Điện Biên: Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Đảng ủy BĐBP với các huyện biên giới

Thứ Hai, 05/06/2017, 10:39 [GMT+7]

Điện Biên TV - Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên đã chỉ đạo Đảng uỷ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh và Huyện uỷ các huyện biên giới tích cực thực hiện tốt quy chế phối hợp, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới (ANBG) quốc gia; phòng chống, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy, buôn bán, vận chuyển vũ khí, chất nổ, buôn bán người… Qua đó, đã góp phần quan trọng vào công tác bảo vệ chủ quyền biên giới, xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

sds
 Cán bộ, bộ đội Biên phòng trực tiếp tham gia lao động sản xuất cùng bà con nhân dân

 

Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh khu vực Tây Bắc; tỉnh có 400,861 km đường biên giới trong đó tuyến biên giới Việt - Trung dài 40,861 km, biên giới Việt - Lào dài 360 km. Địa bàn khu vực biên giới có 29 xã thuộc 04 huyện với 346 thôn bản, có 22.606 hộ/112.543 khẩu với 15 dân tộc anh em cùng sinh sống. Đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới còn hết sức khó khăn, thiếu thốn, các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” với những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; chúng luôn lợi dụng các vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền” để chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc, xúi giục đồng bào di dịch cư tự do, truyền đạo trái pháp luật... do đó đã tác động trực tiếp tới tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội (ANCT-TTATXH) khu vực biên giới, gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, ANBG quốc gia.

Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nhiệm vụ Quốc phòng – An ninh, các hiệp định, qui chế biên giới và Luật biên giới quốc gia, Ban Thường vụ Đảng uỷ BĐBP tỉnh và Ban Thường vụ Huyện uỷ Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà, huyện ủy Điện Biên đã xây dựng và thực hiện tốt quy chế phối hợp, thống nhất một số chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, ANBG quốc gia, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, công tác quần chúng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân vững chắc.

Giai đoạn 2013 - 2017, Đảng uỷ BĐBP tỉnh cùng Huyện uỷ Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà và huyện ủy Điện Biên đã ký kết quy chế, duy trì nghiêm túc công tác phối hợp, trao đổi, thống nhất các biện pháp thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên khu vực hai tuyến biên giới. Theo đó, Huyện ủy các huyện biên giới thường xuyên chỉ đạo cấp ủy, chính quyền xã biên giới, lực lượng chức năng địa phương phối hợp cùng đồn biên phòng (ĐBP) trong phòng, chống, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy, buôn bán, vận chuyển vũ khí, chất nổ, buôn bán người... Đồng thời tăng cường sự phối hợp chỉ đạo xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng thế trận lòng dân, vững chắc nơi biên cương.

Thông qua việc thực hiện Quy chế phối hợp, Đảng uỷ BĐBP tỉnh đã lãnh đạo các ĐBP làm tốt công tác tham mưu và nâng cao hiệu quả phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương các xã biên giới. Cụ thể, đã phối hợp với các lực lượng tổ chức 12.321 lượt tuần tra bảo vệ đường biên, mốc quốc giới; triển khai vận động, di dời 145 hộ/714 nhân khẩu theo Đề án 79; vận động 512 hộ/2.792 nhân khẩu di, dịch cư tự do quay về nơi ở cũ; vận động nhân dân phá nhổ 29,31 ha cây thuốc phiện. cùng với chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án giúp dân, giúp các xã biên giới xây dựng nông thôn mới gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng các công trình dân sinh và tổ chức nhiều hoạt động mang tính xã hội như: tổ chức tu sửa và làm mới 20,5 km đường giao thông nông thôn; 625 ngày công giúp dân lao động sản xuất; hỗ trợ đầu tư giúp 02 xã Nà Hỳ và Nà Bủng (Nậm Pồ) xây dựng 05 công trình dân sinh trị giá trên 2 tỷ đồng. Tổ chức khám, chữa bệnh được 7.782 lượt người, cấp phát thuốc miễn phí trị giá trên 180 triệu đồng. Đặc biệt là, tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị tại các xã biên giới, đã thành lập được 16 chi bộ bản; tham mưu mở 01 lớp nhận thức về Đảng cho 65 quần chúng ưu tú, kết nạp 120 đảng viên là người dân tộc thiểu số, góp phần xóa 03 bản “trắng” đảng viên.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp, vẫn còn có những hạn chế nhất định, như: việc duy trì trao đổi, thông báo tình hình liên quan đến công tác biên phòng và một số chủ trương của các huyện liên quan đến hai tuyến biên giới có nội dung chưa được thường xuyên, chưa kịp thời việc phối hợp chưa chặt chẽ. Sự phối hợp công tác giữa các xã biên giới với các ĐBP trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền ANBG và phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh ở địa phương có lúc chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao.

Đồng chí Lâm Văn Năm - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Điện Biên đã nhấn mạnh tại hội nghị sơ kết Quy chế phối hợp giữa Bộ đội biên phòng tỉnh với các huyện biên giới giai đoạn 2013 – 2017: Để thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp, Đảng uỷ BĐBP tỉnh và Huyện uỷ 4 huyện biên giới cần chú trọng, tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, nâng cao chất lượng, hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói, giảm nghèo, quy hoạch sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng nông thôn mới. Quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ xã, bản biên giới, gắn phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng - an ninh, chú trọng bồi dưỡng nguồn Đảng viên, xây dựng các tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền đoàn thể ở các xã biên giới trong sạch vững mạnh.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Đảng ủy BĐBP với các huyện biên giới, Đảng uỷ BĐBP tỉnh và cấp ủy các huyện cần phải phối hợp làm tốt những việc sau:

Một là, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ biên giới. Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; nghị quyết, chỉ thị của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 về xây dựng và bảo vệ chủ quyền ANBG quốc gia, xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, xây dựng nền biên phòng toàn dân và xây dựng lực lượng BĐBP vững mạnh toàn diện.

Hai là, nâng cao chất lượng, hiệu quả các chương trình phối hợp giữa BĐBP tỉnh với các huyện biên giới trong thực hiện các chương trình, dự án về phát triển KT-XH, xóa đói, giảm nghèo, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng Nông thôn mới; chương trình bảo tồn phát triển văn hóa các dân tộc gắn với phát triển KT-XH, bảo vệ tài nguyên môi trường, bảo vệ rừng cùng các chương trình, dự án điện, đường, trường, trạm, nước sạch, quân dân y kết hợp ở khu vực biên giới.

Ba là, Duy trì tốt việc thông tin, trao đổi tình hình, nhất là những vấn đề có liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới và các chủ trương phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh ở các xã biên giới. Chú trọng công tác tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về các chủ trương, đối sách giải quyết, xử lý các vấn đề xảy ra ở khu vực biên giới, nhất là các vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, ANCT, dân tộc, tôn giáo, di cư tự do.

Bốn là, tập trung thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 09/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về “Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới trong tình hình mới”; Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 23/5/2016 của Tỉnh ủy Điện Biên về nhiệm vụ Quốc phòng – An ninh giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch 09/KH-UBND, ngày 14/01/2015 của UBND tỉnh về giải quyết tình hình phức tạp về tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Đẩy mạnh phong trào quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền ANBG, tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn, bản khu vực biên giới; tiếp tục thực hiện chủ trương kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới.

Năm là, xây dựng, phát huy đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín và cán bộ xã, thôn bản biên giới; chú trọng bồi dưỡng nguồn phát triển đảng viên, đặc biệt là ở thôn bản chưa có đảng viên; xây dựng các tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền, đoàn thể ở các xã biên giới trong sạch, vững mạnh; định kỳ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, nhằm  thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp trên hai tuyến biên giới./.





CTV - Phong Lâm

.