Người dân "tự xử" phản ánh tâm thế xã hội
Chuyên gia tội phạm học cho rằng, việc người dân quá khích, “tự xử” như những vụ việc vừa qua phản ánh một tâm thế xã hội bất an.
Liên tiếp thời gian gần đây ở một số địa phương xảy ra việc người dân hành hung, hủy hoại tài sản của người lạ vì… nghi ngờ họ thôi miên, bắt cóc trẻ em. Vụ việc sau đó lan truyền trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt.
Công an các địa phương đã vào cuộc và đều kết luận chỉ là... hiểu lầm, không có chuyện bắt cóc trẻ em như đồn đoán.
Sự xuống cấp của đạo đức
Theo Trung tá Đào Trung Hiếu – chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an) việc người dân quá khích, tự xử như những vụ việc vừa qua phản ánh một tâm thế xã hội bất an. Bắt cóc trẻ em là loại tội phạm động đến dây thần kinh nhạy cảm nhất của xã hội. Từ tâm lý bất an sẽ dẫn tới căm ghét các đối tượng cụ thể. Vì vậy, chỉ cần một người hô “bắt cóc” là những người xung quanh sẵn sàng lao vào, trút hết bức xúc và sợ hãi lên đối phương mà không cần biết thực hư.
Trung tá Đào Trung Hiếu. |
“Những vụ việc trên cũng đã phản ánh chứng “nhờn” luật trong một bộ phận người dân. Có một số người biết đánh hoặc gây chết người sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nhưng vẫn làm. Điều đó cho thấy nhiều người dù có nhận thức pháp luật nhưng ý thức chấp hành còn kém. Ngoài ra, đây cũng là biểu hiện của sự vô cảm, sự xuống cấp đạo đức, ác tính của con người ngày càng tăng. Đám đông thường bị dẫn dắt bởi 1-2 người, khi nghe thấy ai đó hô “đánh” thì sự kiểm soát ý chí xuống thấp nhất, có thể thâm tâm biết là sai nhưng vẫn hùa theo” – vị Trung tá Công an cho biết.
Trung tá Đào Trung Hiếu cho rằng, việc người dân “tự xử” còn có hiệu ứng từ mặt trái của mạng xã hội. Những tin đồn thất thiệt về bắt cóc trẻ em được người dùng mạng xã hội chia sẻ với tốc độ chóng mặt khiến nhiều người tưởng thật dẫn tới sự lo lắng thái quá nên có hành động đề phòng, cảnh giác quá mức, nghi ngờ thiếu căn cứ. Chính vì thế mới xảy ra chuyện người bình thường đi mua bán hàng hóa, đi xin việc làm… cũng bị nghi bắt cóc trẻ em và bị đánh oan.
Ở một khía cạnh khác, luật sư Nguyễn Tiến Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Như – Gia Phát (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, để xảy ra tình trạng trên là do việc tuyên truyền, giáo dục và phổ biến pháp luật đến người dân nói chung và đặc biệt là ở làng, xã, thôn, bản nói riêng chưa tốt. Người dân vẫn có tâm lý cho rằng mình có quyền đánh hoặc có đánh cũng không ai biết là họ có tham gia hay không. Do vậy mới có chuyện “trưởng thôn” phải nhận án tù trong một vụ đánh hội đồng kẻ trộm chó.
Trong khi đó, nhiều điều luật có khung hình phạt chênh lệch nhau quá lớn, ví dụ Khoản 2 điều 104 Bộ luật Hình sự 1999 quy định về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác có mức hình phạt từ 2 đến 7 năm tù. “Việc áp dụng hình phạt không tương xứng giữa những người phạm tội cũng chính là nguyên nhân làm mất lòng tin của người dân” – luật sư nhấn mạnh.
“Tự xử” là phạm pháp
Trung tá Đào Trung Hiếu khẳng định hành vi đánh hội đồng, đốt xe ô tô vì nghi ngờ bắt cóc trẻ em đều là hành vi trái pháp luật. Pháp luật chỉ cho phép công dân dùng vũ lực trong tình huống phòng vệ chính đáng để bảo vệ lợi ích của mình và xã hội.
Theo đó, nếu xác định tỷ lệ gây thương tật của nạn nhân trên 11% thì những người tham gia hành hung sẽ bị xem xét xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích. Trường hợp nạn nhân tử vong, các đối tượng có thể bị xử lý về tội giết người. Ngoài ra, việc bắt giữ để đánh đập người khác còn có dấu hiệu của tội bắt giữ người trái pháp luật; hành vi đốt xe rất có thể phạm tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.
Hai phụ nữ bán tăm bị hành hung dã man ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội. |
Đồng quan điểm trên, luật sư Nguyễn Tiến Hùng cho hay, đã đến lúc phải có sự nghiêm khắc cần thiết từ phía các cơ quan chức năng để ngăn chặn tình trạng “lây lan” theo kiểu hiệu ứng xã hội. Việc người dân “tự xử” đã gây tâm lý hoang mang cho cả những người không vi phạm pháp luật, thậm chí còn tạo ra môi trường cho tội phạm lẩn trốn như giải quyết mâu thuẫn cá nhân nhưng tạo hiện trường giả thành vụ đánh trộm chó hoặc nghi thôi miên bắt cóc trẻ em.
Theo luật sư, khi xử lý về hình sự các cơ quan chức năng cần điều tra làm rõ bản chất của vụ việc, làm rõ đối tượng tham gia đánh hội đồng, tránh tình trạng cả làng nhận tội thay cho người đánh, đồng thời xác định chính xác mức độ tham gia của từng người để có hình thức xử lý tương xứng với hành vi. Cơ quan chức năng cũng cần xem xét kỹ hành vi có hay không phạm tội của người bị hại để có mức xử phạt tương xứng.
“Trong những trường hợp này, cần xác định hành vi phạm tội của nạn nhân là tình tiết giảm nhẹ đặc biệt cho những người phạm tội” – luật sư Nguyễn Tiến Hùng nói.
Ông cho rằng, trong bối cảnh gia tăng tình trạng đánh hội đồng những kẻ bị tình nghi là vi phạm pháp luật, biện pháp cần được ưu tiên trước mắt để giảm bớt hiệu ứng là cần phải có một làn sóng tuyên truyền, giáo dục và phổ biến pháp luật đến từng địa bàn, khu dân cư. Cơ quan chức năng cũng cần có hướng dẫn xử lý thống nhất đối với loại hình phạm tội này.
Chiếc ô tô của một Giám đốc doanh nghiệp bị thiêu rụi hoàn toàn vì nghi thôi miên, bắt cóc. (Ảnh: Báo Hải Dương) |
Đối với những thông tin thiếu kiểm chứng trên mạng khiến người dân hoang mang lo lắng như chuyện bắt cóc, bắt cóc trẻ em lấy nội tạng, thôi miên… Trung tá Đào Trung Hiếu khuyến cáo người dùng cần cảnh giác, phải có “một sức đề kháng” khi tham gia mạng xã hội. Đồng thời mỗi người cần trang bị nền kiến thức để tạo “bộ lọc” cho mình, không tin điều gì nếu chưa có kiểm chứng. Khi thấy một đám đông đánh đập, điều đầu tiên là không được tham gia và hãy can ngăn nếu có thể. Nếu nghi ngờ, người dân hoàn toàn có thể gọi điện thoại báo cơ quan chức năng tới xử lý.
Trước thực trạng trên, câu hỏi được nhiều người quan tâm là cần làm gì nếu chẳng may là nạn nhân của đám đông hung hãn đó? Theo chuyên gia tội phạm học, người xưa có câu “đi qua ruộng dưa đừng cúi xuống sửa giày”, nghĩa là đừng tạo cho người ta cái cớ để nghi ngờ. Như 2 phụ nữ bán tăm ở Sóc Sơn, Hà Nội lẽ ra không nên cho kẹo trẻ em ở trong làng vì họ là người lạ từ nơi khác tới. Nên gặp trưởng thôn, giới thiệu và chứng minh mình đi bán tăm, thì nếu dân làng ùa ra, người này sẽ làm chứng cho họ.
“Khi bị đánh cần có kỹ năng thoát hiểm. Trong cả hai vụ, nạn nhân đều đứng lại cố gắng thanh minh nhưng không ai nghe, điều này là sai lầm. Khi sự việc chưa bùng nổ, hãy tìm cách thoát khỏi hiện trường ngay, chạy vào trụ sở cơ quan, chốt cảnh sát giao thông gần đó, vừa chạy vừa kêu cứu…
Tình huống bị “đuổi cùng giết tận”, thì pháp luật giành cho bạn quyền phòng vệ chính đáng. Bạn có quyền tự vệ bằng những phương tiện, biện pháp mà bạn cảm thấy cần thiết để ngăn chặn hành vi tấn công đang thực tế diễn ra. Kể cả bạn gây ra những thiệt hại cho kẻ tấn công, thì hành vi đó cũng có thể không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, vì tính chất phòng vệ đã loại bỏ tính nguy hiểm của hành vi chống trả” – Trung tá Đào Trung Hiếu cho biết thêm./.
Theo VOV