Đằng sau những chai rượu ngoại giá rẻ
Thời điểm cận tết, tình hình vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, trong đó có rượu ngoại đang có chiều hướng gia tăng.
Cuối năm, các cơ sở bán rượu lại trở nên nhộn nhịp, từ cửa hàng tạp hóa đến những tiệm chuyên cung cấp rượu ngoại đều trưng bày rất nhiều loại, khiến người mua không biết đâu là rượu thật, rượu giả. Thời điểm cận tết, tình hình vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, trong đó có rượu ngoại đang có chiều hướng gia tăng.
Khi những chai rượu được đưa ra ngoài khu vực mậu biên, các đối tượng buôn lậu đã phù phép cho số hàng lậu này bằng cách “quay đầu” hóa đơn. Rượu ngoại giả có nguồn gốc từ Trung Quốc thường có giá rẻ, được làm giả tinh vi nên khó phát hiện, khi vào nội địa, rượu này được đẩy giá lên cao gấp nhiều lần rồi bán cho khách hàng.
Rượu mác ngoại giá rẻ bất ngờ
Trong vai một người đi tìm hiểu thông tin để mở đại lý bán rượu, PV tiếp cận với nhiều đầu nậu chuyên cung cấp rượu ngoại. Tư vấn cho chúng tôi, một đầu nậu tên M.V.G. (ngụ TP HCM) cho biết: “Muốn mở cửa hàng kinh doanh rượu ngoại có lãi cao, phải có nguồn hàng rẻ. Nếu chỉ bán các loại rượu lâu năm của các hãng uy tín thì rất khó kiếm lời. Bởi một chai rượu thương hiệu, phải gánh nhiều loại phí, thuế như phí vận chuyển, phí nhập khẩu, thuế, giá gốc rượu nên buộc các đại lý phải đẩy giá rượu lên cao, rất khó bán. Bởi thế, nhiều cửa hàng nhập rượu ngoại không rõ nguồn gốc, xuất xứ để bán với giá thấp hơn nhiều so với rượu ngoại nhập khẩu chính hãng”.
Quầy rượu bày bán nhan nhản thương hiệu, chủng loại nên khó phân biệt đâu là rượu thật, rượu giả. |
Chị Đ.T.T. (55 tuổi, chủ tổng đại lý rượu W.K., quận 4, TP HCM) cho biết: “Một chai rượu khi được thông quan qua đường chính ngạch thường được bán giá cao, trong khi nếu nhập của những đầu nậu “chui” tại các cửa khẩu thì giá rẻ hơn một nửa.
Theo đó, một chai rượu whisky cardhu (12 years 40%, 750ml) thật có giá bán dao động từ 800.000 đến 1 triệu đồng. Trong khi cùng loại rượu này nhưng nhiều “đại lý” lại chào bán với giá từ 400 – 500.000 đồng/chai. Tương tự các loại rượu khác như rượu Johnnie Walker Gold Label Reserve loại 750ml 40%vol; Johnnie Walker XR Aged 21 years loại 750ml 40%vol; rượu Johnnie Walker Explorers’ Club chai 1Lc 40%vol; rượu Johnnie Walker Red Label loại 2l 40%vol; Chivas, Ballantines, Martell, Remy Martin XO, Hennessy, Bacardi... cũng có giá nhập vào rẻ hơn một nửa so với các loại rượu nhập chính ngạch, hợp pháp”.
Một số cửa hàng bán rượu ngoại cho biết, vì thiếu kinh nghiệm nên nhiều khi họ cũng nhập phải rượu ngoại giả. Trên thực tế, một số chủ cửa hàng biết rượu giả nhưng vẫn nhập về bán giá rẻ hơn. Cũng có cửa hàng nhập rượu mang mác “rượu xách tay” để bán cho khách hàng nhưng số này không nhiều.
Tại cửa hàng rượu T.H. ở khu vực quận Tân Bình (TP HCM), khi PV đang tìm hiểu mua rượu, có một người phụ nữ cũng bước vào ngỏ ý muốn bán một chai rượu ngoại Martell 750ml. Mới chỉ nhìn qua chưa biết thật giả thế nào, chủ cửa hàng trả giá 400 ngàn đồng. Sau khi người phụ nữ bán rượu đi khỏi, chủ cửa hàng liền dán nhãn mác lên chai rượu vừa mua với giá 1.320.000 đồng rồi gác lên kệ cùng với những chai rượu nhập khẩu khác.
Rượu ngoại giả được tuồn vào nội thành như thế nào?
Theo tìm hiểu của PV, hiện rượu ngoại giả trên thị trường có hai loại: Một là loại làm giả nguyên chai thường có nguồn gốc từ Trung Quốc, hai là loại làm giả rượu rồi sang chiết vào vỏ chai thật của các thương hiệu rượu uy tín. Dù bị kiểm soát gắt gao, nhưng hai loại rượu này vẫn được bày bán trên thị trường dưới nhiều danh nghĩa khác nhau.
Lượng rượu ngoại nhập lậu, rượu ngoại giả được các nài rượu đưa vào thành phố tiêu thụ chủ yếu theo Quốc lộ 22, đây là con đường nối từ TP. HCM đến tận cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh). Để biết việc buôn lậu, vận chuyển rượu ngoại giả được thực hiện như thế nào, PV đã nhiều ngày mục kích tại nhiều điểm tập kết rượu ở cửa khẩu Mộc Bài để ghi nhận.
Anh Q.B. (một người chuyên thu gom rượu ngoại tại cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh) tiết lộ: “Để qua mắt cơ quan chức năng, các đối tượng lợi dụng chính sách giao thương đối với cư dân biên giới (mỗi người được mua số hàng hóa có giá trị khoảng 2 triệu đồng/ngày) nên đã thuê họ vận chuyển rượu từ bên kia biên giới qua cửa khẩu nước ta rồi giao lại cho các điểm thu mua để được trả tiền công. Lúc này, việc phù phép số rượu trôi nổi thành rượu có hóa đơn, chứng từ là điều không khó. Với những cửa khẩu có khu kinh tế thì việc buôn rượu ngoại giả càng dễ dàng hơn.
Theo đó, hàng sau khi thuê mua tại khu kinh tế được đưa ra ngoài tập kết, rồi dùng xe khách chuyển vào nội địa. Khi những chai rượu được đưa ra ngoài khu vực mậu biên, các đối tượng buôn lậu đã phù phép bằng cách “quay đầu” hóa đơn. Rượu ngoại giả có nguồn gốc từ Trung Quốc thường có giá rẻ, được làm giả tinh vi nên khó phát hiện, khi vào nội địa, rượu này được đẩy giá lên cao gấp nhiều lần rồi bán cho khách hàng”.
Cách thức phù phép rượu ngoại giả cũng được các đầu mối buôn lậu tại cửa khẩu Bình Hiệp (Long An) thực hiện một cách tương tự. Khi tập kết được lượng rượu khá lớn tại các điểm gần biên giới, các nài rượu bắt đầu công việc vận chuyển về TP. HCM tiêu thụ. Trên tuyến Quốc lộ 22, rất dễ dàng bắt gặp những chiếc xe gắn máy chở hàng lậu phóng với tốc độ cao để đưa hàng về thành phố. Rượu ngoại nhập lậu, giả được ngụy trang dưới mọi hình thức. Phương thức vận chuyển rượu ngoại nhập lậu hiện nay được thực hiện bằng nhiều cách từ xe máy, xe khách công cộng đến xe du lịch.
Để tránh cơ quan chức năng “sờ gáy” trong quá trình vận chuyển, các đối tượng còn nhét rượu ở dưới gầm, trong lốp xe dự phòng. Khi những chiêu thức này bị cơ quan chức năng phát hiện, các nài rượu chuyển sang vận chuyển bằng xe máy, với số lượng nhỏ lẻ, mỗi lần vận chuyển khoảng hơn chục chai, ngụy trang trong những thùng giấy của nhiều nhãn hàng bia, nước ngọt. Việc vận chuyển này rất khó phát hiện nếu không theo dõi ngay từ điểm tập kết rượu tại cửa khẩu.
Theo một lãnh đạo chi cục Quản lý thị trường TP HCM, từ đầu năm 2014 đến nay, chỉ riêng khu vực TP.HCM, các lực lượng kiểm tra đã phát hiện 52 vụ vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ rượu ngoại nhập lậu, thu giữ tổng cộng 2.951 chai rượu ngoại các loại. Trong đó, phần lớn là hàng vắng chủ, được mua gom từ chợ biên giới Mộc Bài (Tây Ninh).
Anh N.V.B. (một người chuyên chở rượu thuê) cho biết: “Khi tuyến Quốc lộ 22 bị các cơ quan chức năng liên tục kiểm tra, các đối tượng nhập lậu rượu giả thường vận chuyển vào thời điểm lực lượng chức năng chuyển ca hoặc vào ban đêm nên rất khó phát hiện. Các nài rượu từ các cửa khẩu vùng biên giới Tây Nam chuyển hướng đi theo Quốc lộ 1A qua Tiền Giang, Long An rồi tuồn vào thành phố theo các đường cửa ngõ phía Tây như đường Nguyễn Văn Linh hoặc đường Võ Văn Kiệt”.
Rất khó kiểm soát thị trường rượu ngoại
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát Việt Nam cho biết: “Công nghệ làm tem, nhãn rượu giả hiện nay tinh vi hơn nên rất khó để phân biệt tem rượu giả bằng mắt thường. Lực lượng quản lý thị trường muốn phát hiện tem rượu giả phải sử dụng tia cực tím. Chính vì thế, tình trạng rượu ngoại giả hiện nay vẫn diễn biến vô cùng phức tạp cả về quy mô và số lượng. Đối với rượu giả, chỉ có cách duy nhất là giám định chất lượng”./.
Theo VOV