Điện Biên: Giải pháp nào chấm dứt tình trạng lao động qua biên giới bất hợp pháp?

Thứ Năm, 17/12/2015, 19:00 [GMT+7]

Điện Biên TV - Những năm qua trên tuyến biên giới tỉnh Điện Biên, tình trạng công dân Việt Nam vượt biên giới trái phép sang Trung Quốc làm thuê có chiều hướng ngày càng gia tăng, hoạt động này chủ yếu diễn ra tự phát, không tuân thủ theo quy định của pháp luật (không có giấy tờ, không đi qua cửa khẩu), họ thường tập hợp thành từng nhóm người trong cùng một địa bàn vượt biên giới qua các đường mòn, lối mở hai bên biên giới. Để chấm dứt tình trạng này, rất cần một giải pháp căn cơ, đồng bộ.

s
Các đối tượng xuất nhập cảnh trái phép bị BĐBP bắt giữ ( ảnh khai thác )

 

Theo một đối tượng xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc cho biết:  Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, vất vả đã nghe theo kẻ xấu lợi dụng bản thân đã xuất khẩu chui sang Trung Quốc làm thuê, sang đó mức lương thấp, ăn uống bữa được bữa không lại phải làm cả ngày cả đêm bị bóc lột sức lao động.

Câu chuyện trên cho thấy một thực tế: Bỏ qua lời cảnh tỉnh từ hàng trăm vụ việc đau lòng của người lao động "chui" bị bóc lột sức lao động thậm tệ, thậm chí bị thương tật, tử vong do điều kiện lao động tồi tệ, người dân ở khu vực miền núi Điện Biên đặc biệt là người dân tộc thiểu số vẫn nghe theo những lời đường mật, rủ rê, lôi kéo xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Qua điều tra, Riêng từ đầu năm 2015 đến nay, trên 900 trường hợp là công dân tỉnh Điện Biên xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Các trường hợp này có độ tuổi từ 16 đến 40 tuổi, tập trung chủ yếu ở các huyện: Nậm Pồ, Mường Nhé, Mường Ảng, Tuần Giáo, Điện Biên Đông.

Không thể phủ nhận người lao động Việt Nam qua biên giới làm thuê đã góp phần giải quyết việc làm, tạo thêm thu nhập cho các hộ nghèo và thúc đẩy hoạt động dịch vụ, thương mại phát triển. Ngoài ra, lao động Việt Nam còn có cơ hội trao đổi, tiếp thu, chuyển giao khoa học-kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, đại bộ phận người lao động Việt Nam sang Trung Quốc làm việc là tự phát, không thông qua các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có chức năng, vì thế mà quyền lợi của họ không được đảm bảo theo quy định của pháp luật Việt Nam và nước sở tại. Người lao động "chui" thực tế phải làm việc rất khổ cực từ 3 - 4 ca/ngày trong điều kiện mất vệ sinh, an toàn lao động; thu nhập chỉ từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng, trong khi phải ở tập trung trong khu nhà tạm bợ tối tăm để trốn tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức trách Trung Quốc. Việc thực hiện các quyền lợi của người lao động như nghỉ ngơi, chữa bệnh, bảo hiểm đều bị chủ lao động từ chối thực hiện.

Tình trạng vượt biên trái phép qua biên giới thêm diễn biến phức tạp, nghiêm trọng bởi sự hoạt động liều lĩnh của các ổ nhóm, đường dây lôi kéo, lừa đảo đưa người đi lao động trái phép. Lợi dụng những sơ hở trong công tác quản lý lao động, bọn tội phạm tìm mọi cách tiếp cận những người có hoàn cảnh khó khăn, đang có nhu cầu tìm việc làm, để vẽ ra viễn cảnh việc làm ổn định, lương cao. Mục đích của các đối tượng là lôi kéo được càng nhiều người đi sang Trung Quốc lao động càng tốt để nhận tiền công lên tới 2 triệu đồng/người và tiền hoa hồng quản lý lao động hằng tháng.

Để giảm tối đa chi phí, bọn chúng móc nối với các đối tượng ở khu vực giáp biên tổ chức đưa người lao động vượt biên trái phép qua đường mòn, lối mở sang Trung Quốc, đẩy người lao động lương thiện trở thành những kẻ phạm pháp và hoàn toàn phụ thuộc vào các đường dây tội phạm. Nguy hiểm hơn, nhiều người lao động bị bọn tội phạm lợi dụng, cưỡng bức tham gia vào các hoạt động mua bán ma túy, buôn người, vận chuyển hàng cấm qua biên giới.

s
Công an tỉnh Điện Biên tuyên truyền pháp luật cho người dân ( ảnh khai thác )

 


Để kịp thời ngăn chặn tình trạng công dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động, làm thuê, ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại giữa 2 nước: Việt Nam – Trung Quốc, đảm bảo quyền lợi của người lao động, UBND tỉnh đã có Công văn yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các Ban Đảng, UBMTTQ tỉnh và các đoàn thể tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân; vận động nhân dân chấp hành đúng các quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh và xuất khẩu lao động; hiểu biết về phương thức, thủ đoạn và hậu quả của việc xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động, làm thuê; đồng thời rà soát, đánh giá thực trạng lao động, nhu cầu lao động của người dân để có biện pháp giải quyết việc làm cho người lao động; ưu tiên tuyển chọn người lao động vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đi xuất khẩu lao động theo đúng quy định, pháp luật của Nhà nước. Các lực lượng chức năng nắm chắc tình hình, kịp thời ngăn chặn và nhanh chóng điều tra làm rõ, đưa ra truy tố, xét xử công khai, lưu động một số vụ án “Tổ chức người trốn đi nước ngoài trái phép” để răn đe, qua đó nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân./.




Tuấn Anh

.