Hội nghị trực tuyến giới thiệu, phổ biến nội dung, ý nghĩa của Hiến pháp năm 2013
Điện Biên TV - Sáng ngày 5/4, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến giới thiệu, phổ biến nội dung, ý nghĩa của Hiến pháp năm 2013. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chủ trì hội nghị.
Tại điểm cầu Điện Biên, dự hội nghị có các đồng chí: Lò Mai Trinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Thanh Tùng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu bật ý nghĩa, tầm quan trọng của việc triển khai Hiến pháp năm 2013, đồng thời yêu cầu các đại biểu thông qua hội nghị này, nắm được những nội dung cơ bản của Hiến pháp năm 2013 nhằm triển khai kịp thời Hiến pháp vào thực tiễn.
Đại biểu dự tại điểm cầu Điện Biên |
Hiến pháp năm 2013 là sự kết tinh của trí tuệ và dân chủ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Theo đó, Điều 4, Hiếp pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình; các tổ chức Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Quyền con người được Nhà nước ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật; ghi nhận trách nhiệm của Nhà nước trong bảo vệ quyền con người. Quyền con người được tiếp cận các giá trị phổ biến của nhân loại (theo các nguyên tắc Công ước quốc tế được ghi nhận). Quyền con người được pháp luật bảo vệ như: Quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm… và chỉ bị hạn chế theo Luật định. Bổ sung một số quyền con người như: Quyền sống, tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái pháp luật.
Hiến pháp năm 2013, tiếp tục khẳng định nền kinh tế Việt Nam là xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật. Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện sở hữu và thống nhất quản lý. Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất. Nhà nước do tổ chức cá nhân đang sử dụng trong những trường hợp cần thiết do Luật định như: Vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật.
Bộ máy Nhà nước trong Hiến pháp năm 2013 tiếp tục được đổi mới, có sự phân biệt, quy định rõ hơn trách nhiệm, nhiệm vụ của từng cơ quan trong hệ thống bộ máy Nhà nước, bảo đảm tính độc lập tương đối của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước, trong đó đề cao vị trí của Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Hiến pháp quy định Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Hiến pháp cũng quy định sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp; Bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; Chủ tịch nước quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Thủ tướng Chính phủ thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Trong Hiến pháp năm 2013, ghi nhận nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm. Đây là bước tiến mới trong công tác xét xử ở nước ta. Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, Viện kiểm sát có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
Về chính quyền địa phương, Hiến pháp năm 2013 ghi nhận những đơn vị hành chính mới như: Đơn vị hành chính tương đương (cấp huyện), đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập. Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Luật định…
Phạm Hải - Đức Bình