Hội đồng xã phát huy được quyền của mình.

Ông Nguyễn Anh Sơn, đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định cho rằng, điều quan trọng là phải nhìn cho thấu vì sao HĐND lại hoạt động hình thức, từ đó mới tìm ra giải pháp đúng và trúng.

Sự tồn tại của HĐND không chỉ ở một số cấp mà ở tất cả các cấp sẽ là hình thức nếu chúng ta không dành sự quan tâm thỏa đáng, không minh xác một cách khách quan, trung thực các vấn đề để giải đáp những câu hỏi đặt ra. Đây cũng là nội dung chính của bài tiếp theo. Mời quý độc giả đón đọc./.

 

Theo VOV
 

.