Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động Công an Điện Biên - 40 năm một chặng đường
Điện Biên TV - 40 năm đã trôi qua - một chặng đường dài xây dựng, chiến đấu trong gian khổ ác liệt chiến tranh; những hy sinh thầm lặng giữa thời bình với những vinh dự và vẻ vang, mỗi người lính bảo vệ và cơ động hôm nay đã trưởng thành theo năm tháng.
Từ những ngày đầu gian khổ…
Ngày 10/01/1953, Ty Công an Lai Châu được thành lập. Theo yêu cầu nhiệm vụ lúc bấy giờ là bảo vệ các mục tiêu đầu não của tỉnh, bảo vệ trại giam, dẫn giải can phạm nhân, Tiểu đội cảnh vệ cùng được khai sinh vào cuối năm ấy. Chỉ với chưa đầy 20 cán bộ chiến sĩ, hầu hết là còn trẻ, cùng với vô vàn những khó khăn thiếu thốn, lực lượng non trẻ ấy đã phối hợp với các lực lượng khác tham gia hàng loạt các cuộc tiễu phỉ, truy lùng tiêu diệt hàng trăm tên gián điệp, biệt kích; thu giữ được nhiều tài liệu quan trọng cùng các loại thiết bị, vũ khí, đạn dược. Năm 1954, lực lượng cảnh vệ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các cơ quan quan trọng của tỉnh; đồng thời phối hợp đảm bảo an toàn cho việc vận chuyển vũ khí, lương thực chi viện cho tiền tuyến, góp phần quan trọng vào chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Tiếp nối những truyền thống vẻ vang ấy, trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ ác liệt, lực lượng Tiểu đội cảnh vệ thời bấy giờ cũng đã tình nguyện lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, xứng đáng là những người con của mảnh đất Điện Biên Phủ quật cường. Trải qua những năm tháng hào hùng, ngày 15/4/1974, Phòng Cảnh sát bảo vệ Ty Công an Lai Châu chính thức được thành lập theo yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trước diễn biến ác liệt của cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam, một số thành phần biệt kích, gián điệp lợi dụng xâm nhập vào địa bàn khiến tình hình ANCT, TTATXH trở nên phức tạp.
Lãnh đạo và CBCS phòng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động hôm nay. |
Phát huy tinh thần của người chiến sĩ công an cách mệnh, lực lượng Cảnh sát bảo vệ Ty Công an Lai Châu thời bấy giờ (nay là Công an tỉnh Điện Biên) đã nâng cao tinh thần cảnh giác, tiếp tục củng cố và duy trì tốt công tác bảo vệ an toàn mục tiêu; kết hợp việc bảo vệ vũ trang với bảo vệ nội bộ cơ quan, các đoàn lãnh đạo của Đảng, Nhà nước lên thăm và làm việc tại Điện Biên.
Năm 1978, Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động Ty Công an Lai Châu tiếp tục được thành lập theo quyết định của Bộ Nội vụ. Công tác huấn luyện chưa được bao lâu, chiến sự biên giới 1979 nổ ra. Cùng với các lực lượng khác, các chiến sĩ cảnh sát bảo vệ và cơ động đã dũng cảm có mặt tại những nơi giao tranh ác liệt nhất, bảo vệ và hướng dẫn hàng ngàn nhân dân ra khỏi vùng chiến sự an toàn; đồng thời bám nắm mục tiêu, đánh bật bật nhiều đợt tấn công của địch vào các cơ quan đầu não của ta. Những cái tên như Khoàng Văn Tấm; liệt sỹ Hoàng Viết Sơn, Lý A Hủ, Hồ Xuân Vân… là những tấm gương chiến đấu và hy sinh anh dũng được nhắc đến nhiều nhất trong mỗi trận đánh và được hàng chục ngàn chiến sĩ noi theo.
Đại tá Nguyễn Quốc Hương – Trưởng phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Điện Biên, nguyên chiến sĩ tiểu đoàn khóa D978 trải lòng: “Thời bấy giờ mọi thứ đều thiếu thốn, từ cái ăn cho đến chỗ ở đều rất vất vả. Thế nhưng trong thời điểm ấy, anh em chúng tôi luôn nỗ lực cố gắng, thường xuyên động viên nhau khắc phục khó khăn, phấn đấu huấn luyện tốt để sớm được nhận nhiệm vụ, khẳng định mình. Nhưng sau hơn 1 năm, chiến tranh biên giới 1979 nổ ra, tất cả chúng tôi đều xung phong đi chiến đấu. Hòa bình lập lại, người còn người mất…Ấy thế mà đã 40 năm…”
Anh hùng giữa thời bình
Điện Biên hôm nay đã thay da đổi thịt với những bước phát triển vượt bậc về kinh tế, xã hội. Cơ sở hạ tầng khang trang, một diện mạo mới đã hình thành và đang tiếp tục trên con đường hội nhập cùng đất nước. Nhưng đâu đó vẫn còn có những khó khăn, vất vả. Giao thông đi lại tại những vùng xa xôi, hẻo lánh còn chưa phát triển, đời sống một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn nghèo, trình độ dân trí chưa đồng đều tại các vùng miền. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến các thế lực thù địch lợi dụng để tuyên truyền trái pháp luật; kích động ly khai, tự trị; lôi kéo, xúi giục đồng bào chống lại chính quyền, xâm phạm an ninh quốc gia. Trước những phức tạp nảy sinh tại cơ sở, lực lượng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động đã đẩy mạnh công tác bảo vệ các mục tiêu trọng điểm của tỉnh; mặt khác phối hợp với các lực lượng tăng cường xuống cơ sở tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho quần chúng nhân dân. Đồng thời có các phương án bảo vệ tuyệt đối an toàn các đoàn lãnh đạo cấp cao đến làm việc tại các khu vực trọng điểm, không để sơ hở, bất ngờ xảy ra. Tiếp tục phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ truy bắt các đối tượng cầm đầu, bắt giữ hàng chục đối tượng có liên quan trong các vụ phá rối an ninh, trả lại sự bình yên vốn có cho mỗi bản làng Điện Biên.
Là một tỉnh miền núi, có đường biên giới dài tiếp giáp với Trung Quốc và nước bạn Lào nên trong những năm qua, tình hình tội phạm về ma túy, hình sự có nhiều tiềm ẩn và diễn biến phức tạp. Đã xuất hiện nhiều đường dây, ổ nhóm tội phạm về ma túy với tính chất đặc biệt nguy hiểm. Đã không ít lần, máu của người chiến sỹ công an đã đổ xuống trong quá trình đấu tranh với loại tội phạm này. Bởi vậy, việc tăng cường lực lượng phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ luôn được Ban Giám đốc Công an tỉnh quan tâm chỉ đạo. Trong các chuyên án lớn, để đảm bảo an toàn cho các trinh sát điều tra viên thực hiện nhiệm vụ, lực lượng Cảnh sát bảo vệ luôn sẵn sàng trong mọi tình huống để hỗ trợ các đơn vị trực tiếp chiến đấu. Điển hình như các chuyên án bắt giữ đối tượng đặc biệt nguy hiểm đã trực tiếp cầm súng sát hại Anh hùng liệt sỹ Phạm Văn Cường. Trong chuyên án này, lực lượng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động đã huy động trên 50 đồng chí trang bị vũ trang bắt đối tượng ngay tại nơi ở. Hay gần đây nhất là công tác thực nghiệm điều tra vụ án giết người cũng tại vùng đất nóng Na Ư. Cũng trong chuyên án này, lực lượng cảnh sát cơ động đã tăng cường 4 tiểu đội áp giải đối tượng và bảo vệ tuyệt đối an toàn cho lãnh đạo và cán bộ chiến sĩ Phòng Cảnh sát hình sự thực nhiệm vụ. Đồng thời, các tổ công tác của Phòng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động cũng đã trực tiếp tham gia vào công tác đảm bảo an ninh trật tự, liên tục lập nhiều thành tích xuất sắc trong việc bắt giữ các đối tượng phạm tội về ma túy, hình sự, tang vật thu giữ 3kg thuốc phiện, 5 bánh heroin cùng nhiều tang vật có liên quan.
Lực lượng cảnh sát cơ động luyện tập bất kể thời gian. |
Đại tá Phạm Duy Cảnh – Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về Ma túy Công an tỉnh Điện Biên, cho biết: “Trong những năm qua, Phòng CSĐTTP về Ma túy đã lập nhiều chiến công xuất sắc và đặc biệt xuất sắc, được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Góp một phần không nhỏ vào thành tích cao quý ấy chính là máu và mồ hôi của lực lượng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động. Trong những chuyên án lớn mang tính quyết định, đơn vị luôn yêu cầu sự hỗ trợ của lực lượng Cảnh sát cơ động cùng đi “đánh án” tại những “điểm nóng” phức tạp về ma túy. Các đồng chí ấy đã thể hiện được sức nhanh, mạnh, điêu luyện của mình trước loại tội phạm này, giúp chúng tôi rất nhiều trong việc chặt đứt các đường dây, mắt xích quan trọng trong các chuyên án mua bán vận chuyển ma túy liên tỉnh và xuyên quốc gia”.
Đến nay, giao thông đi lại tại tỉnh Điện Biên còn nhiều nơi đặc biệt khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ; dù trang thiết bị, phương tiện còn thiếu thốn, song công tác phối hợp dẫn giải, di lý các đối tượng phạm tội, các bị can, bị cáo trong các vụ án đã được lãnh đạo đơn vị trực tiếp chỉ đạo, xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể. Đặc biệt là công tác dẫn giải phạm nhân, đối tượng tập trung giáo dục từ Trại tạm giam Công an tỉnh tới các trại giam, cơ sở giáo dục trên cả nước đảm bảo an toàn tuyệt đối. Trong những chuyến “hàng” đặc biệt ấy, những người lính đã phải thức thâu đêm suốt sáng, vững tay súng, chắc tay lái trên từng cung đường đảm bảo không để tình huống xấu xảy ra. Trong công tác xét xử công khai, lưu động của Tòa án nhân dân tỉnh tại các địa bàn nhạy cảm, tiềm ẩn phức tạp, lực lượng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động lại luân phiên ứng trực tại cơ sở. Bảo vệ tuyệt đối an toàn các phiên xét xử cũng như an toàn cho bồi thẩm đoàn và các bị can, bị cáo trước tòa; không để các phần tử xấu lợi dụng kích động, làm ảnh hưởng tới việc xét xử tại địa phương.
Những người con của bản làng Tây Bắc
Trong những năm qua, chủ trương “tăng cường cơ sở, thực hiện ba cùng với nhân dân” của Ban Giám đốc Công an tỉnh đã đi vào chiều sâu và đạt được những hiệu quả thiết thực, lâu dài. Mỗi năm đã có hàng ngàn cán bộ chiến sĩ tình nguyện xuống các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để củng cố toàn diện các mặt công tác, giữ vững ANCT, đảm bảo TTATXH, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Mỗi lần phát động ra quân, lực lượng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động lại hăng hái tình nguyện tham gia với sức trẻ, nhiệt huyết của những đoàn viên thanh niên công an. Trong mỗi chuyến đi, các anh vừa là người lính, nhưng cũng là những người con thân yêu của bản làng, giúp đỡ quần chúng nhân dân những công việc dù là nhỏ nhất cho tới những hoạt động xuyên suốt hướng về cơ sở. Vì nhân dân, nhiều chiến sĩ đã không quản hy sinh bản thân để cứu lấy tính mạng, tài sản nhân dân trong những trận lũ quét nghiêm trọng lại Lai Châu năm 1990, hay trận lũ lịch sử tại Mường Lay năm 1996. Những chiến sĩ Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động đã bảo vệ an toàn cho hàng ngàn lượt nhân dân ra khỏi vùng lũ, vừa hỗ trợ cứu giúp tài sản của nhân dân. Khi phong ba đã qua đi, các anh lại cùng giúp nhân dân ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế tại nơi tái định cư.
Xuống cơ sở "3 cùng" với nhân dân. |
Hình ảnh người chiến sĩ công an “ba cùng” trải dài từ những năm tháng ấy đã góp phần không nhỏ vào bề dày truyền thống của lực lượng Công an Điện Biên anh hùng. Đại tá Hoàng Xuân Khởi – Trưởng phòng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động Công an tỉnh Điện Biên, cho biết: “Để đạt được những thành tích ấy, Đảng ủy, lãnh đạo đơn vị luôn sâu sát với cán bộ chiến sĩ, thường xuyên rèn giũa tính kỷ luật, trách nhiệm đặc biệt là cho chiến sỹ trẻ; luôn đi sâu nắm bắt tâm tư, tình cảm để kịp thời có định hướng đúng đắn cho án bộ chiến sĩ yên tâm huấn luyện, yên tâm công tác. Tổ chức lập kế hoạch rèn luyện, huấn luyện một cách nghiêm túc, chặt chẽ với phương châm “đổ mồ hôi trên thao trường, giảm bớt xương máu trong thi hành nhiệm vụ". Mỗi lãnh đạo trong đơn vị đều là những người thầy, người đồng chí, người anh của án bộ chiến sĩ; thường xuyên quan tâm chỉ đạo tổ chức Đoàn cơ sở tổ chức nhiều hoạt động bổ ích, góp phần nâng cao sức khỏe, sức chiến đấu cho đoàn viên thanh niên trong đơn vị, có như vậy, mỗi án bộ chiến sĩ mới nhận thức và hành động theo đúng phương châm của lãnh đạo cấp trên: kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả và văn hóa”.
Để có được bản lĩnh vững vàng, trình độ chuyên sâu, hàng ngày những người lính ấy vẫn luôn rèn luyện không kể giờ giấc. Công tác huấn luyện thường xuyên được tổ chức theo đúng kế hoạch, bất kể ngày đêm. Từ những lần rèn luyện gian khổ đã xuất hiện những cá nhân tiên tiến, xuất sắc trong các mặt công tác. Tuy phần đông là những chiến sĩ trẻ, nhưng với sự đoàn kết nỗ lực của mỗi người; sự quan tâm tạo điều kiện của lãnh đạo đơn vị, được tôi luyện trong môi trường kỷ luật sắt đá hôm nay, những chiến sĩ ấy đã luôn sẵn sàng cho mọi nhiệm vụ mai sau, trong mọi môi trường, hoàn cảnh dù gian nan, khắc nghiệt. 40 năm đã trôi qua - một chặng đường dài xây dựng, chiến đấu trong gian khổ ác liệt chiến tranh; những hy sinh thầm lặng giữa thời bình với những vinh dự và vẻ vang, mỗi người lính bảo vệ và cơ động hôm nay đã trưởng thành theo năm tháng. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các anh luôn vững vàng trong mọi nhiệm vụ, gian khổ lập nhiều chiến công, tô thắm truyền thống của lực lượng công an nhân dân trên quê hương Điện Biên Phủ anh hùng. Sự có mặt của các anh trên mỗi nẻo đường Tây Bắc đã khẳng định những cống hiến, hy sinh cho sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân, vì nhân dân phục vụ.
Lê Hoàng