Vỡ mộng nơi đất khách

Thứ Ba, 06/09/2016, 17:08 [GMT+7]

Điện Biên TV - Không có bằng cấp, trình độ nhưng lại mong muốn một công việc tốt, thu nhập cao nên không ít người dân ở xã Nậm Tin (huyện Nậm Pồ) đã tìm đường vượt biên sang Trung Quốc làm thuê với giấc mơ đổi đời. Nhưng đổi đời đâu không thấy, chỉ thấy những ngày tháng sống vạ vật, vất vả nơi đất khách và ôm cay đắng trở về khi tiền đã mất, tật còn mang.

Câu chuyện buồn của những người dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm ăn trở về đã không còn xa lạ ở bản Vàng Lếch (xã Nậm Tin). Sau 4 tháng sang Trung Quốc để làm ăn, anh Vàng A Thu (SN 1982), bản Vàng Lếch đã trở về địa phương, nhưng anh vẫn chưa hết bàng hoàng về những gì đã xảy ra nơi đất khách. Trong ngôi nhà gỗ tuềnh toàng, ngoài chiếc ti vi thì chẳng có vật dụng gì đáng giá; hai đứa con nhỏ nheo nhóc quấn lấy người bố mới trở về sau chuyến xuất cảnh chui lủi sang Trung Quốc lao động. Ôm đứa con nhỏ trong lòng, anh Thu nghẹn ngào kể lại: Trước đó, 2 vợ chồng anh Thu không có nghề nghiệp, không vốn liếng làm ăn chỉ có mảnh nương nhỏ, nhưng do canh tác lâu năm mà không được cải tạo nên đất đã bạc màu, trồng ngô cho năng suất thấp, giờ thì bỏ hoang. Khó khăn chồng chất khó khăn khi 2 vợ chồng anh Thu đón 2 đứa con nhỏ chào đời, làm quần quật cả ngày mà chưa đủ nuôi thân, giờ thêm 2 đứa con nheo nhóc nên cuộc sống càng thêm vất vả. Đi làm thuê, làm mướn được đồng nào, vợ chồng dành hết chăm sóc cho 2 con. Năm 2012, căn nhà đã dột nát và xập xệ nên anh chị đã vay 20 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách huyện Nậm Pồ dựng lại căn nhà gỗ để có nơi trú mưa, tránh nắng. Số tiền vay sắp đến kỳ hạn phải trả nên khi có người rủ sang Trung Quốc làm thuê với mức thù lao cao, anh Thu không đắn đo và đã nhận lời.

Sự việc xảy ra cách đây hơn 4 tháng, khi có người quen ở tỉnh Lào Cai điện thoại nói rằng bên Trung Quốc đã có việc và cần người sang làm. Đang trong lúc cần tiền trả nợ, nghe được thông tin đó, anh Thu cùng 4 người nữa trong bản bàn tính kỹ lưỡng, rồi cùng trốn sang Trung Quốc làm thuê. Đến khu vực biên giới Việt – Trung tại tỉnh Lào Cai, kết hợp với một số người dân ở đây rủ nhau trốn theo đường mòn qua biên giới để chủ lao động người Trung Quốc đón về chỗ làm. Sang đến nơi, cả nhóm lao động được thuê làm các việc như: phát nương, đào hố, trồng cây, bón phân với mức thù lao 110NDT (tương đương với 380 nghìn đồng/ngày). Công việc vất vả, nặng nhọc, nhưng cả nhóm đều cố gắng làm từ sáng đến tối vì chủ hứa trả lương cao; còn nếu làm việc chăm chỉ từ nay đến cuối năm sẽ được thanh toán tiền công và hỗ trợ hết toàn bộ chi phí xe cộ. Như lời hứa, tháng đầu tiên, chủ lao động người Trung Quốc đối đãi rất tốt và trả tiền lương hậu hĩnh; nhưng lại không cho tiền ăn nên toàn bộ số tiền lương tháng đầu, mọi người đều sử dụng để mua vật dụng cá nhân, thực phẩm, đồ ăn… Càng về sau thì càng lộ rõ bản chất lừa đảo khi mọi người trong nhóm đòi tiền công thì chủ lao động đã không trả tiền như đã hứa, mà còn đánh đập để người làm thuê không chịu được đòn roi phải trốn về nước mà chẳng có đồng tiền công nào.

c
Anh Vàng A Thu (thứ 2 từ trái sang) kể lại quá trình xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động cho đồng chí Trưởng Công an xã Nậm Tin.


Trong uất ức, anh Thu nói: “Mong muốn kiếm việc làm lương cao để có tiền trả nợ ngân hàng nhưng lại bị lừa nên khi trở về, tôi không còn một đồng trong tay. Lúc đi mang theo gần 2 triệu đồng, đến khi trở về đến tỉnh Lào Cai, tôi không có tiền bắt xe về nhà, đành phải gọi người nhà mang tiền lên đón. Đã nợ càng thêm nợ, giờ thì tôi không dám sang đó làm ăn nữa”.

Cùng ở bản Vàng Lếch, ông Vàng A Sang không giấu được nỗi buồn khi kể về con trai của mình là Vàng A Giàng (SN 1992) cũng xuất cảnh chui sang Trung Quốc làm thuê và chung cảnh ngộ khi đi tay trắng, khi về trắng tay như anh Thu. Cũng bởi không có việc làm, trong khi đó phải nuôi 2 đứa con nhỏ nên gánh nặng gia đình đặt hết lên vai Giàng. Ruộng nương không có, để có tiền nuôi con, khi được một người quen rủ vượt qua biên giới Việt – Trung làm thuê cho một chủ lao động người Trung Quốc, Giàng đã nhanh chóng quyết định đi theo với giấc mộng đổi đời. Nghe lời dụ dỗ ngon ngọt của chủ lao động Trung Quốc, càng đi sâu vào nội địa Trung Quốc, tiền công càng cao nên Vàng đã tin và đi theo dù không biết địa chỉ rõ ràng, chỉ biết chỗ làm cách biên giới Việt – Trung khá xa. Đến đây, Vàng A Giàng cũng được thuê đào hố, trồng cây, bón phân với mức thù lao 110NDT/ngày. Với một người dân vùng dân tộc thiểu số như Giàng thì số tiền hơn 10 triệu đồng/tháng là một con số không hề nhỏ nên Giàng đã tin tưởng vào lời hứa của chủ lao động và chăm chỉ làm việc. Nhưng khi làm được mấy tháng, Giàng hỏi tiền công thì chủ lao động không trả mà còn dọa nạt, đánh đập. Nghĩ đến gia đình, Vàng A Giàng đành phải ngậm ngùi trở về nhà với tay trắng mà chẳng bao giờ dám nghĩ đến chuyện quay lại nữa.

Cuộc sống khó khăn, cái nghèo đeo đẳng không chỉ khiến những người dân bản Vàng Lếch mà còn nhiều người khác trên địa bàn xã Nậm Tin đi theo con đường “làm giàu” xuất cảnh chui sang Trung Quốc làm thuê. Anh Hờ A Vảng, Trưởng Công an xã Nậm Tin cho biết: Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, toàn xã có hơn 270 người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê; chủ yếu ở các bản: Huổi Đắp (127 người), Nậm Tin 3 (trên 40 người), Nậm Tin 1 (36 người)…

Nguyên nhân chủ yếu do người dân không có công ăn việc làm ổn định, đời sống còn nhiều khó khăn, vất vả; trình độ dân trí còn hạn chế nên dễ bị kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ. Khi được kẻ khác xúi giục, lôi kéo thì họ xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê với hy vọng kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Có người sang đó lao động một năm mới trở về địa phương, còn có người lại đi đi về về như cơm bữa. Tuy nhiên, không phải cứ xuất cảnh lao động trái phép sang Trung Quốc đều thay đổi cuộc sống, mà rất nhiều người bị chủ bóc lột sức lao động, không trả tiền công, thậm chí bị đe dọa, đánh đập, như trường hợp: ông Giàng A Vảng (bản Huổi Đắp 1) làm cho chủ lao động người Trung Quốc một năm nhưng không được thanh toán tiền công; ông Thào A Phừ (bản Nậm Tin 3) cũng làm một năm không được thanh toán tiền công, hay 9 trường hợp ở bản Huổi Tang sang Trung Quốc bốc hàng, đào hố, trồng cây nhưng mà cũng không được thanh toán đồng tiền công nào... Mặc dù lực lượng chức năng đã tích cực tuyên truyền, vận động nhưng với ảo vọng làm giàu nên nhiều người dân đã tranh thủ thời điểm cơ quan chức năng không chú ý để trốn qua biên giới theo đường tiểu ngạch. Nếu bị phát hiện thì họ lấy lý do là đi thăm người thân đã gây khó khăn khi cơ quan chức năng tiến hành ngăn chặn.

Qua các trường hợp trên, âu cũng là bài học cho những người thiếu sự hiểu biết, nuôi ảo tưởng làm giàu bằng xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Để ngăn chặn tình trạng trên, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động người dân địa phương chấp hành các quy định của pháp luật. Đồng thời, phải quyết liệt hơn nữa trong việc xử lý, ngăn chặn các đối tượng môi giới, dụ dỗ người dân xuất cảnh lao động trái phép, góp phần ổn định an ninh trật tự, tình hình dân cư trên địa bàn.

 

Quang Hưng
 

.