Gặp người Tiểu đội trưởng tham gia trận trên đánh đồi A1.

Thứ Hai, 24/04/2017, 16:08 [GMT+7]

Điện Biên TV - Hòa cùng niềm vui chung, hướng về kỷ niệm 63 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ ( 7/5/1954 -7/5/2017), "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Tôi có dịp tới thăm Cựu chiến binh Điện Biên Phủ - ông Phạm Bá Miều, người Tiểu đội trưởng năm xưa, tham gia trận đánh trên đồi A1 - Một trong những trận đánh ác liệt nhất của chiến dịch Điện Biên Phủ -  “A1 - bùn, máu và hoa”.  
      
 Tuổi trẻ anh hăng hái xung phong.

1
ông Phạm Bá Miều,

Bên chén chè Thái Nguyên thơm phức, ngược dòng thời gian ông chậm rãi kể: Đầu năm 1949, giặc Pháp tràn vào làng chúng cướp bóc, bắn phá, giết người, đốt hết nhà cửa. Cuối năm 1949, với lòng căm thù giặc sâu sắc, chàng thanh niên quê lúa Thái Hòa, Thái Thuy, Thái Bình xung phong lên đường nhập ngũ ở Sư đoàn 312 khi vừa tròn 19 tuổi. Cùng đồng đội, dấu chân anh trải khắp dải đất Cao Bằng - Bắc Cạn  - Lạng Sơn, đến 1952 sang Thượng Lào, Hạ Lào, sau trở về giải phóng Lai Châu tháng 10/ 1953. Đến tháng 3/1954, anh được cấp trên điều về Đại đội 76, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với chức vụ Tiểu đội trưởng.

Ngày đó, từ chỗ đơn vị ông đóng quân nhìn xuống, vùng lòng chảo Điện Biên rộng lắm. Cứ điểm quân sự Điện Biên Phủ được quân Pháp bố trí công sự, hệ thống giao thông hào kiên cố với xe tăng, máy bay rất hiện đại. Ông cho biết: Lúc bấy giờ, bộ đội mình phần lớn chỉ có vũ khí thô sơ, trong khi địch được trang bị toàn những vũ khí tối tân, hiện đại.

Sau nhiều ngày quan sát thực tế, chúng tôi nhận định, đánh trận này sẽ rất khó khăn. Sau vài trận đánh ác liệt, bộ đội ta vẫn không thể nào xuyên thủng được hàng phòng thủ của địch. Trong khi đó, quân Pháp thì liên tục  tăng cường lực lượng xuống Điện Biên Phủ, tuyến phòng ngự của chúng ngày càng kiên cố. Từ phương châm "Đánh nhanh, thắng nhanh", Đại tướng Võ Nguyên Giáp   quyết định thay đổi sang phương châm tác chiến “Đánh chắc, tiến chắc”, phân bố lực lượng, bao vây, cắt đứt liên lạc giữa các cứ điểm của địch và tiêu diệt từng cứ điểm một...

Bấy giờ, Trung đoàn 174 mà ông là một Tiểu đội trưởng  được giao nhiệm vụ đánh chiếm đồi A1. Đồi A1 lúc bấy giờ có tất cả 4 hướng lên, quân Pháp bố trí vô cùng chặt chẽ và bố trí hết sức kiên cố. Phía dưới chân đồi là tầng tầng, lớp lớp hàng rào dây thép gai dày 4m, cao đến trên 1m, có hai xe tăng bảo vệ. Phía trên đồi, cứ 20m, quân Pháp đặt một lô cốt kiên cố, trên mỗi lô cốt có hai khẩu đại liên “chéo cánh sẻ” đua nhau bắn phá. Ông Miều nhớ lại: “Ở dưới đất thì có xe tăng quần, trên trời 4 - 5 chiếc máy bay thi nhau ném bom, nã đạn, có nhiều lúc chúng tôi đánh chiếm được nửa quả đồi nhưng lại bị nó đánh bật ra. Hai bên cứ giành giật nhau từng tức đất, từng đoạn giao thông hào ở trên đồi A1 như thế”.

Ông kể: Tiểu đội do ông làm Tiểu đội trưởng kết hợp với Đại đội công binh đào đường hầm ngầm từ chân đồi vào Sở chỉ huy của địch để đặt khối bộc phá. Lúc đó là khoảng tháng 4/1954, Điện Biên đang là mùa mưa, mưa tầm tã suốt mấy ngày liền, nhưng với quyết tâm và niềm tin rằng: Bộc phá là chìa khóa để tiêu diệt cứ điểm Đồi A1. Thế nên, hàng trăm chiến sĩ trong Đại đội thay nhau đào hầm ngầm.  Đất ở Đồi A1 rất cứng, dụng cụ chỉ có cuốc chim và xẻng gấp thô sơ nên tiến độ bị chậm. Phải mất 13 ngày, chúng tôi mới hoàn thành đường hầm ngầm để đặt khối bộc phá nặng khoàng gần một tấn.

Trong quá trình đào hầm, nhiều chiến sỹ đã hy sinh vì bị ngạt. Đêm 6/5/1954, chúng tôi được lệnh kích nổ khối bộc phá, tiêu diệt gần một đại đội của địch. Trước tiếng hô xung kích dậy đất của quân ta, số quân địch còn lại hết sức choáng váng, chống cự yếu ớt. Thừa thắng xốc tới, Trung đoàn 174 đánh chiếm toàn bộ cứ điểm A1 chỉ trong vài tiếng đồng hồ. Tiếng nổ của khối bộc phá là hiệu lệnh tổng công kích đợt cuối cùng của Chiến dịch Điện Biên Phủ”.

Sau giải phóng Điện Biên, ông xây dựng gia đình và cùng một số đồng chí, đồng đội ở lại Điện Biên để phát triển kinh tế. Năm 1960, nghe theo lời kêu gọi của Đảng, ông cùng gia đình lên huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu) vừa phát triển kinh tế và xây dựng hệ thống chính trị. Thời điểm đó ông công tác ở Ủy ban Kiểm tra huyện ủy Mường Tè. Ông kể: Lúc bấy giờ, Mường Tè vô cùng gian khó, nổi tiếng rừng hoang núi thẳm, đi bộ vào huyện hàng chục ngày đường, từ huyện đi xã phải hàng tuần đi bộ...

Tuổi cao ông nêu gương sáng "Bộ đội Cụ Hồ".

Công tác ở Mường Tè, đến năm 1981 được nghỉ hưu, ông cùng gia đình về sinh sống tại Tổ dân phố 17, phường Tân Thanh, TP Điện Biên Phủ. Vẫn chất lính Điện Biên năm xưa, ông hăng hái tham gia đảm nhiệm: Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường, Phó Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố; nay ở tuổi 87 ông vẫn tham gia làm Chi hội trưởng Chữ Thập đỏ Tổ dân phố... ở cương vị nào, ông cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tỏa sáng truyền thống, phẩm chất " Bộ đội Cụ Hồ", được đồng đội và bà con tin yêu.

Dừng lại hồi lâu, ông chậm rãi: 63 năm đã trôi qua, nhưng những ngày chiến đấu đầy gian khổ, ác liệt giữa ta với địch giành giật từng đoạn giao thông hào trên Đồi A 1; cùng với đó Tiểu đội do ông phụ trách có 13 chiến sỹ, sau hai lần chiến đấu  hy sinh chỉ còn 6 người... Đến hôm nay hình ảnh các chiến sỹ trong Tiểu đội như vẫn còn vẹn nguyên trong ông.../.
                                                           

 

CTV - Đỗ Quang Khải.
 

.