Hướng tới không còn trẻ em nhiễm HIV từ mẹ

Thứ Ba, 01/07/2014, 16:36 [GMT+7]

Điện Biên TV - Trao đổi với chúng tôi, bà Lò Thị Tố Loan, Trưởng khoa Chăm sóc điều trị và Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: Trong những năm qua, trung tâm đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất các bà mẹ mang thai nhiễm HIV cho trẻ nên năm 2013, chỉ có 2 trẻ nơi khác chuyển đến là nhiễm HIV từ mẹ.

Để hướng tới không còn trẻ em nhiễm HIV từ mẹ, trung tâm tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông về lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ, cung cấp địa chỉ dịch vụ trên các phương tiện thông tin đại chúng để các bà mẹ mang thai được biết, đồng thời tuyên truyền sâu về lợi ích của việc sử dụng các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Bên cạnh đó, trung tâm tham mưu cho Sở Y tế cụ thể hoá và triển khai các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó chú trọng đến công tác: Vận động sự tham gia của chính quyền các cấp và các ban, ngành, đoàn thể... Trong tháng 6, hưởng ứng chủ đề “Hướng tới không còn trẻ em nhiễm HIV từ mẹ”, trung tâm đã phối kết hợp với nhiều cơ quan đơn vị tuyên truyền được 27 buổi tại cộng đồng (cơ quan, trường học, trại giam…) cho 1.659 lượt người nghe và in hàng nghìn tạp chí, tờ rơi, sách… cung cấp cho các đối tượng có nguy cơ nhiễm HIV cao. Trung tâm luôn phối hợp chặt chẽ với trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố động viên tinh thần các bà mẹ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV, để được cung cấp các dịch vụ chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

cs
Các thành viên Nhóm nòng cốt xã Thanh Chăn tới từng hộ gia đình thực hiện tuyên truyền phòng chống ma túy, HIV/AIDS

Các hoạt động chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được trung tâm lồng ghép với các chương trình phòng chống HIV/AIDS, chăm sóc sức khoẻ sinh sản; dinh dưỡng, chẩn đoán, điều trị các nhiễm khuẫn lây truyền qua đường tình dục. Nhằm giảm khả năng lây truyền HIV từ mẹ sang con, chương trình can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được trung tâm thực hiện bao gồm các dịch vụ: Tư vấn, xét nghiệm cho bà mẹ mang thai, thuốc điều trị dự phòng và cung cấp sữa cho trẻ để thay thế sữa mẹ; chăm sóc, xét nghiệm và theo dõi điều trị cho trẻ sau khi sinh đến 18 tháng tuổi. Mặt khác, cán bộ trung tâm thường xuyên đến các gia đình bà mẹ mang thai nhiễm HIV tư vấn việc áp dụng các biện pháp can thiệp trước, trong và sau sinh; sinh con an toàn, hướng dẫn về những nguy cơ lây nhiễm HIV khi cho trẻ bú, khi vệ sinh và chăm sóc trẻ. Hiện nay, trung tâm đang điều trị cho 216 bà mẹ nhiễm HIV, 100% không bị nhiễm sang con. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm, trung tâm đã phát hiện 18 trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm HIV và tư vấn, điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV nhiễm HIV thành công 15 trường hợp (3 trường hợp do nơi khác chuyển đến).

Dù đạt được nhiều kết quả nhưng trong thời gian qua tỷ lệ phụ nữ mang thai đến xét nghiệm còn ít. Từ đầu năm đến nay, các cơ sở y tế trong tỉnh mới chỉ xét nghiệm HIV được 2.965/6.984 bà mẹ mang thai - theo bà Loan: Bởi kết quả xét nghiệm đạt thấp là do nhiều phụ nữ vùng sâu, vùng xa điều kiện đi lại khó khăn, nhà nghèo và thường ngại đi xa vì muốn xét nghiệm mà phải đến Trung tâm Y tế huyện, thị, thành phố. Một phần là nhận thức của bà mẹ mang thai còn nhiều hạn chế, chưa hiểu tầm quan trọng của việc xét nghiệm HIV khi mang thai và sự quan tâm của gia đình, cộng đồng...

Để hạn chế thấp nhất và dần không còn trẻ nhiễm HIV từ mẹ rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các chính quyền cơ sở, cấp, ban, ngành, sự chung tay góp sức của cộng đồng, gia đình, xã hội… tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, nhất là phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa./.

 

Phạm Hoàng
 

.