Nhiều bất cập trong công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi

Thứ Sáu, 17/05/2019, 15:04 [GMT+7]

Điện Biên TV - Bệnh dịch tả lợn Châu Phi vẫn đang diễn biến rất phức tạp, số thôn bản, xã phát dịch và số lợn mắc bệnh chết phải tiêu hủy vẫn tiếp tục tăng. Trong khi đó, công tác phòng chống dịch thời gian vừa qua còn nhiều bất cập. Làm sao để hạn chế quy mô lây truyền, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi, có giải pháp để tái đàn sau này và đảm bảo nguồn cung, tiêu thụ thịt lợn đang là vấn đề được đặt ra.

Nguyên nhân phát sinh dịch

Hiện nay, tổng đàn lợn toàn tỉnh là 402.333 con, trong đó lợn thịt 330.263 con (chiếm 82,08%), lợn nái 68.200 con, lợn đực giống 3.870 con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 11.790 tấn. Toàn tỉnh có 13 trang trại chăn nuôi lợn quy mô đàn lợn có từ 100 - 3.000 con với số lượng 7.920 con; khoảng 65.324 hộ chăn nuôi lợn quy mô nông hộ nhỏ lẻ với số đầu lợn 394.413 con.

Đến thời điểm hiện tại, dịch đã có ở 7/10 huyện, thành phố (chiếm 70% số huyện trong tỉnh); 56 xã/130 xã, phường (chiếm 43,07% số xã trong tỉnh); 287 thôn bản/1.813 thôn, bản (chiếm 15,83 % số thôn bản ). Tổng số lợn đã tiêu hủy là 4.585 con, trọng lượng 169.130 kg.

Mặc dù số lợn mắc bệnh, chết được tiêu hủy mới chiếm 1,13% tổng đàn lợn cả tỉnh nhưng hiện lợn mắc bệnh, chết phải tiêu hủy đang có chiều hướng tăng dần và đặc biệt, dịch đã xuất hiện ở một số hộ chăn nuôi lợn có số lượng lớn với độ an toàn sinh học cao hơn và đã thực hiện quy trình phòng dịch nghiêm ngặt.

Nếu như trong số 7 huyện, thành phố có dịch tả lợn Châu Phi thì có 5 huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng, Mường Chà, Điện Biên Đông có số lợn tiêu hủy ít; còn huyện phát dịch sau như: Điện Biên, Tủa Chùa và Thành phố Điện Biên Phủ có số lợn phải tiêu hủy tăng nhanh hơn. Thành phố Điện Biên Phủ dịch bệnh đã xuất hiện tại trại chăn nuôi lợn lớn có tổng đàn gần 500 con.

s
Việc tiêu hủy toàn bộ lợn của hộ chăn nuôi có lợn mắc bệnh gây thiệt hại lớn về mặt kinh tế, khó khăn trong việc bố trí địa điểm tiêu hủy tại khu vực đông dân cư như: Khu vực lòng chảo huyện Điện Biên, TP.Điện Biên Phủ.

 

Nguyên nhân phát dịch là do tập quán chăn nuôi lợn thả rông của nhiều thôn bản vùng cao; không kiểm soát được người và động vật ra vào vùng có dịch, nhất là các lực lượng buôn bán nhỏ đi lại các thôn bản thu mua lợn và các loại gia súc, gia cầm, người bán dạo thịt lợn; một số hộ chăn nuôi giết mổ lợn ăn và chia cho họ hàng cùng ăn thịt lợn nhiễm bệnh mà không báo cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y.

Mặt khác, bệnh phát sinh và lây lan không theo quy luật, các huyện có dịch đều khởi phát dịch đầu tiên từ khu vực vùng sâu, vùng xa sau đó "nhảy cóc" ra các địa phương mà không lan tỏa như các dịch bệnh khác.

Còn nhiều khó khăn và bất cập

Bệnh dịch tả lợn Châu Phi lần đầu tiên xuất hiện, đối với phần lớn người chăn nuôi địa phương nhất là ở vùng sâu, vùng xa việc gia súc nói chung, lợn nói riêng khi mắc bệnh, ốm thường coi đó là việc bình thường, ban đầu khi có vài trường hợp lợn ốm không báo chính quyền địa phương mà tự ý giết mổ tiêu thụ, từ đó làm lây lan dịch bệnh.

Việc tiêu hủy toàn bộ lợn của hộ chăn nuôi có lợn mắc bệnh gây thiệt hại lớn về mặt kinh tế, khó khăn trong việc bố trí địa điểm tiêu hủy tại khu vực đông dân cư như: Khu vực lòng chảo huyện Điện Biên, TP.Điện Biên Phủ.

Do dịch bệnh diễn biến nhanh, phức tạp nên việc xác định ranh giới các vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm để thực hiện phun phòng theo tần suất được hướng dẫn là bất cập, tức là hôm nay thôn bản này được xác định là vùng dịch uy hiếp, thực hiện phun phòng theo tần suất phun phòng của vùng uy hiếp, được một tuần sau, thậm chí vài ngày dịch đến, lại là vùng dịch. Mặt khác, dịch lây lan "nhảy cóc" không theo quy luật là lây dần từ trong ra ngoài; thời gian từ ổ dịch đầu tiên đến khi lây sang hộ tiếp theo rất dài khó đoán định.

Việc cho phép giết mổ lợn lợn khỏe mạnh trong vùng có dịch phải có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi giết mổ rất khó thực hiện tại khu vực chăn nuôi nhỏ lẻ. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh có 225 cơ sở giết mổ lợn nhỏ lẻ tại hộ gia đình, chưa có lò mổ tập trung, các cơ sở nằm rải rác trên địa bàn, xen kẽ trong khu dân cư, với địa hình phức tạp khó khăn, do vậy việc kiểm soát còn hạn chế, nhất là 60% lợn giết mổ là lợn thịt nhập từ các tỉnh khác...

Ông Đỗ Thái Mỹ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: "Với hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ ở địa phương và vệ sinh dịch bệnh còn thấp, tôi đánh giá nguy cơ dịch bệnh sẽ tiếp tục lây lan, nhất là khu vực lòng chảo huyện Điện Biên và TP. Điện Biên Phủ với mật độ chăn nuôi dày đặc; bên cạnh đó một số thôn, bản vẫn chăn nuôi lợn thả rông nên mầm bệnh khó bị tiêu diệt tuyệt đối."

Triển khai nhiều biện pháp cấp bách

Tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo UBND 7 huyện, thành phố có dịch tả lợn Châu Phi lập các chốt kiểm soát tại vùng dịch, trên các trục đường giao thông; tổ chức tiêu hủy lợn mắc bệnh, lợn chết, phun hóa chất sát trùng môi trường chăn nuôi và tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn tích cực về phòng chống dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn; 3 huyện, thị xã chưa có dịch cũng triển khai các biện pháp phòng dịch chủ động, trong đó lập các chốt kiểm soát vận chuyển động vật tạm thời vào địa bàn; đồng thời thông tin tuyên truyền để người chăn nuôi chủ động ứng phó với dịch bệnh. Vì vậy, đến thời điểm hiện tại ở 7 huyện, thành phố có dịch thì đã có 16 xã trên 10 ngày, 4 xã qua 30 ngày không có phát sinh lợn mắc bệnh phải tiêu hủy./.

 

 

 

Diệp Xuân/DIENBIENTV.VN

.