Mường Nhé làm tốt công tác quản lý, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ

Thứ Tư, 13/05/2015, 19:02 [GMT+7]

Điện Biên TV - Ngày 30/6/2011, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành pháp lệnh số 16  về quản lý sử dụng vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Ngay sau đó, thực hiện các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Công an tỉnh, công an huyện Mường Nhé đã làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy chính quyền địa phương và giữ vai trò nòng cốt trong việc thực hiện đợt cao điểm vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ công cụ hỗ trợ. Trong 3 năm từ 2012 đến năm 2014, hàng nghìn vũ khí quân dụng, súng tự chế đã được thu hồi, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện về tuân thủ quy định của pháp luật đã được nâng lên

Huyện Mường Nhé từ lâu đã được biết đến là huyện miền núi, biên giới đặc biệt khó khăn với những điều kiện đặc thù của tỉnh ta. Sau một số lần chia tách, điều chỉnh hiện nay huyện có 11 đơn vị hành chính cấp xã trong đó có 6 xã biên giới với tổng chiều dài đường biên giới trên 117 km. Huyện là địa bàn sinh sống của 11 dân tộc anh em trong đó dân tộc Mông chiếm đa số với trên 70%. Đời sống kinh tế khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, cuộc sống của đồng bào dựa chủ yếu vào nương rẫy và nguồn lợi từ rừng. Với điều kiện tự nhiên sẵn có là diện tích rừng lớn, thảm động thực vật phong phú, đặc biệt là trong khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé. Thêm vào đó là truyền thống săn bắn để mưu sinh của đồng bào dân tộc nên lượng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong nhân dân là rất lớn. Việc sử dụng vũ khí mà chủ yếu là súng kíp, súng săn tự chế của đồng bào dân tộc tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nguy cơ tai nạn, mất trật tự an toàn xã hội.

d
Trong 3 năm 2012 đến năm 2014, toàn huyện Mường Nhé đã thu hồi được trên 1450 súng các loại trong đó có 12 súng quân dụng, 5 súng thể thao, trên 1400 súng kíp; gần 300 nòng súng, trên 100 cò súng kíp; 1100 bẫy kiềng, dao kiếm và hàng trăm viên đạn các loại…

Từ năm 2011 đến năm 2013 trên địa bàn huyện đã xảy ra 8 vụ chết người do vũ khí gây ra, chủ yếu là súng săn tự chế trong đó vô ý làm chế người, săn bắn nhầm là 5 vụ và có 3 vụ cố ý giết người. Chính vì vậy, trong những năm gần đây thực hiện chủ trương của Đảng, nhà nước về việc tăng cường công tác quản lý, thu hồi vũ khí vật liệu nỗ, công cụ hỗ trợ.

Công an huyện Mường Nhé đã bám sát các kế hoạch của UBND tỉnh, Công an tỉnh thực hiện mở đợt cao điểm vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ công cụ hỗ trợ. Trong đó, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tự nguyện giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Kết quả, trong 3 năm 2012 đến năm 2014, toàn huyện Mường Nhé đã thu hồi được trên 1450 súng các loại trong đó có 12 súng quân dụng, 5 súng thể thao, trên 1400 súng kíp; gần 300 nòng súng, trên 100 cò súng kíp; 1100 bẫy kiềng, dao kiếm và hàng trăm viên đạn các loại…

Trung tá Nguyễn Đình Quân – Phó trưởng công an huyện Mường Nhé cho hay: Lực lượng Công an huyện Mường Nhé đã chủ động tham mưu cho UBND huyện mở nhiều hội nghị để triển khai quán triệt sâu rộng về pháp lệnh quản lý về vũ khí và vật liệu nổ tới toàn thể các cơ quan, ban ngành các lực lượng vũ trang đặc biệt là  bà con nhân dân trên địa bàn toàn huyện, trong quá trình triển khai cuộc vận động nhân dân giao nộp vũ khí và vật liệu nổ thì bước đầu bà con nhân dân chưa nhận thức được tác hại của việc tàng trữ mua ban vật liệu nổ, chính vì thế  bà con nhân dân còn e ngại việc giao nộp, Qua thời gian vận động tuyên truyền bám nắm địa bàn cơ bản bà con đã nhận thức được tác hại của việc tàng trữ vũ khí và vật liệu nổ, đã cơ bản giao nộp cho cơ quan công an.

Qua thực tiễn công tác vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ công cụ hỗ trợ trong thời gian qua, bài học kinh nghiệm lớn nhất được huyện Mường Nhé rút ra là có sự phối hợp chặt chẽ với cấp ủy chính quyền địa phương. Tại đâu, cấp ủy chính quyền địa phương quan tâm đúng mức, đóng vai trò là cầu nối giữa các lực lượng chức năng và đội ngũ già làng trưởng dòng họ, người có uy tín thì tại đó công tác thu hồi vũ khí, vật liệu nổ gặp nhiều thuận lợi. Trước hết, đội ngũ cán bộ, già làng, trưởng bản ở cơ sở sẽ giúp các lực lượng chức năng điều tra, khảo sát nắm rõ tình hình, số lượng vũ khí đang tồn đọng trong nhân dân. Từ đó, có phương án kế hoạch tuyên truyền vận động, giao nộp vũ khí cụ thể đối với từng địa bàn, từng hộ gia đình.

d
Công an huyện Mường Nhé thường xuyên cử cán bộ xuống bám nắm địa bàn, tuyên truyền vận động bà con không tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ.

Xã Nậm Kè là một trong những xã thực hiện tốt công tác thu hồi vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Trong 2 năm 2013, 2014, tại địa bàn xã nhân dân đã tự nguyện giao nộp 33 khẩu súng các loại trong đó có 6 súng quân dụng, 27 súng kíp, 2 nòng súng quân dụng, 4 nòng, 5 cò súng kíp…

Ông Lò Văn Sung – Bí thư đảng ủy xã Nậm Kè cho biết: Khi mới bắt đầu triển khai công tác thu hồi vũ khí, đồng bào còn e dè do sợ sẽ bị xử lý về mặt pháp luật nên cấp ủy chính quyền, các đoàn thể địa phương đã phối hợp với lực lượng biên phòng, công an xuống tận thôn bản tuyên truyền rõ chủ trương của đảng, nhà nước. Qua công tác tuyên truyền cũng như sự gương mẫu của già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ trong việc việc vận động anh em, con cháu thực hiện giao nộp vũ khí, đồng bào đã hiểu rõ sự nguy hiểm của việc sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ. Đồng thời biết rằng, tự nguyện giao nộp súng săn, súng tự chế không những không bị xử lý mà còn được hỗ trợ tiền giao nộp. Nhờ đó, đồng bào dân tộc tại các thôn, bản trên đại bàn xã đã tự nguyện giao nộp nhiều vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho lực lượng chức năng

Song song với công tác vận động thu hồi vũ khí,vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ huyện Mường Nhé cũng đã tổ chức họp, ký cam kết với 85 bản, 17 nhóm, tổ dân cư, trên 3000 hộ gia đình về việc cam kết không buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ công cụ hỗ trợ. Bởi huyện xác định, kết quả đạt được trong công tác quản lý, thu hồi vũ khí vật liệu nổ chỉ phát huy được hiệu quả bền vững khi người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Mỗi cộng đồng dân cư, mỗi gia đình nhận thức rõ về sự nguy hiểm, tác hại của việc sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ cũng như những hậu quả to lớn khi sử dụng súng săn, bẫy để khai thác nguồn tài nguyên rừng vô tội vạ. Từ đó, có những hành động cụ thể như tự giác giao nộp, tố giác các hành vi vi phạm quy định của pháp luật v.v.

Kết quả của công tác quản lý, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện Mường Nhé đã được khẳng định. Tuy nhiên, để thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trong thời gian tới công an huyện Mường Nhé cũng đề ra nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, tiếp tục tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền gắn với việc ký cam kết thực hiện Pháp lệnh số 16 của Ủy ban thường vụ quốc hội về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; Phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương nắm chắc tình hình tại cơ sở phát hiện các hành vi tàng trữ, buôn bán, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trái phép để có hướng xử lý kịp thời; Chú trọng tới công tác tuyên truyền, vận động qua đội ngũ già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín để nâng cao nhận thức của đồng bào các thôn bản cùng sâu vùng xa. Kiến nghị, các cấp có thẩm quyền xem xét bố trí nguồn kinh phí để duy trì việc cấp tiền hỗ trợ giao nộp như mức 1 triệu đồng đối với 1 khẩu súng quân dụng, 100 nghìn đồng với súng săn tự chế, 50 nghìn đồng một nòng súng săn, 30 nghìn đồng 1 bẫy kiềng.v.v.

Với những giải cụ thể nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Huyện Mường Nhé sẽ thực hiện tốt công tác quản lý, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn. Từ đó, giảm thiểu những nguy hiểm, tác hại của việc tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn và phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo của địa phương.

 

 


Chu Linh – Duy Hưng
 

.