Điện Biên: Một số kinh nghiệm rút ra từ Đại hội điểm cấp cơ sở nhiệm kỳ 2015-2020

Thứ Ba, 19/05/2015, 08:41 [GMT+7]

Điện Biên TV - Từ ngày 18/3/2015 đến ngày 08-5-2015, 26/26 đảng bộ, chi bộ cơ sở (trong đó có 15 đảng bộ cơ sở, 11 chi bộ cơ sở) đã hoàn thành Đại hội điểm theo Kế hoạch 32 ngày 16/9/2014 của Tỉnh ủy và Chỉ thị 36-CT/TW, ngày 30-5-2014 của Bộ Chính trị. Đại hội điểm đối với cấp cơ sở sẽ là căn cứ để Tỉnh ủy và các Đảng bộ trực thuộc tỉnh, tiếp tục chỉ đạo Đại hội nhân diện rộng đối với các Tổ chức cơ sở đảng còn lại trên địa bàn toàn tỉnh.

Ban chấp hành Chi bộ cơ sở Ban tổ chức Tỉnh ủy lần thứ 28 nhiệm kỳ 2015-2020
Ban chấp hành Chi bộ cơ sở Ban tổ chức Tỉnh ủy lần thứ 28 nhiệm kỳ 2015-2020

Thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 30-5-2014 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; Hướng dẫn 26-HD/BTCTW ngày 18/8/2014 của Ban Tổ chức Trung ương; Kế hoạch 32-KH-TU ngày 16/9/2014 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên về đại hội đảng bộ các cấp trong Đảng bộ tỉnh. Các huyện, thị, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ đã xây dựng kế hoạch Đại hội cấp mình, đồng thời triển khai, quán triệt các nội dung Đại hội các cấp đến các tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) và đảng viên thuộc cấp ủy, tổ chức Đảng mà mình quản lý. Theo đó, 14/14 đảng ủy trực thuộc tỉnh trước khi tiến hành Đại hội diện rộng các (TCCSĐ) thuộc Đảng bộ quản lý đã tiến hành lựa chọn được 26 chi, đảng bộ cơ sở (trong đó có 15 đảng bộ cơ sở, 11 chi bộ cơ sở) đại diện cho các loại hình (TCCSĐ) để tổ chức đại hội điểm. Tính đến ngày 08-5-2015, 26/26 đảng bộ, chi bộ cơ sở đã hoàn thành Đại hội điểm theo đúng sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Đại hội điểm đã đảm bảo đủ 4 nội dung theo tinh thần Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị.

Trong quá trình chỉ đạo triển khai tổ chức Đại hội điểm (TCCSĐ) vừa qua cho thấy, Ban Thường vụ cấp uỷ cấp huyện, thị, thành uỷ và đảng uỷ trực thuộc tỉnh, đã quan tâm chỉ đạo sát sao, hầu hết các đơn vị đều thành lập các tổ công tác và phân công cho các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ, các đồng chí trong Ban chấp hành trực tiếp xuống cơ sở để giúp đỡ tổ chức Đại hội điểm như: Tham mưu thành lập các tiểu Ban của Đại hội, công tác chuẩn bị dự thảo báo cáo, chuẩn bị nhân sự Ban chấp hành khóa mới theo đúng tiêu chuẩn quy định, công tác đảm bảo hậu cần an ninh trật tự cũng như công tác tuyên truyền trước, trong và sau đại hội, đảm bảo cho Đại hội được diễn ra một cách trang trọng, tạo được sự tin tưởng, phấn khởi, đồng thuận trong cán bộ đảng viên và quần chúng Nhân dân.

Nhìn chung, các báo cáo chính trị đã bám sát tình hình, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị; đánh giá toàn diện quá trình thực hiện nghị quyết đại hội nhiệm kỳ qua và các chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy cấp trên, gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đã thể hiện được tính nghiêm túc trong tự phê bình và phê bình, chỉ ra được những ưu điểm, khuyết điểm và kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, điều hành của cấp ủy. Các ý kiến tham gia góp ý vào báo cáo chính trị ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, bổ sung được nhiều giải pháp thiết thực. Quy trình công tác nhân sự đại hội được thực hiện dân chủ, khách quan, bảo đảm tiêu chuẩn, cơ cấu và có số dư, cơ bản đáp ứng yêu cầu; việc bầu đại biểu chính thức và dự khuyết đi dự đại hội đảng bộ cấp trên đảm bảo đúng quy trình, hầu hết đều bầu 1 lần là đủ, không phải thực hiện bầu lần thứ 2.

Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại hạn chế như: Báo cáo chính trị của một số cấp ủy chuẩn bị còn rập khuôn, máy móc theo hướng dẫn của cấp trên, thiếu cụ thể hóa cho phù hợp với địa phương, đơn vị; báo cáo kiểm điểm của cấp ủy chưa đi sâu kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của cấp ủy khóa cũ trong việc lãnh đạo, chỉ đạo; các ý kiến thảo luận tại đại hội là các bản tham luận được chuẩn bị sẵn, chủ yếu nêu về thành tích của đơn vị, rất ít ý kiến thảo luận, tranh luận. Về đề án nhân sự, công tác bầu cử cấp ủy, đại biểu ứng cử và đề cử rất hạn chế, chủ yếu nhân sự do cấp ủy khóa trước giới thiệu và được đại hội thông qua; việc bầu cử vẫn còn một số tổ chức cơ sở Đảng bầu không trúng nhân sự đã được quy hoạch; có nơi dự kiến bầu cấp ủy không trúng, dự kiến bầu chức danh Bí thư nhưng không trúng vào Ban Thường vụ, không trúng đại biểu đi dự đại hội đảng bộ cấp trên; một số địa phương tuy có nguồn nhưng cơ cấu ủy chưa đảm bảo về tỉ lệ trẻ, tỉ lệ nữ…

Từ thực tiễn Đại hội điểm cấp cơ sở có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là, tập trung chỉ đạo và hướng dẫn bám sát các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh, của huyện, thị, thành uỷ, nhất là những vấn đề mới, những điểm mới của Quy chế bầu cử trong Đảng; đối với những đảng bộ có nhiều chi bộ trực thuộc, cấp uỷ cơ sở nên thành lập các tổ công tác giúp cấp uỷ chỉ đạo hướng dẫn chi bộ chuẩn bị và tổ chức đại hội.

Hai là, chuẩn bị kỹ dự thảo báo cáo chính trị đại hội, báo cáo phải đánh giá được toàn diện các mặt công tác của cơ quan, đơn vị, tránh dàn trải, đặc biệt là đánh giá việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết TW 4, khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Ba là, chú trọng công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trên địa bàn nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của Đại hội đảng các cấp; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, xây dựng các cụm pa-nô, áp-phích, cờ, khẩu hiệu chào mừng đại hội; trang trí đại hội phải thực hiện đúng theo hưỡng dẫn số 01-HD/TW ngày 05/01/2012 của Ban Bí thư hướng dẫn một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng.

Bốn là, công tác nhân sự đảm bảo đúng quy định, chuẩn bị kỹ lưỡng, tránh gò ép, cần mở rộng và phát huy tính dân chủ trong đảng; đề cao trách nhiệm của tập thể cấp uỷ và cán bộ, đảng viên trong việc giới thiệu nhân sự tham gia cấp uỷ; kiên quyết khắc phục chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cục bộ địa phương, dân tộc, dòng họ, hoặc thái độ nể nang, né tránh, bè phái, cơ hội; thực hiện nghiêm túc quy trình công tác nhân sự cấp uỷ trước đại hội (theo hướng dẫn số 05-HD/BTC ngày 12/9/2014 của Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Điện Biên), bảo đảm tiêu chuẩn, cơ cấu hợp lý, quan tâm đến cơ cấu cán bộ trẻ, cán bộ nữ tham gia cấp uỷ và xử lý dứt điểm các đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến nhân sự cấp uỷ (nếu có) trước khi tiến hành đại hội.

Năm là, điều hành đại hội, sự điều hành của đoàn chủ tịch tại đại hội là hết sức quan trọng, có tính chất quyết định tới sự thành công của đại hội, do đó phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng; phân công nhiệm vụ phải sâu sát, chi tiết và cụ thể cho từng thành viên đoàn chủ tịch, bám sát kịch bản đã chuẩn bị, tránh "nói vo" làm kéo dài thời gian đại hội; coi trọng toàn diện các nội dung của đại hội, tránh tình trạng quá chú trọng vào công tác bầu cử, xem nhẹ việc thảo luận tại đại hội. Điều hành phần bầu cử cấp uỷ, bí thư, phó bí thư đảm bảo đúng nguyên tắc, thủ tục theo Quy chế bầu cử trong Đảng. Ban kiểm phiếu phải kiểm tra số lượng phiếu bầu đã nhận; số lượng đảng viên chính thức (hoặc đại biểu đối với đại hội đại biểu) dự đại hội trước khi phát phiếu bầu; số lượng phiếu bầu còn lại (nếu có); phân loại chính xác phiếu bầu trước khi kiểm phiếu (phiếu bầu hợp lệ, không hợp lệ; phiếu bầu đủ số lượng, phiếu bầu thiếu số lượng,...); nắm chắc cách tính kết quả bầu cử và người trúng cử theo quy định.

Sau đại hội, các cấp uỷ đảng cần phải xây dựng quy chế làm việc, sớm phân công, phân nhiệm cho từng cấp uỷ viên, tập trung lãnh đạo thực hiện tốt nghị quyết đại hội và nhiệm vụ chính trị của địa phương, của cơ quan, đơn vị.

Để đại hội đảng các cấp thực sự là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong mỗi cấp ủy, mỗi tổ chức đảng và trong mỗi cán bộ đảng viên và quần chúng Nhân dân, những kinh nghiệm trên đây nếu được các cấp uỷ cơ sở thực hiện tốt sẽ góp phần quan trọng vào sự thành công của Đại hội./.

 

Phong Lâm

 

.