Lữ đoàn Bộ binh 82: Xứng danh 2 lần được phong tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

Thứ Sáu, 18/12/2015, 16:50 [GMT+7]

Điện Biên TV - Cách đây hơn 40 năm, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân 3 nước Đông Dương phát triển rất thuận lợi, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri, đơn phương rút hết quân Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam, Hiệp định Viêng Chăn về thực hiện ngừng bắn và chuẩn bị cho việc hoà hợp dân tộc lần thứ 3 tại Lào. Tuy nhiên, với bản chất phản động và ngoan cố, ngay từ khi các Hiệp định còn chưa ráo mực, đế quốc Mỹ và tay sai đã ra sức phá hoại, liên tục tổ chức lấn chiếm vùng giải phóng của Việt Nam và Lào.

Các tập thể tiêu biểu trong 4 năm thực hiện CT 03 _CT/TW nhận Bằng khen của UBND tỉnh
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Bộ binh 82 thi đua huấn luyện giỏi (Ảnh: Nguồn internet)

Trên cơ sở mối quan hệ chiến lược, thủy chung, bền vững, lâu đời, giữa Việt Nam và Lào, cũng như những yêu cầu của Bạn về một lực lượng hậu thuẫn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vùng giải phóng; căn cứ vào nhiệm vụ được hai Đảng, hai Nhà nước và Quân đội hai nước giao phó, cũng như điều kiện thực tiễn lúc đó, cuối tháng 3/1973, được sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Quân khu II quyết định tập trung Tiểu đoàn 4, Tiểu đoàn 8, Quân tình nguyện và một số đơn vị, binh chủng để thành lập một Trung đoàn bộ binh mới, trực thuộc Quân khu. Để kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của Đoàn 82 Quân tình nguyện trước đây, Bộ Tư lệnh Quân khu II quyết định trung đoàn mới mang phiên hiệu Trung đoàn Bộ binh 82, tiếp tục làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào.

Sau thời gian gấp rút chuẩn bị, ngày 19/5/1973, Trung đoàn Bộ binh 82 chính thức ra mắt thành lập tại bản Mường Buồm - huyện Nậm Bạc - tỉnh Luông Pha Băng - nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào. Ngay sau khi ra đời, cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn đã nêu cao tinh thần quốc tế cao cả, sát cánh chiến đấu cùng quân và dân nước bạn Lào anh em. Hai anh em Việt - Lào cùng chung một chiến hào, đã chiến đấu dũng cảm, kiên cường, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và ngày càng trưởng thành. Từ so sánh lực lượng yếu kém ban đầu đã dần hơn địch và khi thời cơ đến, nhân dân và lực lượng vũ trang Lào đã giành được thắng lợi vĩ đại, lập nên Nhà nước CHDCND đầu tiên trong lịch sử Lào (ngày 02-12-1975).

Tháng 3/1976 - 9/1978, trước yêu cầu mới của cách mạng, Trung đoàn 82 về nước, đóng quân ở địa bàn huyện Điện Biên. Là lực lượng cơ động, sẵn sàng chiến đấu của Quân khu và tham gia xây dựng kinh tế địa phương, trong đó có Hồ chứa nước Pa Khoang, một công trình thủy lợi trọng điểm, cung cấp nước tưới tiêu cho hơn 5.000ha lúa nước của cánh đồng Mường Thanh rộng lớn, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế địa phương, ổn định đời sống nhân dân. Tuy nhiên, khi quân và dân 2 nước đang tập trung xây dựng đất nước sau chiến tranh thì tình hình thế giới và khu vực lại có những diễn biến phức tạp. Để bảo vệ thành quả cách mạng, giữ vững nền độc lập dân tộc, tháng 10 năm 1978, Trung đoàn 82 được điều động trở lại Bắc Lào lần thứ 2. Nằm trong đội hình chiến đấu của Mặt trận 379, tổ chức phòng thủ từ Nà Tơi đến Na Mỏ, phối hợp với Sư đoàn 3 của bạn chiến đấu, đẩy lùi toàn bộ lực lượng địch giả danh làm đường ra khỏi các tỉnh Bắc Lào. Trong điều kiện rừng núi, đói, rét, bệnh tật, ngôn ngữ chưa thạo, phong tục tập quán chưa quen, quân địch lại ra sức tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo, chia rẽ khiến nhân dân chưa phân biệt rõ bạn hay thù. Để gần dân, làm được công tác vận động quần chúng tham gia cách mạng, cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn phải để tóc dài, đóng khố, phơi nắng cho da đen, thực hiện “ba cùng” với nhân dân và Bộ đội Pa-thét Lào, đồng cam cộng khổ, “hạt muối cắn đôi, cọng rau xẻ nửa”, xuống tận buôn làng hướng dẫn đồng bào cấy lúa, trồng bông, dệt vải, dạy dân học chữ, giúp dân muối ăn, chữa bệnh… Với những việc làm gần gũi, thiết thực đã gây dựng được sự tin yêu của nhân dân các bộ tộc Lào, xây dựng được thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc, tạo điều kiện thuận lợi giúp cho Trung đoàn chủ động nắm địch, giữ vững được an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong địa bàn hoạt động của đơn vị. Với những chiến công xuất sắc trong chiến đấu và làm nhiệm vụ quốc tế, Trung đoàn Bộ binh 82 được Nhà nước CHDCND Lào tặng Huân chương Itxala hạng Nhất và hạng Nhì; Bộ Quốc phòng QĐND Lào tặng biểu tượng Con Voi. Đặc biệt, năm 1983, Trung đoàn đã vinh dự được Đảng và Nhà nước CHXHCN Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

c
Chiến sỹ Lữ đoàn 82 giúp người dân huyện Điện Biên xây dựng nông thôn mới (Ảnh: Nguồn internet)

 

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế cao cả, năm 1988, đơn vị rút quân về nước, đóng quân trên địa bàn tỉnh Lai Châu cũ (nay là tỉnh Điện Biên). Năm 2013, thực hiện quyết định của Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng, Trung đoàn Bộ binh 82 được tổ chức lại thành Lữ đoàn Bộ binh 82. Thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; chủ động tiến hành có hiệu quả công tác dân vận, tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh; tích cực tham gia giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội trên vùng Tây Bắc của Tổ quốc.

Bước vào thời kỳ đổi mới, đặc biệt từ năm 2003 đến nay, tiếp nối truyền thống hào hùng của đơn vị trong những năm kháng chiến, Lữ đoàn luôn nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, chủ động vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Lữ đoàn đã có 23 lần cơ động lực lượng đột xuất giúp nhân dân phòng chống lụt bão, chữa cháy rừng, khắc phục hậu quả thiên tai. Điển hình như: Tháng 8 năm 2008, khi cơn bão số 4 gây ra trận lụt lịch sử và để lại hậu quả nặng nề trên địa bàn, ngay khi nhận được lệnh của Quân khu, Lữ đoàn đã nhanh chóng tổ chức lực lượng 306 cán bộ, chiến sỹ, cấp tốc cơ động giúp nhân dân huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai) tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai. Sau gần 1 tháng, với 9.180 ngày công, đơn vị đã dựng được 125 nhà tạm, khắc phục 89km đường giao thông, nạo vét 135km kênh mương... góp phần tích cực giúp nhân dân ổn định đời sống, nhanh chóng khôi phục sản xuất. Ngày 29 Tết Canh Dần (năm 2010), ngay sau khi nhận được lệnh của Quân khu, Lữ đoàn đã tổ chức lực lượng, nhanh chóng lên đường tham gia chữa cháy rừng tại Hoàng Liên Sơn. Trong khó khăn, nguy hiểm nhưng 465 cán bộ, chiến sỹ của Lữ đoàn luôn sát cánh cùng quân và dân tỉnh Lai Châu ăn ngủ tại rừng, "quên Tết" để diệt giặc lửa, cứu rừng. Sau 6 ngày, với những nỗ lực và cố gắng không mệt mỏi của các lực lượng tham gia, đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn, trả lại 25ha rừng an toàn cho tỉnh Lai Châu. Năm 2011, Lữ đoàn đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và các lực lượng chức năng giúp đỡ đồng bào làm cầu tạm, dựng nhà cửa, sửa sang trường học, phát triển kinh tế, ổn định đời sống, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện Mường Nhé.

Trong huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, 100% đội ngũ cán bộ, chiến sỹ của Lữ đoàn nắm vững đường lối, quan điểm chính trị, quân sự Việt Nam; tích cực tham gia củng cố, xây dựng thao trường, bãi tập, tu sửa, củng cố mô hình, học cụ, bảo đảm 100% nhu cầu huấn luyện. Phong trào nghiên cứu, cải tiến đồ dùng, học cụ huấn luyện cũng như áp dụng khoa học công nghệ trong công tác luôn được các cơ quan, đơn vị và cán bộ các cấp sôi nổi hưởng ứng, nhiều đề tài có giá trị thực tiễn cao được ứng dụng rộng rãi trong huấn luyện và công tác. Quá trình huấn luyện luôn bám sát phương châm "Cơ bản, thiết thực, vững chắc", vận dụng tốt "3 quan điểm, 8 nguyên tắc, 6 mối kết hợp" bảo đảm đồng bộ và chuyên sâu, sát với đối tượng, địa hình tác chiến và nhiệm vụ của đơn vị. Kết hợp quá trình huấn luyện với quá trình rèn luyện thể lực, tổ chức hành quân xa, mang vác nặng qua các loại địa hình để nâng cao sức bền bỉ, dẻo dai của bộ đội, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Duy trì nghiêm kế hoạch huấn luyện, quân số tham gia luôn đạt từ 98,9% trở lên; kết quả kiểm tra kết thúc huấn luyện các khoa mục cuối năm luôn có 100% đạt yêu cầu, có 87.8% trở lên đạt khá giỏi. Kết quả tổ chức diễn tập ở các cấp về kỹ thuật luôn đạt giỏi, chiến thuật đạt khá, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và vũ khí trang bị. Với kết quả huấn luyện vững chắc, nhiều năm liền (từ năm 2001 đến nay) Lữ đoàn luôn được Bộ Quốc phòng tặng cờ “Đơn vị huấn luyện giỏi”.

Cùng với công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, Lữ đoàn thường xuyên quan tâm tiến hành tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sỹ; tích cực, chủ động tiến hành công tác vận động quần chúng đạt hiệu quả cao, góp phần xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn, thiết thực chung tay xây dựng nông thôn mới, giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục triển khai thực hiện sâu rộng, có hiệu quả việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thu hút 100% cán bộ, chiến sỹ tham gia.

Thực hiện chức năng đội quân công tác, Lữ đoàn thường xuyên quan tâm tiến hành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác vận động quần chúng tại địa bàn đóng quân. Từ năm 2012 đến nay, trong thực hiện phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, Lữ đoàn đã tổ chức 23.158 ngày công, giúp các đơn vị kết nghĩa và nhân dân phát triển kinh tế, khắc phục hậu quả mưa lũ, tu sửa nhà cửa, làm đường, làm cầu tạm... tặng sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh trị giá 14.300.000đồng; khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 398 lượt người trị giá 27.580.000đồng.

Thực hiện chủ trương đền ơn, đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước, Lữ đoàn luôn quan tâm, lãnh đạo thực hiện có hiệu quả chính sách hậu phương quân đội. Từ năm 2003 đến năm 2014, đã phối hợp với các gia đình thương binh, chính sách và gia đình các đồng chí có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn xây dựng 8 nhà tình nghĩa, 11 nhà đồng đội trị giá gần 1 tỷ đồng. Với những hoạt động tích cực trong công tác chính sách, Lữ đoàn đã được Bộ Tư lệnh Quân khu tặng Bằng khen “Đơn vị có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 244-CT/ĐUQSTW về lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội giai đoạn 2008 - 2010” và Bằng khen “Đơn vị có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại nước CHDCND Lào trong thời kỳ chiến tranh”.

Với những thành tích xuất sắc trong thời kỳ đổi mới, Lữ đoàn đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, Quân đội ghi nhận, đánh giá cao và được trao tặng nhiều phần thưởng, huân huy chương cao quý như: Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất năm 2012, “Cờ thi đua của Chính phủ” 3 năm (2011 - 2013), Cờ thi đua của Bộ Quốc phòng các năm 2007, 2009, 2010, 2014; Cờ thi đua của Quân khu giai đoạn 2004 - 2014. Đặc biệt, nhân kỷ niệm 71 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2015), Lữ đoàn vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới. Đây là danh hiệu Anh hùng LLVT lần thứ hai của Lữ đoàn sau 42 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành.

Với truyền thống và thành tích mà Lữ đoàn Bộn binh 82, Quân khu II đã đạt được trong những năm qua, chúng ta có quyền tin tưởng trong những năm tiếp theo các thế hệ cán bộ, chiến sỹ của Lữ đoàn sẽ mãi mãi trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; tiếp bước cha anh, phát huy truyền thống “Trung thành, đoàn kết, tự lực, tự cường, anh dũng, chiến thắng” của lực lượng vũ trang Quân khu II, luôn chủ động, sáng tạo, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội giao phó; tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn./.

 

Nguyễn Vân Chương

 

.