Hướng tới kỷ niệm 40 năm thành lập Đài Phát thanh & Truyền hình Điện Biên

Tiếp cận mô hình báo chí đa phương tiện

Thứ Ba, 12/09/2017, 14:01 [GMT+7]

Điện Biên TV - Nâng cao tỷ lệ tự sản xuất các chương trình phát thanh - truyền hình, coi trọng yếu tố tính thời sự, tiếp cận với phong cách làm báo hiện đại, đề cao tính tương tác qua các chương trình phát thanh truyền hình thực tế, áp dụng triệt để sự tiến bộ của công nghệ thông tin tiến tới mô hình là một cơ quan báo chí đa phương tiện là những kết quả đã đạt được của Đài Phát thanh - Truyền hình Điện Biên sau bốn thập kỷ hình thành và phát triển ( 1997 - 2017 )

Theo anh Trần Ngọc Cẩn, nguyên Phó Giám đốc - một trong số những con người ít ỏi của Đài Phát thanh lai Châu từ ngày đầu thành lập ( 23/9/1997 ) và tham gia khung cán bộ quản lý tại các phòng ban, bộ phận của đài lúc bấy giờ. Dù mong muốn cống hiến lắm, song do con người ít, thiết bị ít lại lạc hậu nên thời kỳ đầu mới thành lập về phát thanh tiếng phổ thông, tiếng Thái, tiếng Mông mới chỉ phát 3 chương trình/tuần, sau này có thêm chương trình tiếng Hà Nhì, còn truyền hình sau 9 năm thành lập đài PTTH Lai Châu mới phát chương trình đầu tiên vào tháng 10/1986, thời kỳ ấy chủ yếu là phát lại các chương trình thời sự, ca nhạc, những bông hoa nhỏ, phim truyện do đài Truyền hình Việt nam gửi băng hình qua đường bưu điện, còn các chương trình do đài tự sản xuất chiếm tỷ lệ vô cùng nhỏ, chủ yếu là bản tin có thời lượng khoảng trên dưới 10 phút phát 1 tuần một lần vào ngày cuối tuần. Những con số khiêm tốn trong những năm đầu thành lập đó cũng là sự cố gắng rất lớn của đội ngũ cán bộ, viên chức của đài trong điều kiện khó khăn của một tỉnh miền núi biên giới, đồng thời lại phải trải qua mấy năm sơ tán do cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới.

Đến nay, sau 4 thập kỷ phấn đấu không biết mệt mỏi của những người làm công tác phát thanh - truyền hình, thời lượng chương trình đã có một bước tiến dài đáng ghi nhận. Về phát thanh một ngày đã có 2 chương trình thời sự tiếng phổ thông, 2 chương trình tiếng dân tộc, 1 chương trình chuyên đề, 3 chương trình ca nhạc cả phổ thông và tiếng dân tộc phủ kín tuần, trong đó các ngày thứ 7 và chủ nhật còn có các chương trình văn nghệ, câu truyện truyền thanh, chương trình trực tiếp mang tính tương tác như "60 phút bạn và tôi" các mục " Điện Biên trong tôi ", "Thời trang và cuộc sống " Tạp chí văn học nghệ thuật Điện Biên", góp phần nâng tổng thời lượng phát thanh đạt trên 19 tiếng/ngày, trong đó thời lượng tự sản xuất chiếm trên 45%.

Về truyền hình, một ngày phát từ 6 h sáng đến 12 h đêm, trong đó có 7 chương trình và bản tin thời sự, gồm chương trình thời sự sáng, sau đó phát lại lúc 8h; chương trình thời sự trưa, sau đó phát lại lúc 14 h; ban tin thời sự trức tiếp lúc 16h; chương trình thời sự tổng hợp lúc 20h và bản tin thời sự quốc tế cuối ngày.

Ngoài ra trong ngày còn phát các mục, chuyên mục, phim tài liệu, ký sự, phim truyện Việt Nam, phim truyện nước ngoài, trang truyền hình địa phương, các chuyên mục mang tính chuyên môn được Đài phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các chương trình ca nhạc, tổng thời lượng gần 19 tiếng/ngày, trong đó 45% là tự sản xuất. Thời lượng nói chung, thời lượng tự sản xuất nói riêng không ngừng được nâng lên song chất lượng chương trình và nhất là tính thời sự luôn đặc biệt được quan tâm và được cập nhật. Tin tức, sự kiện trong tỉnh, trong nước, quốc tế, được phóng viên, biên tập viên sử lý và phát ngay trong bản tin thời sự lúc 11h30 và được cập nhật trong chương trình thời sự lúc 20 h hàng ngày, dù phóng viên đang ở biên giới, vùng sâu, vùng xa, hải đảo hay ở nước ngoài.

Đây là một trong những thành tích vượt trội mà đài PTTH đã đạt được mà không phải đài Phát thanh truyên hình tỉnh nào trong khu vực miền núi Tây Bắc cũng làm được. Có được kết quả này chính là từ sự thường xuyên thống nhất thực hiện chủ trương Nghị quyết về nâng cao chất lượng sản xuất các chương trình phát thanh truyền hình của Đảng bộ Đài PTTH qua các kỳ Đại hội, sự nỗ lực của cán bộ, viên chức, các phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên và trong đó có cả sự nhanh nhạy trong việc tận dụng sự tiến bộ của công nghệ thông tin, thiết bị phát thanh truyền hình mới được tỉnh đầu tư.

1
Tọa đàm – Hình thức tuyên truyền đa dạng trên sóng PT-TH Điện Biên

 

Thực hiện Thông tư liên tịch số 17 của Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin Truyền thông và Quyết định 142 ngày 13/3/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tổ chức bộ máy đài PTTH các tỉnh, bộ máy tổ chức của Đài PTTH Điện Biên có 6 phòng, ngoài phòng Tổ chức hành chính, phòng Kỹ thuật công nghệ, 4 phòng  còn lại trực tiếp sản xuất nội dung các chương trình phát thanh truyền hình gồm phòng Biên tập, phòng Thời sự, phòng Phát thanh truyền hình tiếng Dân tộc và phòng Chuyên đề - Văn nghệ, giải trí. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, từ năm 2012 các chương trình phát thanh truyền hình liên tục được sản xuất, mở mới đa dạng và phong phú về hình thức, nội dung và thời lượng. Ngoài các chương trình, bản tin thời sự phát thanh, truyền hình đã nêu ở phần trên.

Các phòng đã phối hợp sản xuất tới gần 50 mục, chuyên mục, trong đó có mục " Phóng sự  " phản ánh đậm nét về tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, chủ trương nghị quyết của Đảng, những gương điển hình tập thể cá nhân tiên tiến, những cách làm hay, sáng tạo của các ngành, các địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình; giới thiệu, phản ánh, nhân rộng gương người tốt việc tốt có mục "Việc tốt quanh ta "; "Gương sáng người cao tuổi "; thực hiện công tác an sinh xã hội, khơi gợi tính cộng đồng sẻ chia giúp đỡ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có mục " Nhịp cầu nhân ái "; các mục" Giá cả thị trường", "An toàn vệ sinh thực phẩm " giúp cho người tiêu dùng được sử dụng thực phẩm sạch cũng như góp phần ổn định giá cả thị trường tiêu dùng.... Chuyên mục mang tính chính luận và định hướng có: " Xây dựng Đảng ", " Điện Biên làm theo lời Bác "; "Đại biểu dân cử với cử tri "," Đại đoàn kết "," Truyền hình Thanh niên", "Dân tộc và phát triển ", " Nông dân Điện Biên ";, " Xây dựng nông thôn mới "; " Chung tay xóa đói giảm nghèo "; " An toàn giao thông "; " Nhà nước và pháp luật "; " Phụ nữ và gia đình "; " Nông nghiệp và nông thôn". Các chuyên mục mang tính khoa giáo có" Bảo hiểm xã hội vì cuộc sống cộng đồng "; " Thuế và cuộc sống "; "Tài nguyên và môi trường ", " Thầy thuốc gia đình ". Chuyên mục về văn hóa các dân tộc có " Sắc màu văn hóa Điện Biên ", các chương trình văn nghệ tiếng Thái, tiếng Mông.

Ngoài ra trong kết cấu chương trình phát thanh truyền hình của đài còn có các trang truyền hình cơ sở của 10 huyện thị, thành phố và chuyên mục truyền hình của một số sở, ngành, đơn vị như Sở Y tế, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh; Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh v.v..

Để phát huy thế mạnh công nghệ thông tin phát triển, ngày 23/9/2011 trang thông tin Điện tử tổng hợp của Đài PT&TH tỉnh Điện Biên đi vào hoạt động đánh dấu một bước phát triển mới của Đài PT&TH tỉnh Điện Biên trong công tác tuyên truyền tới khán thính giả và bạn đọc trên các phương tiện Báo nói, Báo hình và Báo điện tử.

Với 1 trang chủ tên miền là: www.dienbientv.vn trên mạng internet, trang thông tin Điện tử cập nhật các chương trình thời sự của Đài PT&TH tỉnh Điện Biên, các phóng sự, ký sự, các chuyên mục và các chương trình phát thanh truyền hình tiếng dân tộc. Nội dung đưa lên Trang thông tin Điện tử được cập nhật một cách nhanh nhất, kịp thời, đa dạng hóa nội dung, đã được bạn đọc quan tâm hưởng ứng ủng hộ, phát huy tốt vai trò thông tin của báo điện tử đối với bạn đọc khắp nơi trên cả nước và thế giới.

Trong bối cảnh hiện nay, cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, các phương tiện truyền tải thông tin, đặc biệt là mạng xã hội đã đặt các cơ quan báo chí nói chung và các Đài Phát thanh-Truyền hình (PT-TH) nói riêng vào một cuộc cạnh tranh vô cùng lớn.

Trong lộ trình phát triển của mình, Đài PT- TH Điện Biên luôn xác định phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung chương trình, bảo đảm thông tin nhanh, nhạy, chính xác, có tính định hướng cao và tiếp cận gần hơn với công chúng. Để thực hiện được mục tiêu đó, Đài đã đề ra nhiều mục tiêu, nhiệm vụ then chốt như: Xây dựng Đài PT- TH tỉnh thành một Đài mạnh xứng tầm với sự phát triển của địa phương và so với các Đài trong khu vực; làm tốt chức năng, nhiệm vụ cung cấp thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân; định hướng giáo dục, nâng cao dân trí, giải trí góp phần nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân; tăng cường thông tin đối ngoại, bảo đảm hội nhập thông tin trong khu vực, trong nước và quốc tế. Đồng thời, đấu tranh có hiệu quả với các luận điệu phản tuyên truyền, gây chia rẽ đoàn kết dân tộc, chống chế độ của các thế lực thù địch và phản động, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp đổi mới và phát triển của tỉnh. Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh, truyền hình, trang thông tin điện tử,  bảo đảm thông tin trong tỉnh, trong nước, quốc tế nhanh nhạy, chính xác và hấp dẫn; chủ động khai thác nguồn thu quảng cáo và dịch vụ phát thanh, truyền hình.

Chăm lo xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ viên chức, người lao động có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng và trình độ chuyên môn cao. Nhất là quan tâm xây dựng đội ngũ phóng viên giỏi về chuyên môn, trong sáng về đạo đức. Rà soát đánh giá trình độ của đội ngũ cán bộ, tiếp tục thực hiện công tác đào tạo, đào tạo lại nâng cao trau dồi trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ phóng viên, biên tập, quay phim, kỹ thuật.

Chú trọng công tác phân công giao việc phù hợp với khả năng, sở trường để mỗi phóng viên phát huy tốt khả năng của mình. Bên cạnh đó, động viên, khuyến khích họ tìm tòi, xung phong thực hiện, giải quyết những việc mới, việc khó mà ở đó cần có sức bật và sự tâm huyết của tuổi trẻ; ra sức rèn luyện kỹ năng, bản lĩnh, hăng hái lao vào thực tế cuộc sống, nắm bắt được hơi thở của cuộc sống để tạo ra những sản phẩm chương trình có chất lượng cao vừa phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ chính trị của địa phương, vừa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi bức thiết của cuộc sống.

                                                                     

BBT

.