Đại biểu Quốc hội phải giải quyết được bức xúc của dân
Cử tri mong muốn người đại biểu phải đi đến tận cùng vấn đề và góp phần giải quyết được bức xúc của người dân.
Trong những kỳ họp Quốc hội gần đây, nhiều ý kiến cử tri bày tỏ sự hài lòng về hiệu quả hoạt động của nhiều đại biểu Quốc hội, ghi nhận và đánh giá cao những đổi mới trong phương thức hoạt động của một số đại biểu. Tuy nhiên, cử tri cũng cho rằng, để hoàn thành tốt vai trò hoạch định chính sách và đại diện nhân dân của mình, người đại biểu Quốc hội cần cố gắng hơn rất nhiều trong việc nâng cao tính chuyên nghiệp.
Cử tri nhận xét Quốc hội đã không ngừng đổi mới cả trong nội dung, phương thức hoạt động, các đại biểu ngày càng gần dân, sát dân, hiểu dân hơn. Với những nội dung bàn thảo mang hơi thở cuộc sống, nghị trường Quốc hội đang dần trở thành diễn đàn đại diện ý chí, nguyện vọng của cử tri.
Tuy vậy, các cử tri cũng cho rằng chất lượng hoạt động của nhiều đại biểu chưa được cải thiện, còn nặng tính hình thức mà chưa thực sự đi vào giải quyết những bức xúc của cử tri.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa thảo luận tại Quốc hội - Ảnh: Quang Trung |
Đại biểu chuyên nghiệp là không chỉ xây dựng chính sách vì lợi ích quốc gia, mà còn làm việc như những sứ giả đại diện cho địa phương của mình. Cử tri muốn các đại biểu quan tâm nhiều đến dư luận khi đưa ra các quyết sách hơn là làm theo những gì đại biểu cho là tốt nhất. Người dân mong muốn các đại biểu phải tiếp xúc với họ nhiều hơn, thường xuyên hơn, phục vụ địa phương họ thiết thực hơn... Điều này cũng giúp cho hoạt động lập pháp sát thực tế hơn.
Nhiều cử tri nêu thực trạng một số văn bản pháp luật ban hành nặng về lý thuyết và thiếu tính thực tiễn; lấy ý kiến đóng góp của người dân nhưng làm sơ sài, thiếu toàn diện nên khi triển khai gặp nhiều vướng mắc. Người làm Luật thiếu tầm nhìn xa nên có nhiều luật vừa mới ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung hoặc không thể thực hiện được. Cử tri cho rằng việc sửa đổi, ban hành Luật là hết sức quan trọng nên các đại biểu Quốc hội cần dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu trước khi bấm nút thông qua.
Cử tri Nguyễn Công Cẩn, quận 3, TP HCM đề nghị: “Quốc hội khi thông qua các Luật thì đề nghị phải làm rõ trách nhiệm, từ làm Dự thảo. Phải có người chịu trách nhiệm, không thể có trách nhiệm mơ hồ khi luật vào cuộc sống có bất cập xảy ra. Thực tế cho thấy, những sự việc trong xã hội xảy ra thiếu kết luận: ai là người phải chịu trách nhiệm này và phải chịu trách nhiệm như thế nào? Quốc hội phải đảm bảo với nhân dân là phải có người chịu trách nhiệm”, cử tri Nguyễn Công Cẩn bày tỏ.
Cử tri rất chia sẻ với các đại biểu phải gánh vác một lúc 3 gánh nặng là nhà lập pháp, nhà đại diện, và còn làm công việc nghề nghiệp của mỗi người. Do những đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống và hoạt động của Quốc hội, kiêm nhiệm lại không thể đáp ứng được hết những yêu cầu khó khăn của công tác lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Bởi vậy, yêu cầu chuyên nghiệp hoá đại biểu trở nên cấp thiết.
Đại biểu chuyên trách chưa thể thành chuyên nghiệp nếu không có bản lĩnh và tâm huyết. Cử tri cho rằng là người hoạch định chính sách cho đất nước, đại biểu phải luôn trăn trở với vận mệnh của đất nước, sống cùng nhịp sống của đất nước. Đồng thời, là người đại diện, phục vụ cử tri, chuyển tiếng nói của cử tri tới diễn đàn Quốc hội.
Cử tri Ngô Tiến Đạt, ở Hà Nội đề nghị các đại biểu Quốc hội nâng cao bản lĩnh, bày tỏ quan điểm chính kiến và thể hiện được nguyện vọng của cử tri với những bức xúc về các vấn đề xã hội,
Gần đây các vấn đề được đại biểu Quốc hội đề xuất bàn thảo trên nghị trường đã ngày càng đi vào nguyện vọng, đời sống muôn màu muôn vẻ của nhân dân. Những phiên chất vấn đã thu hút được sự theo dõi của cử tri bởi câu hỏi ngắn gọn hơn, tập trung vào nội dung chính, sát sườn với quyền lợi của dân. Tuy nhiên, cử tri mong muốn người đại biểu phải đi đến tận cùng vấn đề và góp phần giải quyết được bức xúc của người dân.
Cử tri Nguyễn Văn Cường, ở Nam Định đặc biệt quan tâm đến vai trò của người đại biểu Quốc hội trong các cuộc chất vấn và đề nghị đại biểu không được e ngại, né tránh mà cần chủ động đấu tránh làm rõ vấn đề, quy trách nhiệm cụ thể cho các trưởng ngành.
Con đường tiến tới chuyên nghiệp còn nhiều khó khăn và đòi hỏi người đại biểu Quốc hội nỗ lực rất nhiều để hoàn thành tốt vai trò hoạch định chính sách và đại diện nhân dân của mình./.
Theo VOV