Đổi thay trên vùng đất khó

Chủ Nhật, 18/11/2018, 15:23 [GMT+7]
Điện Biên TV - Sống trên khu vực vùng núi đá vôi có độ dốc lớn, khan hiếm mạch nước ngầm. Tuy nhiên, bà con nông dân xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo luôn tích cực, chủ động tìm tòi, đưa các loại cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương để phát triển sản xuất. Nhờ sự cần cù lao động, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thu nhập của người dân nơi đây được nâng lên từng ngày.

Xã Pú Nhung hiện có gần 780 hộ dân sinh sống ở 10 bản, đa phần là người Mông. Từ bao đời nay, người dân Pú Nhung sống trên khu vực vùng núi đá vôi có độ dốc lớn, khan hiếm mạch nước ngầm, mùa khô kéo dài, còn mùa mưa nguy cơ lũ lụt thường xuyên đe dọa không mấy thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.
1
Một góc xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo nhìn từ trên cao
 
Ðể ổn định cuộc sống, người dân Pú Nhung chỉ có thể dựa vào trồng trọt và chăn nuôi gia súc trên núi cao. Toàn xã có 10ha lúa nước nhưng chủ yếu trồng vào vụ hè thu, còn vụ đông xuân chỉ có 1ha có thể canh tác được. Do đó, người dân nơi đây chủ yếu trồng các loại cây chịu được hạn như: Ngô, sắn, lúa nương…
 
Cùng với đó, đường giao thông chính vào xã nhiều năm chưa được nâng cấp, sửa chữa nên khó khăn cho việc đi lại, giao thương của người dân. Ðứng trước những khó khăn, thách thức đó, cấp ủy, chính quyền xã Pú Nhung định hướng, chỉ đạo người dân tích cực, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương vào phát triển.
 
Ngoài duy trì trồng lúa để đảm bảo lương thực, trồng ngô, sắn, lạc, đậu tương để chăn nuôi gia súc và làm hàng hóa bán ra thị trường; người dân Pú Nhung tìm các loại cây có giá trị cao như mía, dứa và một số cây khác như cà phê, sa nhân về trồng ở vùng đất này.
 
Bước đầu cho thấy, một số loại cây khá phù hợp với thổ nhưỡng, sinh trưởng và phát triển tốt ở nơi đây. Ðơn cử như cây mía, vốn là loại cây công nghiệp khoẻ, dễ tính, không kén đất, có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau, thích hợp với loại đất có độ dốc vừa phải, thoát nước tốt lại không tốn nhiều công chăm sóc.
 
Một số hộ trồng mía cho biết: loại cây này cho thu nhập ổn định. Nếu trồng 1ha mía cho thu nhập từ 40 - 45 triệu đồng. Chính vì vậy, chỉ trong vòng vài năm gần đây, nhiều hộ trong xã đã phát triển diện tích trồng mía tím từ vài ha đã tăng lên 50ha . Tương tự như vậy, cây sa nhân vốn mọc hoang nên không cần chăm sóc nhiều, lại giúp người dân tận dụng được những khoảng đất trống dưới tán rừng để tăng thu nhập.
 
Hơn nữa, quả sa nhân có giá bán tương đối cao, 500 - 600 nghìn đồng/kg, hứa hẹn sẽ là cây xóa đói giảm nghèo cho người dân Pú Nhung. Ngoài ra, xã Pú Nhung còn duy trì 45ha cây dứa, hơn 16ha cà phê… đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân nơi đây.
1
Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thu nhập của người dân Pú Nhung được nâng lên từng ngày.

 

 
Bản Đề Chia A - nơi đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng hàng hóa. Chứng kiến những cánh đồng ngô, mía sạch cỏ, xanh ngút ngàn mới thấy sự cần cù, chịu thương chịu khó cũng như tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của người dân nơi đây. Nếu như những năm 2000 trở về trước hầu như các gia đình trong bản đều thuộc hộ nghèo thì giờ đây đời sống người dân đã được cải thiện hơn rất nhiều. Thấp thoáng dưới những tán rừng, vườn cây là những ngôi nhà mái lợp mái tôn chắc chắn. Hộ nào cũng có xe máy, ti vi, trẻ con được đến trường đúng độ tuổi.

 
Đến thăm gia đình bà Vàng Thị Máy, một trong những hộ đi đầu chuyển đổi cây trồng vật nuôi. Bà Máy cho biết: Những năm trước đây điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nuôi được con lợn, con gà, trồng được ít ngô, ít thóc muốn bán đều phải gùi ra tận chợ huyện vì giao thông cách trở, tư thương không vào bản. Nhưng gần chục năm trở lại đây có điện thắp sáng, bà con được tiếp cận thông tin khoa học kỹ thuật, biết áp dụng các giống cây, con mới mang lại hiệu quả kinh tế cao thông qua các phương tiện thông tin truyền thông; đường ô tô vào trung tâm xã, thương lái vào tận nương, bản thu mua nông sản.
 
Gia đình bà trước kia chăm chỉ lao động sản xuất cũng chỉ đủ ăn, nhưng từ năm 2014 trở lại đây chuyển toàn bộ diện tích đất trồng ngô năng suất thấp sang trồng mía và trồng dứa đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2 - 3 lần trồng ngô. Hiện nay, ngoài trồng 4 vạn gốc dứa, gia đình còn kết hợp chăn nuôi gà thả vườn và vịt trời tạo nguồn thu ổn định trên 80 triệu đồng/năm. Thấy hiệu quả kinh tế cao nhiều người trong bản làm theo, hiện cả bản có khoảng hơn 30ha dứa.
 
Nhờ sự cần cù lao động, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thu nhập của người dân Pú Nhung được nâng lên từng ngày. Nhiều hộ gia đình vươn lên trong sản xuất, có mức thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/năm. Nhưng xét về mặt bằng chung, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của xã vẫn còn ở mức cao, 54%. Vì vậy, công tác xóa đói giảm nghèo vẫn là nhiệm vụ trọng tâm đặt ra đối với Ðảng bộ, chính quyền xã Pú Nhung trong thời gian tới.
 
Để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này, toàn xã duy trì phát triển ổn định sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản để bảo đảm lương thực, thực phẩm tại chỗ, từng bước ổn định và cải thiện đời sống người dân; đồng thời tập trung chỉ đạo phát triển các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất có hiệu quả.
 
Từ thực tiễn ấy, những năm qua, Đảng bộ xã đã xây dựng các nghị quyết, chương trình hành động hướng tới chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; khuyến khích xây dựng và nhân rộng mô hình điển hình trong sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp trên cơ sở tuyên truyền sâu rộng ý nghĩa, tầm quan trọng của các nghị quyết, chương trình Đảng và Nhà nước tới Nhân dân.
 
Cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở luôn chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chương trình. Đến nay, Pú Nhung đã có hơn 10ha lúa mùa, năng suất đạt gần 50tạ/ha, hơn 150 ha lúa nương, năng suất 15 tạ/ha, gần 900 ha ngô, năng suất gần 30tạ/ha, 70 ha đậu tương, 40 ha lạc . Bên cạnh đó, người dân trên địa bàn còn trồng hơn 260 ha sắn, 20 ha dứa, hơn 16 ha cà phê, 25 ha mía… Chăn nuôi ở Pú Nhung có những kết quả nổi bật với tổng đàn gia súc đạt gần 4.800 con; tổng đàn gia cầm gần 12.200 con, hơn 20 ha nuôi trồng thủy sản.
1
Công tác giáo dục tại xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo được quan tâm
 
 
Hiện Pú Nhung có 3 cấp học là:  Trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào; hằng năm các trường luôn tập trung nâng cao chất lượng dạy và học, duy trì sĩ số học sinh; kết quả chuyển lớp, chuyển cấp đạt từ 98 đến 100%. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Mông nơi đây đã có những đổi thay đáng kể khi điện lưới thắp sáng về tận 10 bản, nhà nào cũng có tivi, loa đài để đáp ứng nhu cầu thông tin, giải trí.
 
Cuộc sống mới đã hiện diện tại mọi nẻo đường vào các thôn, bản xã Pú Nhung. Kinh tế phát triển cũng giúp bà con nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, mỗi gia đình đều có phương tiện nghe nhìn riêng; sinh hoạt cộng đồng thôn bản được thực hiện thường xuyên góp phần tăng cường khối đại đoàn kết; trẻ em được đến trường đầy đủ, dân trí không ngừng được nâng cao... Tin rằng với niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, nhà nước, những đổi thay sẽ không dừng ở đó mà đồng bào dân tộc xã Pú Nhung sẽ vượt qua mọi khó khăn tiếp tục giữ vững truyền thống trên quê hương cách mạng cùng nhau đoàn kết phát triển kinh tế, duy trì an ninh trật tự, xây dựng bản làng ấm no, hạnh phúc./.

 
 
 
Tuấn Trung/DIENBIENTV.VN
.