Phát huy các giá trị Văn hoá - Lịch sử với phát triển du lịch
Điện Biên TV - Điện Biên với hơn 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, với quần thể di tích lịch sử nổi tiếng, phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng, nhiều lễ hội văn hóa độc đáo… đó là những lợi thế mà tỉnh Điện Biên đang tập trung khai thác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển nhiều loại hình, sản phẩm du lịch, nhằm sớm đưa du lịch trở thành một hoạt động kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Hiện nay, giá trị lịch sử của quần thể di tích chiến trường Ðiện Biên Phủ và nét văn hóa đặc trưng của 19 dân tộc anh em của tỉnh đang được khai thác, từng bước phát huy hiệu quả phục vụ phát triển du lịch. Quần thể di tích lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn có giá trị lớn đối với việc phát triển du lịch của tỉnh.
Trong những năm qua, Tỉnh Điện Biên đã chú trọng đầu tư, tôn tạo và bảo tồn các di tích liên quan đến chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhiều di tích đã và đang được phát huy trong thực tiễn, như: Sở chỉ huy chiến dịch ở Mường Phăng, đồi A1, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ được đầu tư xây dựng với quy mô lớn để phục vụ việc trưng bày các hiện vật, hình ảnh, những mô hình tái hiện lại chiến công của quân và dân ta đã đi vào lịch sử...”.
Di tích lịch sử Đồi A1 TP Điện Biên Phủ |
65 năm qua, những giá trị của chiến thắng Ðiện Biên Phủ vẫn được lưu giữ nguyên vẹn thông qua công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích. Những việc làm ý nghĩa đó đã góp phần quan trọng trong việc đưa di tích chiến trường Ðiện Biên Phủ trở thành một trong những địa danh du lịch lịch sử hấp dẫn, thu hút du khách đến với Ðiện Biên.
Bà Đinh Thị Lý - Du khác đến từ tỉnh Đồng Lai cho biết: Chúng tôi chọn hình thức du lịch về nguồn, tham qua các di tích lịch sử, thắng cảnh vùng Tây Bắc. Được đến địa dang lịch sử của hon 60 năm về trước, chúng tôi cảm nhận được những di tích của những chiến công oanh liệt mà nhân dân, chiến sỹ chúng ta đã đổ bao máu sương để giành lại tấc đất thiêng liêng cho tổ quốc mà mỗi lần đến tham quan chúng tôi thấy rât tự hào.
Trong những năm qua, một trong những điểm nhấn cho du lịch của tỉnh là Lễ hội Hoa Ban được tổ chức vào trung tuần tháng 3 hàng năm. Lễ hội xây dựng giá trị di sản truyền thống quý báu của 21 dân tộc anh em trong tỉnh thành bức tranh văn hóa rực rỡ sắc màu để giới thiệu, quảng bá đến người dân và du khách trong, ngoài nước.
Các sản phẩm du lịch trong mùa lễ hội cũng luôn được thay đổi theo từng năm nhưng vẫn mang đậm nét văn hóa các dân tộc Ðiện Biên. Cùng với Lễ hội Hoa Ban, nhiều lễ hội như: Lễ hội Thành bản Phủ, Ðua thuyền đuôi én Mường Lay… hay Sự kiện Hoa anh đào - Pá Khoang được tổ chức cũng là hướng phát triển để thu hút du khách đến với Ðiện Biên.
Ngoài ra, nhiều sản phẩm đặc trưng của tỉnh đã và đang được làm mới theo xu hướng phát triển chung của ngành dịch vụ du lịch. Có thể kể đến các bản văn hóa trên địa bàn huyện Ðiện Biên và TP. Ðiện Biên Phủ, như: Bản Mển, Him Lam 2, Noong Chứn, Phiêng Lơi... đổi mới trong chế biến, trình bày ẩm thực, phong cách phục vụ, tiếp đón du khách.
Khu homestay, khu chợ phiên vùng cao cũng được đầu tư xây dựng góp phần làm phong phú thêm sản phẩm tại các điểm du lịch, là điểm đến thu hút du khách sau khi đã tham quan các di tích trên địa bàn. Các địa phương đã liên kết chặt chẽ, toàn diện trên các mặt và từng bước hình thành chuỗi sản phẩm du lịch.
Một số sản phẩm du lịch đã trở thành “thương hiệu” của tỉnh và khu vực, tạo sợi dây liên kết bền vững giữa các địa phương, thu hút không nhỏ lượng du khách trong và ngoài nước. Nhờ có hướng đi đúng, du lịch Ðiện Biên đã có những bước phát triển vượt bậc. Lượng du khách đến Ðiện Biên trong năm 2018 đạt trên 700.000 lượt khách; tổng thu nhập từ hoạt động du lịch đạt trên 1.000 tỷ đồng.
Việc xây dựng các bản văn hóa du lịch cộng đồng, trong đó điểm nhấn là loại hình du lịch homestay đã được tỉnh tập trung quy hoạch, xây dựng. Trên cơ sở chú trọng khai thác các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh, du lịch cộng đồng đã dần trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút đông đảo du khách trong nước và khách quốc tế.
Lượng du khách đến Ðiện Biên trong năm 2018 đạt trên 700.000 lượt khách; tổng thu nhập từ hoạt động du lịch đạt trên 1.000 tỷ đồng. |
Điểm chung của loại hình du lịch này đó là có đông đồng bào dân tộc sinh sống với những mái nhà sàn truyền thống, phong tục, tập quán được bảo tồn. Tại đây, du khách được tham gia, tìm hiểu, học hỏi, trải nghiệm nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa truyền thống như: Ca, múa, nhạc, lễ hội; du khách được trải nghiệm cuộc sống hằng ngày của cộng đồng, được thụ hưởng, cảm nhận những giá trị văn hóa bản địa đặc sắc.
Mô hình giúp đề cao, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng dân cư vào hoạt động du lịch, nhằm giúp du khách có thêm hiểu biết và tình yêu đối với văn hóa, môi trường, phong tục, nếp sống của người dân, đồng thời, phát huy, quảng bá những nét đẹp văn hóa bản địa.
Ông Lò Văn Đức - Bản Che Căn, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên cho biết: Tôi mở Homstay này thì gia đình tôi có đủ chỗ ăn ngủ tại nhà, khi có khách thì chúng tôi có chỗ nghỉ ngơi ngủ tại nhà, có chỗ nấu nướng phục vụ khách. Cùng với đó chúng tôi trưng bầy các dụng cụ lao động sản xuất mà các cụ để lại cho để cho khách du lịch có thể tìm hiểu, trải nghiệm. Ví dụ như khăn piêu, cóng đựng xôi, khèn, sáo, dụng cụ bắt cá ngày xưa của người Thaí
Đến Điện Biên, du khách ngoài việc được cảm nhận những giá trị văn hóa còn được thưởng thức kho tàng văn hoá ẩm thực vô cùng đặc sắc của cộng đồng dân cư với những nguyên liệu được khai thác từ tự nhiên, được chế biến bằng những cách thức độc đáo khiến du khách không thể bỏ qua. Ðây cũng là dịp để khách du lịch trải nghiệm nét đẹp văn hóa ẩm thực của địa phương. Bởi văn hóa ẩm thực là những đặc trưng, mang dấu ấn vùng miền.
Vì vậy có thể nói ẩm thực đóng vai trò quan trọng góp phần tạo ấn tượng tốt đẹp, làm tăng hiệu quả hoạt động quảng bá du lịch, thu hút du khách đến với tỉnh nhà. Các món ăn đặc sản của người Thái cũng đã được đưa vào thực đơn của hầu hết các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ. Các bản văn hóa du lịch đều có dịch vụ đón tiếp khách, phục vụ ẩm thực. Với những hương vị mộc mạc, nét đặc trưng trong từng món ăn đã góp phần tô điểm cho bức tranh muôn màu của cộng đồng người Thái thu hút du khách về với Điện Biên.
Các điệu hát đằm thắm, múa sạp, múa xoè của dân tộc Thái, múa lăm vông kết hợp với cồng chiêng của dân tộc Lào, múa khèn của dân tộc Mông đang duy trì trong từng thôn bản và đầy sức lôi cuốn mời gọi du kháchgần xa. Để bản sắc văn hóa các dân tộc Điện Biên được bảo tồn và phát triển gắn với du lịch, bên cạnh những nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền thì chính mỗi người dân cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình; góp phần bảo tồn gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của 19 dân tộc trên địa bàn tỉnh./.
Tuấn Trung/DIENBIENTV.VN