"Hổng" kiến thức chăm sóc sức khỏe vị thành niên

Thứ Hai, 07/07/2014, 17:58 [GMT+7]

Điện Biên TV - Chăm sóc, giáo dục sức khỏe cho vị thành niên là vấn đề quan trọng. Bởi vì, việc có kiến thức, kỹ năng để tự chăm sóc bản thân hay không ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tương lai của vị thành niên. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng “hổng” kiến thức về sức khỏe vị thành niên đang diễn ra khá phổ biến, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa… Đặc biệt, các đối tượng có vai trò hỗ trợ, giáo dục, định hướng cho vị thành niên về vấn đề này cũng còn nhiều hạn chế.

Trong những chuyến công tác về trường THCS, THPT của các huyện: Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Chà… chúng tôi thường dành thời gian trao đổi với các em học sinh vị thành niên và nhất là các học sinh nữ về vấn đề tự chăm sóc sức khỏe. Đa số các em đều có tâm lý e ngại, xấu hổ khi trả lời câu hỏi về sức khỏe sinh sản. Có em mạnh dạn trả lời thì lại cho thấy còn nhiều “lỗ hổng” kiến thức về quan hệ tình dục an toàn, dấu hiệu của thai nghén, bệnh lây truyền qua đường tình dục và cho rằng không thể có thai sau một lần quan hệ tình dục… Qua tìm hiểu, các trường THCS, THPT việc giáo dục giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản…  mới dừng ở việc: Xây dựng tình bạn trong sáng, lành mạnh; giới thiệu cho vị thành niên, các biểu hiện tuổi dậy thì ở nam, nữ. Những vấn đề, quan hệ tình dục an toàn, biện pháp phòng tránh thai… Giáo viên giảng dạy thường coi là vấn đề tế nhị nên ít nói đến.

c
Công tác tuyên truyền chăm sóc sức khỏe vị thành niên luôn thu hút sự hào hứng của các em học sinh, nhưng do kinh phí hạn hẹp nên không tổ chức được thường xuyên, liên tục. Trong ảnh: Buổi tuyên truyền của Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Tuần Giáo với học sinh THPT trên địa bàn

Đóng vai trò hết sức quan trọng trong giáo dục, định hướng, hiểu biết và gần gũi nhất với vị thành niên là gia đình, nhưng thực tế vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản chưa được gia đình chú trọng, quan tâm. Một phần do nhận thức và không có kiến thức cơ bản về sức khỏe vị thành niên nên gia đình không thể tư vấn, chăm sóc, theo dõi được con mà để các em tự mày mò, tìm hiểu. Khi được hỏi chuyện về thay đổi tâm sinh lý của con, tình cảm nảy sinh và giáo dục về quan hệ tình dục… chị Lò Thị Hoa, bản Xôm, xã Quài Tở, huyện Tuần Giáo có 2 con gái đang học lớp 9 và 11 tỏ vẻ ngạc nhiên, nói: Chuyện đó “xấu” lắm ai lại đi nói cho con biết, phải giấu đi chứ! Trẻ con chưa cần biết chuyện về sinh hoạt tình dục như người lớn, lớn lên chúng sẽ tự hiểu, không phải dạy. Quan niệm chị Hoa nếu nói với con chuyện tình dục sẽ chẳng khác nào “vẽ đường cho hươu chạy” và động viên bọn trẻ làm việc bậy bạ.

Để hiểu rõ hơn về công tác chăm sóc sức khỏe vị thành niên, chúng tôi trao đổi với bác sỹ Hoàng Thị Tỉnh, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh. Bác sỹ Tỉnh chia sẻ: Vị thành niên cần được quan tâm đến những nhu cầu phát triển về sức khỏe, sự phát triển tình cảm và hành vi. Những biểu hiện vị thành niên trong xã hội, mối quan hệ gia đình, sự giáo dục của gia đình và nhất là kỹ năng tự chăm sóc bản thân. Mối quan hệ này nếu không được gắn kết chặt chẽ, trẻ sẽ hạn chế tiếp cận với người lớn để giải đáp những thắc mắc của mình về sức khỏe sinh sản, tình dục. Những vị thành niên cần một môi trường thuận lợi để biểu lộ nhu cầu, những nỗi sợ hãi, lúng túng trong giai đoạn giao thời… Do đó thời gian qua, trung tâm được đầu tư các dịch vụ y tế thân thiện với vị thành niên, đảm bảo: Chăm sóc sức khỏe thuận tiện, dễ tiếp cận, thoải mái… với đội ngũ y, bác sỹ chuyên nghiệp, giá cả theo quy định Nhà nước, rẻ hơn nhiều so dịch vụ bên ngoài nhưng năm 2013, trung tâm chỉ tiếp nhận 2 vị thành niên đến chăm sóc sức khỏe. Nguyên nhân do công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức hiểu biết của người dân, vị thành niên còn nhiều hạn chế. Trong khi nguồn kinh phí cấp cho trung tâm hoạt động tuyên truyền chỉ có 4 triệu đồng/năm nên mới tổ chức 2 câu lạc bộ chăm sóc sinh sản tại huyện Điện Biên. Công tác tuyên truyền vì vậy không phát huy được hiệu quả, dẫn đến người dân, vị thành niên nhận thức không đầy đủ. Vẫn có tình trạng lo sợ mọi người biết con mình mang thai nên không đưa đến trung tâm mà thường lựa chọn dịch vụ bên ngoài dù biết rõ không đảm bảo. Nhiều gia đình vùng sâu, vùng xa không biết, trung tâm có cơ sở chăm sóc sức khỏe vị thành niên.

Là đơn vị làm công tác tuyên truyền, tư vấn… sức khỏe vị thành niên nhưng cũng do nguồn kinh phí eo hẹp nên không tổ chức được thường xuyên – Bà Đặng Thúy Lan, Trưởng phòng Truyền thông – Giáo dục, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho biết: Mỗi năm thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe vị thành niên đều phải lồng ghép vào các chương trình khác vì kinh phí cấp chỉ vẻn vẹn 10 triệu đồng/năm. Để vị thành niên có được kiến thức cơ bản để tự chăm sóc bản thân, trước hết, phải tuyên truyền, vận động các gia đình hỗ trợ vị thành niên. Cha mẹ vị thành niên cần có kỹ năng, hiểu biết để tế nhị trong việc chăm sóc con cái. Đồng thời, cung cấp cho vị thành niên những nhận thức đúng đắn về các nhu cầu trong giai đoạn phát triển giới tính bằng cách khuyến khích, động viên trẻ trao đổi với người lớn. Vị thành niên phải nói lên được những suy nghĩ của mình đối với các vấn đề khó nói, ngay cả lĩnh vực quan hệ tình dục trước hôn nhân. Gia đình cần hướng dẫn cho con an toàn và cách phòng tránh thai, nhiễm bệnh qua đường tình dục… Muốn làm được như vậy, đơn vị cần được cấp nguồn kinh phí đảm bảo cho hoạt động này hiệu quả. 

Để cải thiện tình trạng sức khỏe của vị thành niên, các em có kiến thức, hiểu biết về chăm sóc sức khỏe sinh sản, cần sự quan tâm đặc biệt của các cấp, ban, ngành và chung tay góp sức của gia đình, nhà trường và xã hội./.

 

Kiên Cường

.