Đến năm 2025 xóa bỏ "Nạn đói" trên địa bàn tỉnh Điện Biên

Thứ Năm, 05/12/2019, 09:34 [GMT+7]

Điện Biên TV - Thực hiện đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm, đáp ứng đủ dinh dưỡng cho người dân nhằm nâng cao thể trạng, trí tuệ, tầm vóc con người Việt Nam nói chung và Điện Biên nói riêng, đó là mục tiêu chung của Kế hoạch số 2878/KH-UBND ban hành ngày 02/10/2019 về Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” trên địa bàn tỉnh Điện Biên đến năm 2025.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn còn hơn 12.ngàn hộ với gần 60 ngàn nhân khẩu thiếu đói xảy ra khi giáp vụ
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn còn hơn 12 ngàn hộ với gần 60 ngàn nhân khẩu bị thiếu đói xảy ra khi giáp vụ

Kế hoạch cũng xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là cơ bản các hộ có đủ lương thực, thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng quanh năm với các chỉ tiêu như: Giảm tỷ lệ hộ gia đình có mức năng lượng ăn vào bình quân đầu người dưới 1.800 Kcal dưới 5%; tăng mức tiêu thụ rau, củ, quả trung bình đầu người lên 400 g/ngày; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 02 tuổi xuống dưới 20%.

Phấn đấu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng gầy còm ở trẻ em dưới 02 tuổi xuống dưới 7%; giảm tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (<2.500 gam) xuống dưới 6%; tăng cường liên kết và tiêu thụ sản phẩm, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản được sản xuất dưới các hình thức Hợp tác xã và liên kết đạt trên 20%; các hộ nông dân sản xuất nhỏ tham gia chương trình có tăng năng suất cây trồng, vật nuôi và tăng thu nhập 10%; phấn đấu không còn thất thoát hoặc lãng phí lương thực, thực phẩm.

Kế hoạch sẽ tập trung thực hiện ở các nội dung: Cơ bản các hộ có đủ lương thực, thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng hợp lý quanh năm; giảm suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 02 tuổi ở mức thấp; phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững; phần lớn các hộ nông dân sản xuất nhỏ tăng năng suất và thu nhập; phấn đấu không còn thất thoát hoặc lãng phí lương thực, thực phẩm.

Để Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” trên địa bàn tỉnh Điện Biên đến năm 2025 phát huy hiệu quả, UBND tỉnh yêu cầu các các cấp, ngành, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân, các cấp chính quyền và toàn xã hội hiểu được ý nghĩa đây là chương trình giảm nghèo bền vững; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn về phương pháp, cách làm, đặc biệt với các hộ gia đình là chủ thể thực hiện Chương trình, nhằm tổ chức triển khai hiệu quả./.

 

 

Hương Trà/DIENBIENTV.VN

.