Điện Biên: Nhiều nỗ lực xoá thôn, bản "trắng" chưa có tổ chức đảng và đảng viên trước Đại hội
Điện Biên TV - Năm 2015 là năm diễn ra Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Song công tác kiện toàn, củng cố tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) và xoá thôn, bản còn chưa có tổ chức đảng và đảng viên trên địa bàn tỉnh Điện Biên còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ở những nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi mà điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, trình độ về văn hoá và nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế.
Điện Biên Là tỉnh miền núi, biên giới có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, có 130 xã, phường và thị trấn, trong đó có gần 30 xã biên giới, có tới 110 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, 19 dân tộc anh em cùng sinh sống với hơn 53 vạn dân. Toàn tỉnh hiện có 14 đảng bộ trực thuộc với 626 TCCSĐ, trong đó có 220 đảng bộ cơ sở, 406 chi bộ cơ sở và 2.357 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, 30.473 đảng viên. Hiện toàn tỉnh còn 85/1.781 thôn, bản còn “trắng” đảng viên; 372/1.781 thôn, bản chưa có chi bộ phải sinh hoạt ghép.
Đặc thù khó khăn là vậy, trong những năm qua, quán triệt, thực hiện Nghị quyết Trung ương 6, khoá X về "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên", Tỉnh uỷ đã xây dựng chương trình hành động nhằm cụ thể hoá quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết phù hợp với đặc điểm tình hình của tỉnh. Nhiều giải pháp trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII (nhiệm kỳ 2010-2015) đã được đề ra, trong đó có Nghị quyết 08-NQ/TU ngày 03/7/2012 của Ban Chấp hành Tỉnh ủy Điện Biên về “Xây dựng, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ đảng, giai đoạn 2012-2015”. Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết cho thấy đã tạo được bước chuyển biến tích cực, rõ nét trong việc khắc phục tình trạng thôn, bản “trắng” đảng viên, "trắng" tổ chức đảng, góp phần quan trọng để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hôi của mỗi địa phương, đơn vị, nhất là giúp cho cơ sở trong việc kiện toàn củng cố hệ thống chính trị, tạo niềm tin cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn.
Năm 2014, toàn tỉnh đã kết nạp được 2.088 đảng viên, nâng tổng số đảng viên trong toàn tỉnh lên 30.473 |
Với những biện pháp chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt, hướng về cơ sở, hàng năm bình quân trên địa bàn toàn tỉnh đã giảm từ 15-20% số thôn, bản, trường học chưa có đảng viên; giảm 10% trở lên số thôn, bản, trường học chưa có chi bộ; mỗi chi bộ đã bồi dưỡng, kết nạp ít nhất được 01 đảng viên trở lên. Năm 2012, toàn tỉnh có 104 bản “trắng” đảng viên và 518 bản chưa có chi bộ, đến cuối năm 2014 chỉ còn 85 thôn, bản “trắng” đảng viên và 146 thôn, bản chưa có chi bộ. Bình quân mỗi năm giảm được 6,09% thôn, bản “trắng” đảng viên và 10,32% thôn, bản chưa có chi bộ. Riêng năm 2014, đã phát triển đảng ở 28 thôn, bản, cụm dân cư còn “trắng” đảng viên. Hiện nay, các đảng bộ có số thôn, bản, trường học, trạm y tế còn chưa có đảng viên nhiều nhất là: huyện Nậm Pồ 38, huyện Mường Nhé 25, huyện Mường Chà 9… đảng bộ có số thôn, bản chưa có chi bộ nhiều nhất là huyện Điện Biên Đông 81, huyện Điện Biên 66, huyện Tuần Giáo 62…Năm 2014, toàn tỉnh đã kết nạp được 2.088 đảng viên, nâng tổng số đảng viên trong toàn tỉnh lên 30.473. Đảng bộ tỉnh có 626 tổ chức cơ sở đảng, tăng 5 tổ chức cơ sở đảng so với năm 2013.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và sự nỗ lực của các cấp uỷ đảng, với phương châm hướng về cơ sở, xây dựng Nghị quyết chuyên đề về công tác này nhằm đưa ra các giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ và đảng viên. Do vậy, nhiều giải pháp nhằm xoá thôn, bản chưa có tổ chức đảng và đảng viên được đặt ra, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 03/07/2012 của Ban Chấp hành Tỉnh ủy, đảng bộ cấp huyện đã tăng cường xuống cơ sở để khảo sát, nắm tình hình, xác định nguyên nhân, tham mưu cho cấp ủy đưa ra giải pháp củng cố những TCCSĐ yếu kém; phát triển tổ chức đảng, đảng viên ở những thôn, bản vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Từ đó, các đảng bộ trực thuộc tỉnh đã tham mưu cho cấp ủy thực hiện. Trước hết là thực hiện điều động, luân chuyển cán bộ là đảng viên là giáo viên, bộ đội, công an về thôn, bản chưa có đảng viên. Số cán bộ này vừa có nhiệm vụ tăng cường bám, nắm tình hình cơ sở, vừa tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, vừa làm hạt nhân chính trị nhằm phát hiện, bồi dưỡng những quần chúng ưu tú cho Đảng. Đồng thời, phối hợp với các ngành liên quan tham mưu với cấp ủy phát triển đảng viên trong lực lượng dân quân tự vệ địa phương, công an viên, đoàn viên thanh niên và hội viên các đoàn thể quần chúng ở cơ sở.
Với những giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình cơ sở, toàn Đảng bộ đã có được chuyển biến tích cực trong việc xoá thôn, bản “trắng” đảng viên và tổ chức đảng, nhiều đảng bộ có tỷ lệ đảng viên tăng qua các năm, số lượng, chất lượng đảng viên mới kết nạp cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ở cơ sở; góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng và trẻ hoá đội ngũ đảng viên, từng bước thu hẹp số thôn, bản còn "trắng" đảng viên và tổ chức đảng, chi bộ ghép. Điển hình như Đảng bộ huyện Điện Biên năm 2014 kết nạp 338 đảng viên; Đảng bộ Điện Biên Đông kết nạp 280 đảng viên; Đảng bộ Tuần Giáo kết nạp 230 đảng viên...
Điện Biên với đặc thù là một tỉnh miền núi biên giới, nhiều dân tộc sinh sống, tỷ lệ hộ đói nghèo cao (31,49%), là tỉnh có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, do vậy công tác tạo nguồn phát triển đảng, tổ chức sinh hoạt và tổ chức thực hiện Điều lệ Đảng còn gặp không ít những khó khăn, bất cập. Song với nhiều giải pháp được đặt ra và đã thực hiện được mục tiêu của Nghị quyết, năm 2014, toàn Đảng bộ có số đảng viên là nữ 763 đồng chí (chiếm 36,54%), là đoàn viên thanh niên các dân tộc có 1.672 đồng chí (chiếm 80,07 %), trong đó đảng viên là người dân tộc thiểu số có 1.240 đồng chí (chiếm 59,39%), là người có đạo 01 đồng chí (chiếm 0,48%,); số còn lại được kết nạp trong lực lượng cán bộ công chức Nhà nước, viên chức hoạt động sự nghiệp, viên chức kinh doanh, công nhân lao động trong các thành phần kinh tế, nông dân, sỹ quan, chiến sỹ quân đội, công an, sinh viên…Đây là những yếu tố tích cực để củng cố TCCSĐ, xoá thôn, bản còn “trắng” về tổ chức đảng và đảng viên ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được trong việc xoá thôn, bản, cụm dân cư chưa có tổ chức đảng và đảng viên thì vẫn còn một số hạn chế, đó là: Một số cấp uỷ, tổ chức Đảng cơ sở năng lực lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương còn yếu, nhất là năng lực chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các chương trình mục tiêu, phát triển giáo dục, văn hoá, đảm bảo an ninh trật tự; xử lý các vấn đề phát sinh còn lúng túng, còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào cấp trên. Một số cấp uỷ cơ sở chưa thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở cơ sở; công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên, một số cán bộ, đảng viên còn thiếu gương mẫu, thiếu tinh thần trách nhiệm trong công việc. Việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả sinh hoạt chi bộ ở một số chi bộ thôn, bản chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đề ra. Công tác tạo nguồn bồi dưỡng, kết nạp đảng viên, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới chưa được quan tâm đúng mức. Công tác kiểm tra, giám sát đảng viên, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật Đảng có nơi chưa nghiêm và chưa được thường xuyên.
Năm 2015, năm Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; tổ chức thành công Đại hội chi bộ, Đảng bộ cơ sở có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Do vậy, đòi hỏi cấp uỷ các cấp tiếp tục tập trung chỉ đạo, rút kinh nghiệm triển khai thực hiện trong thời gian qua. Đồng thời, khắc phục những khó khăn trong công tác phát triển đảng ở những thôn, bản còn “trắng” đảng viên; trước hết là phát triển đảng ở các trung tâm y tế, điểm trường bằng các hình thức luân chuyển kết hợp tạo nguồn kết nạp đảng. Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người có đạo chú trọng phát hiện, bồi dưỡng hạt nhân ưu tú để kết nạp đảng. Cùng với đó, thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, nêu cao tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên để quần chúng noi theo gắn với việc đẩy mạnh "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cũng như thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá phân loại đảng viên, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, nghiên cứu học tập quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của đảng ở cơ sở./.
Khánh Toàn
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên