Hướng tới kỷ niệm 40 năm thành lập Đài Phát thanh & Truyền hình Điện Biên

Cần phải "Say" cho mỗi khuôn hình

Thứ Năm, 21/09/2017, 17:05 [GMT+7]

Điện Biên TV - Quay phim là một nghề vất vả, đó là cái nghề mà cánh phóng viên quay phim như chúng tôi vẫn thường nói đùa “sướng chẳng bằng ai, mà khổ thì không ai bằng”, Đó là tâm sự của Phóng viên Tuấn Trung - Phòng Thời sự Đài PTTH tỉnh Điện Biên

Gắn bó với Đài Phát thanh và Truyền hình Điện Biên đã hơn 10 năm, những chuyến đi công tác ở vùng sâu, vùng xa dài ngày với tôi là điều quá đỗi quen thuộc, mỗi khi vượt qua chặng đường dài hàng trăm km lên đến các huyện vùng cao là điều không dễ dàng, nhưng từ trung tâm huyện lên các xã vùng sâu, vùng xa là một việc càng khó khăn hơn.

Có những chặng không thể đi bằng phương tiện gì khác ngoài đôi chân của chính mình. Đi một thân một mình leo núi đã khó, còn đối với phóng viên quay phim như chúng tôi phải mang bên mình nào hòm đựng máy quay, chân máy, cộng thêm một ba lô lỉnh kỉnh tư trang, đồ nghề. Khó khăn là vậy, có những lúc tưởng chừng không vượt qua được, nản lòng, muốn buông xuôi, song như cái nghiệp đã mang, càng theo nghề tôi càng say và yêu nghề hơn.

1
Phóng viên Tuấn Trung đang tác nghiệp

 

Mỗi khi được giao quay tác phẩm nào đó, ngoài việc nghiên cứu kỹ kịch bản, tìm hiểu những vấn đề liên quan, trước khi quay tôi còn dành thời gian  xem trước địa bàn để tìm nơi đặt máy song địa hình miền núi rất khó tìm được vị trí để đặt chân máy, đã có lúc tôi gặp sự cố chỉ vì muốn có góc máy đẹp. Đó là lần làm phóng sự về một thương binh vì đã xả thân để chữa cháy rừng ở xã Sín Thầu huyện Mường Nhé. Để có được góc máy thể hiện sự tôn vinh một nhân vật trong phóng sự tôi phải men xuống triền núi, bên dưới là suối. Vì mải quay nên cứ rê máy mà quên hết nguy hiểm xung quanh, rồi bị trượt chân. Lúc đó nếu không có sức khoẻ và không có sự hỗ trợ của đồng nghiệp và những người đi cùng thì cả máy quay và người đã rơi vài chục mét xuống suối.

Rồi những chuyến công tác một mình trong thời tiết mưa gió, bão lụt, xe máy hỏng dọc đường phải nhờ người dân giúp đỡ; có những lúc phải đi trên những đoạn đường cảm giác chỉ rộng hơn một gang tay. Một bên là núi, một bên là vực sâu, đường lại dốc cao, xe máy cài số 1 kéo ga khét lẹt không lên nổi vì máy móc mang theo lỉnh kỉnh, lại nặng. Thỉnh thoảng, bánh xe trước lại nhấc lên khỏi mặt đất, chỉ sơ sẩy trong tích tắc thôi là lao xuống vực.

Đường đèo dốc, quanh co, thậm chí không đi được cả xe máy, vậy mà các phóng viên quay phim như chúng tôi còn phải “ôm” theo thùng đồ nghề, cùng chiếc chân máy quay phim nặng đến cả chục kg. Trời nắng còn thuận, hôm nào không may giữa đường gặp trời mưa thì ướt như “chuột lột”. Không phải vì không có áo mưa mà là áo mưa đã dùng để che cho máy quay rồi. Chọn nghề quay phim truyền hình là lựa chọn cho mình một công việc không hề nhàn hạ. Chỉ riêng chuyện liên tục công tác xa, luôn trên từng cây số, thậm chí không báo trước, chỉ một cú điện thoại của lãnh đạo là lập tức vác máy lên đường.

Ngoài niềm say mê nghề, người quay phim phải biết điều chỉnh cảm xúc, phải biết “lấy” cảm xúc thì mới có thể thích ứng được với những nội dung và những cảnh quay thay đổi chóng mặt đến thế. Với cường độ làm việc căng thẳng và mệt mỏi như vậy, gặp hôm thời tiết tốt không sao, những hôm trời nắng chang chang hay mưa gió, rét buốt, nguyên chỉ có ra ngoài thôi đã thấy oải rồi huống chi là nói đến chuyện sáng tạo nữa. Sợ nhất là mùa hè, giữa cái nắng tháng 5, tháng 6 mà phải vác máy quay đi thì không gì khổ bằng. Mà mỗi cái máy đâu có nhẹ gì, tính cả thiết bị dễ đến mười mấy cân, cứ như thế, 3-4 tiếng quay ngoài trời là chuyện thường. Ngẫm thấy, nghề quay phim mà không có sức khoẻ bền bỉ thì đúng là chịu, chả theo được.

Lòng yêu nghề, sức khoẻ hay sức bền là điều kiện cần thiết với phóng viên miền núi, nhất là đối với những quay phim như chúng tôi. Song nếu ai đó hỏi; điều gì là quan trọng nhất với chúng tôi thì tôi sẽ nói rằng: đó là tấm chân tình. Nếu không có tấm chân tình thì sẽ khó có nghị lực để chúng tôi vượt qua những khó khăn, trở ngại và vô vàn điều kiện khắc nghiệt. Đó không chỉ là công việc, nhiệm vụ, mà còn là trách nhiệm, tỉnh cảm của những phóng viên truyền hình như chúng tôi, luôn luôn sẵn sàng, cống hiến hết đam mê với một ý nghĩa duy nhất đưa đến cho khán giả những hình ảnh chân thực nhất mang đậm hơi thở cuộc sông./.                                 
                                                                                                             

 

Tuấn Trung
 
 

.