Mường Nhé sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 30a

Thứ Hai, 16/06/2014, 18:00 [GMT+7]

Điện Biên TV - Nhắc đến Mường Nhé, người ta nghĩ ngay đến một vùng đất xa xôi, nghèo và khó nhất của tỉnh Điện Biên. Mường Nhé cũng là một trong 64 huyện nghèo nhất cả nước. Được sự quan tâm, đầu tư và giúp đỡ của Chính phủ, của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, nên trong mấy năm gần đây dải đất biên cương, với gần 130 km đường biên giới với Lào và Trung Quốc, đã có nhiều đổi thay đáng kể. Nghị quyết 30a của Chính phủ là một Chính sách đã giúp đồng bào Mường Nhé có nhiều điều kiện thuận lợi để thoát nghèo và xây dựng cuộc sống mới.

v
Trung tâm huyện Mường Nhé.

Chúng tôi đến Mường Nhé trong những ngày hè nóng nực nhất. Tuyến đường từ thành phố Điện Biên Phủ vào trung tâm huyện Mường Nhé dài hơn 200 km, trước đây nổi tiếng khó đi lại, nhất là vào mùa mưa, thì nay đã được nhựa hóa phẳng phiu, đi lại rất dễ dàng và thuận lợi. Có thể nói, con đường dài hàng trăm km đã được đầu tư, nâng cấp và rải nhựa với kinh phí hàng trăm tỷ đồng thể hiện sự quan tâm lớn của Nhà nước đối với Mường Nhé. Trung tâm thị trấn với mặt bằng có thể nói là đẹp nhất so với các huyện thị trong tỉnh. Một huyện vùng biên – với gần 130 km đường biên giới với Lào và Trung Quốc – đầy sức sống đang phát triển và vươn lên mạnh mẽ từng ngày – đó là cảm nhận của chúng tôi sau nhiều năm trở lại mảnh đất phên dậu nơi cực Tây của Tổ quốc.

Nghị quyết 30a là một chính sách lớn của Chính phủ nhằm hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 64 huyện có số hộ nghèo trên 50%, thuộc 20 tỉnh trong cả nước. Từ đầu năm 2009, Huyện ủy, UBND huyện Mường Nhé đã quán triệt, triển khai và ban hành hệ thống văn bản nhằm khẩn trương đưa Nghị quyết 30a của Chính phủ vào thực tiễn. Đồng thời kiện toàn Ban chỉ đạo các cấp; tổ chức, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách cho toàn thể các tầng lớp nhân dân hiểu rõ về Nghị quyết 30a của Chính phủ. 5 năm qua, ngân sách Trung ương và nguồn vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã hỗ trợ và cam kết hỗ trợ cho Mường Nhé, theo Nghị quyết 30a, là hơn 590 tỷ đồng. Trong đó có trên 192 tỷ đồng được bố trí để thực hiện các chính sách hỗ trợ đặc thù, gần 339 tỷ đồng thực hiện các chương trình và dự án giảm nghèo khác. Ông Lù Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé, cho biết: Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 30a, diện mạo của một huyện nghèo như Mường Nhé đã có những chuyển biến tích cực: Nhà ở của các hộ dân, công trình nước sinh hoạt, thủy lợi... được xây dựng kiên cố hóa; hệ thống điện, đường, trường, trạm được sửa chữa, nâng cấp; diện mạo xã, bản đổi thay, giúp người dân từng bước xóa đói giảm nghèo và hướng đến thoát nghèo bền vững.  

b
Điện lưới quốc gia đã về tới nhiều bản xa xôi của Mướng Nhé.

 

Để thực hiện tốt việc triển khai Nghị quyết 30a trên địa bàn huyện, Mường Nhé đã xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, làm thay đổi diện mạo từ các thôn, bản đến các xã trong huyện. Chính vì vậy, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo Chương trình 30a đồng thời phối hợp với HĐND, UBND 11 xã tuyên truyền sâu rộng tới người dân và quán triệt chính sách tới các cấp, các ngành về chương trình 30a, hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững. Đồng thời huyện yêu cầu 11 xã thành lập ban chỉ đạo riêng, giao cho Phòng Lao động – Thương binh & Xã hội là cơ quan thường trực; phân công trách nhiệm cụ thể cho cấp xã, các phòng ban của huyện, huy động Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên như: Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên… trên cơ sở bám sát nội dung chương trình 30a để có biện pháp phối hợp tổ chức, thực hiện. Huyện tập trung vốn ưu tiên cho những hạng mục phát triển kết cấu hạ tầng. Đồng thời lồng ghép nguồn vốn 30a với các nguồn vốn khác nhằm triển khai có hiệu quả cao và rõ nét các chương trình, dự án theo Nghị quyết 30a. Cụ thể như lồng ghép với nguồn vốn của Chương trình 167 CP, chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; vốn Chương trình 135CP giai đoạn II, giai đoạn III và mới đây là vốn của Đề án 79 về sắp xếp và ổn định dân cư..vv. Cùng với đó là thực hiện một loạt các chính sách như: Hỗ trợ giao khoán, chăm sóc, bảo vệ rừng; hỗ trợ 100% giống, vật tư cho các mô hình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; hỗ trợ chính sách y tế, giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí và xuất khẩu lao động; các công trình nước sinh hoạt, làm nhà cho người dân; khắc phục hạn chế việc giao đất, giao rừng; làm các tuyến giao thông trọng yếu để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động giao thương nông sản...vv. Tất cả các chương trình đều không nằm ngoài mục đích giúp người dân ổn định cuộc sống và thoát nghèo. Từ nguồn vốn của chương trình 30a và lồng ghép các nguồn vốn các dự án, chương trình khác, đến nay huyện Mường Nhé đã xây dựng được hàng chục hạng mục như: xây dựng các công trình nhà lớp học, công trình thủy lợi, nước sinh hoạt và các công trình về giao thông. Đặc biệt, toàn huyện có hơn 1.560 ngôi nhà đã bàn giao cho người dân sử dụng. Các  hộ nghèo ở các bản giáp biên giới, trong thời gian chưa tự túc được lương thực, huyện dành trên 37 tấn gạo hỗ trợ cho 4.900 nhân khẩu, mỗi khẩu 15kg. Hỗ trợ cho hơn 110 hộ dân gần 37ha đất sản xuất; xây dựng một loạt các mô hình trồng cây như: Cam, vải thiều, khoai tây, cấy lúa nước vụ chiêm xuân, với tổng diện tích hơn 135ha, cho trên 410 hộ dân, với số tiền hơn 300 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các mô hình kinh tế đã được chuyển giao kĩ thuật cho nông dân nghèo như: Mô hình nuôi cá, nuôi dê và nuôi gia cầm… tại các xã: Sín Thầu, Chung Chải, Mường Toong, Mường Nhé, các mô hình này hiện phát huy tốt hiệu quả kinh tế, góp phần tạo việc làm và thu nhập đáng kể cho các hộ nghèo và đang được người dân trong vùng nhân rộng.

c
Nông dân Mường Nhé được hướng dẫn cách canh tác các loại cây trồng mới cho năng suất cao.



Bên cạnh những thành tựu đạt được trong công cuộc xóa đói giảm nghèo nói chung và trong việc thực hiện Nghị quyết 30a nói riêng thì, Mường Nhé vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định, cả về khách quan cũng như chủ quan. Mà theo ông Lù Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé, đó là: Sự yếu kém về năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ trong Ban xóa đói giảm nghèo các cấp của Mường Nhé; yếu kém của đội ngũ cán bộ xã, các phòng ban chức năng liên quan đến công tác xóa đói giảm nghèo... theo tinh thần Nghị quyết 30a. Cùng với đó là những hạn chế trên lĩnh vực xuất khẩu lao động; đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn...vv.

Với những kết quả bước đầu sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về hỗ trợ đồng bào xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững, trên cơ sở kết quả đạt được, Mường Nhé tiếp tục có những chủ trương, giải pháp cho những năm tiếp theo. Ông Lê Thành Đô – Phó chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Huyện ủy Mường Nhé, cho biết: Huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay xóa đói giảm nghèo; đẩy mạnh thực hiện chương trình sắp xếp ổn định dân cư theo Đề án 79; chuyển đổi cơ cấu sản xuất, thay đổi tập quán, nhận thức canh tác của đồng bào các dân tộc; tập trung vào công tác khuyến nông, lâm, phổ biến khoa học kỹ thuật để người dân áp dụng vào canh tác; tập trung đẩy mạnh phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao dân trí; sử dụng lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống của người dân...vv.

Sau 5 năm triển khai thực hiện các Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết 30a của Chính phủ, huyện Mường Nhé đã có nhiều đổi thay tích cực. Các công trình kết cấu hạ tầng, phúc lợi xã hội được đầu tư xây dựng; đồng thời người dân được hỗ trợ trực tiếp về vốn; giống cây trồng, vật nuôi và kỹ thuật để làm ăn, từ đó giúp đồng bào vùng cao, vùng biên giới thay đổi tư duy, tập quán sản xuất xưa cũ, từng bước vươn lên ổn định nơi ăn, chốn làm, xóa hết đói nghèo và lạc hậu; vươn tới cuộc sống no ấm bền vững, theo đúng tinh thần Nghị quyết 30a của Chính phủ,

                                                          

Kông Thao – Ngọc Bích

.