Giảm thiểu tình trạng lây truyền HIV từ mẹ sang con nhờ phương pháp điều trị 2.0

Thứ Năm, 10/07/2014, 16:24 [GMT+7]

Điện Biên TV - Ở nước ta mỗi năm có hàng nghìn trẻ sinh ra có phơi nhiễm HIV. Nguyên nhân là do bà mẹ mang thai có nhiễm “H” được phát hiện muộn và không được điều trị. Từ năm 2011, phương pháp điều trị HIV 2.0 đã được thực hiện thí điểm tại Việt Nam. Phương pháp này được đánh giá là đem lại nhiều lợi ích cho người nhiễm “H”, đặc biệt là giúp phát hiện sớm các trường hợp phụ nữ mang thai có nhiễm “H” để kịp thời điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Ghi nhận của phóng viên tại huyện Mường Ảng – một trong 7 quận, huyện trong cả nước được triển khai thí điểm mô hình điều trị HIV 2.0.

x
Từ tháng 9 năm 2012, huyện Mường Ảng đã thực hiện thí điểm phương pháp điều trị HIV 2.0 tại 3 xã: Ảng Nưa, Ảng Cang và Mường Đăng.

Từ năm 2007 trở về đây, các xã của huyện Mường Ảng đã phát hiện nhiều trường hợp trẻ nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ. Mặc dù trẻ em nhiễm “H” vẫn luôn là đối tượng được xã hội quan tâm, đảm bảo mọi quyền lợi như những trẻ em bình thường khác nhưng đây vẫn là nỗi đau của nhiều gia đình và của chính bản thân các em.

Vào những năm 2000-2007, là thời điểm đại dịch HIV/AIDS ở khu vực Mường Ảng bùng phát. Do hiểu biết và ý thức phòng chống HIV/AIDS của người dân vào thời điểm này còn chưa cao nên căn bệnh thế kỷ này càng có thêm cơ hội lây truyền rộng. Tình trạng lây truyền HIV/AIDS khó kiểm soát là do tỷ lệ sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục thấp, việc sử dụng chung bơm kim tiêm của những người nghiện chích ma túy còn phổ biến; vợ chồng, bạn tình không biết tình trạng HIV của nhau, nên không thực hiện các biện pháp dự phòng lây nhiễm. Tình trạng trên dẫn đến nhiều trường hợp phụ nữ bị nhiễm HIV mang thai, khi đến các cơ sở y tế sinh con mới phát hiện bệnh. Có nhiều trẻ được phát hiện bệnh rất muộn, đó là sau khi bệnh tình của bố mẹ các em được phát hiện, nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Phát hiện HIV muộn, chính là nguyên nhân khiến cơ hội sống của người bệnh giảm đi. Từ tháng 9 năm 2012, huyện Mường Ảng đã thực hiện thí điểm phương pháp điều trị HIV 2.0 tại 3 xã: Ảng Nưa, Ảng Cang và Mường Đăng. Qua gần 2 năm thực hiện, mô hình đã cho thấy phát hiện HIV và điều trị ARV sớm tăng thêm cơ hội sống cho người nhiễm “H”. Đặc biệt, phát hiện HIV sớm ở phụ nữ mang thai, có thể giúp điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đạt kết quả tốt.

Từ khi triển khai mô hình điều trị HIV 2.0, rất nhiều cặp vợ chồng, bạn tình có nguy cơ cao đã chủ động tìm đến Trạm Y tế xã Ảng Cang yêu cầu được giúp đỡ. Vợ chồng chị Lường Thị L, xã Ảng Cang được phát hiện dương tính với HIV sau khi người chồng có biểu hiện ốm đau liên miên, chồng chị L được cán bộ của trạm y tế xã tư vấn và thử test nhanh. Ngay sau đó, người vợ cũng được chẩn đoán nhanh bằng phương pháp thử test. Nhận được kết quả dương tính, họ đã được những người thực hiện mô hình 2.0 của Trạm Y tế xã Ảng Cang kết nối với điểm điều trị và tiếp tục được lấy mẫu máu xét nghiệm tại Trung tâm Y tế huyện.

csx csx
Thông qua mô hình điều trị HIV 2.0 đã và đang mang đến cơ hội sống cao hơn cho những người nhiễm HIV ở Mường Ảng

Điểm mới của mô hình điều trị 2.0 là phân cấp điều trị cho người bệnh tới y tế cơ sở và lồng ghép với hệ thống y tế hiện hành. Điều này, giúp bệnh nhân giảm chi phí đi lại và tiết kiệm được nguồn nhân lực trong điều trị phòng chống HIV/AIDS. Thực hiện mô hình này, 100% số thai phụ được quản lý sẽ được theo dõi, xét nghiệm trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Mô hình điều trị HIV 2.0 thực hiện ở cơ sở mang lại hiệu quả cao, bởi mô hình có thể lồng ghép dễ dàng với các chương trình khác do hệ thống y tế cơ sở thực hiện, như: Chương trình quản lý thai nghén của trạm y tế các xã, chương trình giám sát dịch HIV/AIDS và can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm…

Ngay khi tìm đến trạm y tế xã, những đối tượng có nguy cơ cao sẽ được tư vấn và được chẩn đoán HIV bằng các test nhanh. Nếu kết quả chẩn đoán là dương tính, bệnh nhân sẽ được chuyển lên trung tâm y tế huyện để xét nghiệm lại, đồng thời người bệnh cũng sẽ được kết nối với cơ sở điều trị để đăng ký quản lý và cung cấp các dịch vụ có liên quan, tránh mất dấu bệnh nhân. Đối với những người sử dụng ma túy có nhiễm “H”, người bệnh còn được hỗ trợ tham gia các dịch vụ kết nối chăm sóc điều trị ARV với điều trị bằng Methadone, trao đổi bơm kim tiêm, cấp phát bao cao su. Từ khi thực hiện mô hình 2.0 đến nay, Trạm Y tế xã Ảng Cang đã xét nghiệm chẩn đoán cho trên 950 trường hợp, trong đó phát hiện 26 trường hợp dương tính với HIV. Đã có những em bé khỏe mạnh được sinh ra từ bà mẹ nhiễm “H”.

Em Lò Thị I ở xã Ảng Cang đã được 4 tháng tuổi. Mẹ của em được phát hiện dương tính với HIV khi mới thai nghén được vài tuần tuổi. Sau khi phát hiện HIV, cả bố và mẹ của em đều được đăng ký điều trị theo mô hình 2.0. Qua theo dõi xét nghiệm, hiện nay bé hoàn toàn âm tính với “H”. Bởi không thể bú sữa mẹ nên hiện nay bé cũng được dự án 2.0 hỗ trợ sữa hoàn toàn trong 6 tháng đầu.

Do được phân cấp tới hệ thống y tế cơ sở nên mô hình điều trị HIV 2.0 đã phát huy rất tốt hiệu quả việc quản lý và điều trị đối với các bệnh nhân nhiễm “H”, đặc biệt là đối với trường hợp bà mẹ mang thai có “H”. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới WHO, điều trị sớm ARV cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV và cho trẻ ăn sữa thay thế sữa mẹ, có thể khống chế tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2%.

Chương trình điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trên toàn quốc được thực hiện từ năm 2005. Nay, với mô hình thí điểm điều trị HIV phương pháp 2.0, bệnh nhân có thể được điều trị sớm hơn và số lượng thuốc, cũng như lần uống thuốc được giảm đi đáng kể. Bác sỹ Nguyễn Hoàng Anh, Trung tâm Y tế huyện Mường Ảng cho biết: Tất cả các phụ nữ có thai khi được thử test nhanh mà dương tính với HIV thì phòng khám ngoại trú OPC đã đưa vào điều trị 3 thuốc luôn rồi, đến khi có kết quả trả lời khẳng định nếu là dương tính thì phòng khám sẽ tiếp tục điều trị. Khi các bà mẹ mang thai được điều trị tại đây, phòng khám sẽ hướng dẫn thai phụ khi sinh đẻ phải về Trung tâm Y tế huyện và được uống thuốc cả mẹ, cả con ngay từ đầu. Từ ngày các bà mẹ tham gia uống thuốc ở đây, thì xét nghiệm lại chưa có trẻ nào sinh ra dương tính với HIV.

Mô hình điều trị HIV phương pháp 2.0, tăng cường phát hiện sớm các trường hợp nhiễm “H” và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con, đã và đang mang đến cơ hội sống cao hơn cho những người nhiễm “H” ở huyện Mường Ảng nói riêng và các địa phương triển khai mô hình nói chung. Phương pháp này, đồng thời cũng làm giảm đáng kể nguy cơ lây truyền HIV cho trẻ em, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam với Đại hội đồng Liên Hợp Quốc: Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2015./.

 

Minh Giang – Anh Tuấn

.