Một số vấn đề cần lưu ý khi thực hiện nhiệm vụ cấp bách trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay

Thứ Tư, 01/02/2012, 07:02 [GMT+7]


(Điện Biên TV) - Để giữ vững vai trò là một Đảng cầm quyền, một Đảng cách mạng, khoa học, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng là việc làm thường xuyên và liên tục. Song, bối cảnh hiện nay, khi đứng trước những thách thức mới của tình hình trong nước và quốc tế lại càng đòi hỏi Đảng ta phải chú trọng và tăng cường hơn nhiệm vụ này như Nghị quyết Hôi nghị Trung ương 4 (khóa XI) đã xác định.

1
Khai mạc Hội nghị TW 4  Khóa XI

Lý do có nhiều, nhưng ai cũng thấy một việc tối quan trọng, mang tính cốt lõi lúc này đó là có xây dựng, chỉnh đốn Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, mới có thể tập hợp, đoàn kết, để lãnh đạo toàn thể dân tộc thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Nhưng đáng tiếc, thực tế hiện nay trong Đảng và trong xã hội ta vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên và người có trách nhiệm còn có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống.
Chúng ta đều biết, Bác Hồ, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam đã từng nhấn mạnh tới những nguy cơ về sự quan liêu, xa dân, vô cảm, thiếu trách nhiệm, lương tâm trong đối xử với nhân dân và chính đồng chí của mình. Bác cũng đã chỉ ra nguyên nhân sâu xa của căn bệnh này là do những cán bộ đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, nên đã sa vào chủ nghĩa cá nhân - căn bệnh mẹ, đẻ ra mọi thói hư tật xấu. Cũng vấn đề này tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu: “Đảng ta đang đứng trước nhiều vấn đề mới phải xử lý, nhiều việc hết sức phức tạp. Trong tình hình ấy, nếu Đảng ta không thật vững vàng về chính trị, tư tưởng; không thống nhất cao về ý chí, hành động; không trong sạch về đạo đức, lối sống; không chặt chẽ về tổ chức; không được nhân dân ủng hộ, thì không thể đứng vững và đủ sức lãnh đạo để đưa đất nước tiếp tục đi lên”. Chính vì vậy, Trung ương Đảng ta đã xác định nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay là tối cần thiết. Song, cũng xác định khi tiến hành phải dựa trên cơ sở tiếp tục phát huy kết quả của nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng trước đây đã đạt được, nhưng yêu cầu hiện nay là phải có sự quyết tâm cao hơn trong nội bộ Đảng và có sự giám sát chặt chẽ của toàn xã hội.
Một điểm đáng lưu ý là đích hướng tới và cách làm lần này được Trung ương xác định là phải ráo riết, quyết liệt và triệt để hơn. Cụ thể: “Từng đồng chí cấp ủy viên từ Trung ương Đảng, ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đến cấp ủy các cơ sở và các cán bộ nếu được phân công đảm nhiệm dù là cương vị gì trong xã hội đều phải tự giác, gương mẫu làm trước, theo thứ tự ưu tiên cao trước, thấp sau.  Khi tiến hành tự phê bình, kiểm điểm phải tập trung, thẳng thắn nhìn lại mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu thì tự gột rửa”.

1

Chúng ta còn nhớ, lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Đảng cách mạng cần tự phê bình và phê bình như ta cần không khí. Cũng như người có bệnh, nếu giấu giếm bệnh tật trong mình, không dám uống thuốc để bệnh lâu ngày nặng thêm, nguy hiểm đến tính mạng”. “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng; một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ nguyên nhân vì đâu mà có khuyết điểm đó, chỉ rõ hoàn cảnh xảy ra khuyết điểm, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh mẽ, chắc chắn, chân chính”. Đây chính là điều Bác Hồ nói về tính sắc bén của vũ khí tự phê bình và phê bình. Rất tiếc rằng, vừa qua, ở không ít tổ chức đảng, việc tự phê bình và phê bình chưa nghiêm, kết quả còn hạn chế là do chỉ đạo không tốt, do ý thức tự giác của một số cán bộ, đảng viên không cao.
Thời gian tới, để việc tự phê bình và phê bình có kết quả tốt, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp và từng đảng viên cần chuẩn bị thật chu đáo, chỉ đạo tỉ mỉ, tiến hành nghiêm túc, thận trọng, làm đến đâu chắc đến đó. Hết sức tránh làm lướt, làm qua loa hình thức, chiếu lệ. Khắc phục tình trạng xuê xoa, nể nang, thậm chí biến cuộc họp tự phê bình và phê bình thành nơi vuốt ve, ca tụng lẫn nhau, cũng như lợi dụng dịp này để “đấu đá”, “hạ bệ” nhau với những động cơ không trong sáng. Nghiêm khắc xử lý các trường hợp trù dập phê bình và vu cáo người khác. Đồng thời trong quá trình này, cấp ủy, các tổ chức đảng phải luôn chủ động, tích cực nêu gương những người tốt, việc tốt; ngăn ngừa, cảnh báo, phê phán những việc làm sai, giải tỏa những tin đồn thất thiệt, không đúng sự thật. Đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ, vụ lợi; đẩy lùi một bước quan trọng tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, tham nhũng, quan liêu, lãng phí; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước.

1
Phát biểu của Tổng Bí thư bế mạc Hội nghị Trung ương 4 khoá XI

Vậy, những nội dung về xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay là gì ? Có thể nêu ngay, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng bao gồm nhiều nội dung lớn, cả  chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ, phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng cũng đã đề ra 8 nhiệm vụ cơ bản, có tính hệ thống, toàn diện về xây dựng Đảng, đồng thời cũng yêu cầu toàn Đảng phải thực hiện nhiệm vụ này một cách thường xuyên, liên tục trong nhiều nhiệm kỳ, với nhiều biện pháp, nhiều cuộc vận động. Tuy nhiên, trong kỳ họp lần thứ tư, Trung ương khóa XI chỉ tập trung bàn và quyết định ba vấn đề cấp bách cần làm ngay, với mong muốn tạo được những kết quả cụ thể, rõ rệt để góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đó là: Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cấp Trung ương đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị; Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp uỷ, cơ quan, đơn vị. Đây là ba vấn đề trên có quan hệ mật thiết với nhau, nhưng Trung ương xác định rõ vấn đề quan trọng nhất lúc này là phải ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Bởi lẽ, việc nâng cao phẩm chất và năng lực đội ngũ cán bộ, đảng viên chẳng những góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, mà còn là vấn đề quan hệ đến niềm tin của nhân dân, đến sự sống còn của Đảng.
Thực tiễn đã chứng minh, 82 năm qua, dưới sự  lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, nhân dân ta đã giành được những thành tựu to lớn như giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa sự nghiệp  đổi mới đất nước thành công, vượt qua bao khó khăn, thách thức do bị bao vây, cấm vận, hội nhập quốc tế để đất nước và dân tộc ta có được cơ đồ như ngày nay. Kết quả đó chính là do nhờ Đảng ta có bản lĩnh chính trị vững vàng; có lý luận tiên phong, đường lối chính trị đúng đắn; có sự phấn đấu không mệt mỏi, hi sinh quên mình của đội ngũ cán bộ, đảng viên; có tổ chức chặt chẽ, đoàn kết thống nhất cao và được nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ, bảo vệ, giúp đỡ. Hiện nay, Đảng ta đang gánh vác một sự nghiệp lớn tiếp theo của đất nước là đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa hội nhập quốc tế, vừa xây dựng, vừa bảo vệ đất nước. Bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước vừa có thuận lợi, thời cơ, vừa có khó khăn, thách thức. Đảng ta đang đứng trước nhiều vấn đề mới phải xử lý, nhiều việc hết sức phức tạp.
Bên cạnh mặt tích cực, thành tựu, công tác xây dựng Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng còn những tiêu cực, yếu kém đáng lo ngại, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp; tình trạng quan liêu, xa dân, tổ chức không chặt chẽ, nhiều nguyên tắc của Đảng bị vi phạm. Các thế lực thù địch vẫn đang tìm mọi cách xuyên tạc, vu cáo  Đảng ta, đánh thẳng vào hệ tư tưởng, cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng, chia rẽ nội bộ Đảng, chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân, hòng làm tan rã Đảng ta, chế độ ta từ gốc, từ bên trong hết sức thâm độc, nguy hiểm. Trong tình hình ấy, nếu  Đảng ta không thật vững vàng về chính trị, tư tưởng, không thống nhất cao về ý chí, hành động; không trong sạch về đạo đức, lối sống, không chặt chẽ về tổ chức thì không thể đứng vững và đủ sức lãnh đạo đưa đất nước đi lên. Tuy nhiên, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc rất khó, rất phức tạp vì nó liên quan đến xây dựng con người, là  công tác con người, dễ đụng chạm đến danh dự, lợi ích, quan hệ của con người, mỗi tổ chức, nên đòi hỏi toàn Đảng phải quyết tâm rất lớn, phấn đấu bền bỉ, kiên trì, với những biện pháp thật kiên quyết, tích cực.

1
Hội nghị TW 4  Khóa XI

Những điều nêu trên mới nghe xem ra khi triển khai thực hiện có vẻ khó khăn, trở ngại, nhưng điều đó hoàn toàn là thực tế và sẽ làm được khi người đứng đầu mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương và từng phần công việc trong Đảng và trong xã hội đều nêu cao tấm gương tự giác trong quá trình tự nhìn nhận lại bản thân mình, chân thành khuyến khích, thiết tha yêu cầu đồng chí, đồng đội nói lên những điều mà mình chưa nhìn thấy, nhận thấy trên tinh thần, thái độ cầu thị, thì tin rằng kết quả đạt được rất tốt và sẽ tạo ra sự thay đổi lớn trong yêu cầu xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hướng tới đích cao nhất là xây dựng Đảng ta thành một Đảng trong sạch, vững mạnh “là đạo đức, là văn minh” như tư tưởng và di huấn của Bác Hồ để lại và đây cũng chính là niềm tin yêu, mong đợi của nhân dân với Đảng của chúng ta./.
 

Nguyễn Vân Chương

.