Amiăng – mối nguy hại gây chết người
Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, những người sử dụng các sản phẩm từ amiăng hoặc làm việc trong môi trường chứa amiăng đều có thể bị ung thư.
Trên thị trường hiện nay, tấm lợp fibro xi măng được sản xuất bằng amiăng là vật liệu xây dựng khá phổ biến, có giá hợp lý nên được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, những người sử dụng các sản phẩm từ amiăng hoặc làm việc trong môi trường chứa amiăng đều có thể bị ung thư.
Theo thống kê sơ bộ, hiện nước ta có khoảng 40 cơ sở sản xuất với gần 10.000 lao động, có khả năng cung cấp trên dưới 100 triệu m2 fibro xi măng mỗi năm, đáp ứng 60% nhu cầu về tấm lợp.
Sản phẩm này được người dân các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa ưa chuộng vì vừa phù hợp với điều kiện khí hậu, giá thành lại thấp. Tuy nhiên đến nay, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới vừa công bố bằng chứng trên người và thực nghiệm về các loại Amiăng là chất gây ung thư ở người.
Amiăng “trắng" là loại ít độc hại nhất, loại độc hại nhất gọi là amiăng “xanh" (ảnh: Lao động) |
Amiăng có tới 6 loại, trong đó loại độc hại nhất gọi là amiăng “xanh", đã bị cấm sử dụng ở nhiều nước trên thế giới. Loại ít độc nhất là amiăng “trắng", hiện vẫn đang được sử dụng để làm tôn lợp nhà, hoặc ống dẫn nước.
Tiến sĩ Vũ Thường Bồi, Hội hóa học Việt Nam, cho biết: Amiăng chủ yếu đi vào đường thở, vì bụi amiăng vào đường thở sẽ nằm trong phế nang, không dễ thải loại bằng các cơ chế mà cơ thể mình sẵn có. Nó sẽ gây ung thư theo cơ chế vật lý, tức là làm thành ổ viêm, lâu dần sẽ phát triển lên, làm theo cơ chế hoạt tính sinh học, làm các tế bào mô, ADN bị thay đổi. Bắt đầu từ các nước đã dùng amiăng cách đây 100 năm, khi người ta dùng đến nay người ta mới phát hiện ra là càng dùng nhiều amiăng, tỷ lệ bệnh về đường thở càng tăng lên.
Theo nghiên cứu của Bộ Y tế, tại 6 bệnh viện đã ghi nhận 447 trường hợp bệnh nhân nghi ngờ liên quan đến amiăng, trong đó 46 ca được chẩn đoán là ung thư trung biểu mô màng phổi. Thời gian ủ bệnh sau khi tiếp xúc với amiăng thường kéo dài khoảng 20 đến 30 năm, người lao động đến khi nghỉ hưu mới phát bệnh.
Đáng nói hơn, những người sống ở nhà có mái lợp amiăng có nguy cơ mắc bệnh cũng rất cao, thậm chí vẫn thường xuyên hứng nước từ mái lợp fibro xi măng để dùng cho ăn uống.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Vân Trình, Viện nghiên cứu Khoa học kỹ thuật và Bảo hộ lao động cho biết: Quy định của Việt Nam là trong môi trường lao động không được có quá 0,5 sợi amiăng/1 m3 không khí, đây là tiêu chuẩn rất cao.
Nhưng trên thực tế chế tài của chúng ta chưa nghiêm. Tại các nhà máy, các giải pháp để cải thiện môi trường điều kiện làm việc và ngăn chặn sợi amiăng vào không khí còn rất hiếm.
Tác hại của Amiăng nghiêm trọng là vậy, nhưng trên thực tế, phần lớn người lao động không có khái niệm về độc hại khi làm việc trong môi trường có amiăng. Họ chấp nhận làm việc trong môi trường lao động còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh như: nồng độ bụi cao, trang bị về bảo hộ lao động còn thiếu…
Ông Trần Tuấn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng (Hội Liên hiệp Khoa học kỹ thuật Việt Nam) nêu ý kiến: Tôi cho rằng tại môi trường xí nghiệp vẫn bị quản bởi Bộ Xây dựng, trong khi chủ trương của Bộ Xây dựng là vẫn tiếp tục sử dụng amiăng, nên chắc chắn họ sẽ hạn chế các phương tiện, các cách thức hình thức truyền thông giúp cho người công nhân hiểu. Đây là một vấn đề cơ bản làm hạn chế sự hiểu biết của người dân. Để khắc phục tình trạng này chúng tôi đang tổ chức vận động làm sao để bài toán về amiăng và lộ trình cấm amiăng ở Việt Nam phải trả lại cho Bộ Y tế và Bộ Khoa học Công nghệ, Môi trường, bởi vấn đề amiăng là vấn đề về sức khỏe và môi trường chứ không phải vấn đề của Bộ Xây dựng.
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tình hình vi phạm quy định pháp luật về vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp sản xuất tấm lợp fibro xi măng vẫn còn diễn ra phổ biến.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã khuyến nghị các nước loại bỏ sử dụng các loại amiăng, yêu cầu thay thế và giám sát quy định nghiêm ngặt việc sử dụng amiăng ở nơi làm việc; đầu tư cho các ngành công nghiệp thay thế sử dụng amiăng./.
Theo VOV