Xuân mới trên vùng sắp xếp dân cư Mường Nhé

Thứ Bảy, 21/02/2015, 14:05 [GMT+7]

Điện Biên TV - Tiết trời càng về cuối năm càng trở nên lạnh giá. Khi hoa đào nở rộ, cây cối bắt đầu đâm chồi nảy lộc cũng là thời khắc giao thời giữa 2 năm sắp đến. Tết đến, trong lòng mỗi người dân Việt Nam ai ai cũng háo hức mong chờ đoàn viên sau một năm dài đằng đẵng lao động vất vả. Sau gần hai năm bắt nhịp với nơi ở mới, những hộ dân khu ổn định sắp xếp dân cư ở Mường Nhé vượt qua mọi khó khăn, chủ động làm ăn phát triển kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống. Hòa chung không khí đón Xuân của cả nước, người dân nơi đây đã chuẩn bị sẵn sàng để đón cái Tết đầu tiên trên vùng đất mới.

d
Đến nay, đã có khoảng hơn 90% số hộ trong tổng số trên 700 hộ thuộc 15 điểm bản đã được phê duyệt tại Quyết định 141, tự nguyện đăng ký di chuyển đến những điểm bố trí, sắp xếp dân cư theo phương án được duyệt

 

Tranh thủ thời gian rảnh rỗi trước Tết Nguyên đán, gia đình anh Vàng A Anh, bản Nậm Pố 1, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé đang khẩn trương hoàn tất những phần việc cuối cùng để đón năm mới. Sau bao năm vất vả sinh sống trong ngôi nhà tranh, vách đất, ít ai trong gia đình này lại nghĩ rằng sẽ được ở trong ngôi nhà mới, chắc chắn như thế này. Tết Ất Mùi 2015 là cái tết thứ 2 gia đình anh được ăn Tết tại khu sắp xếp ổn định dân cư theo Đề án 79 của Chính phủ. Vàng A Anh chia sẻ: "Được ăn Tết trong ngôi nhà mới do Đảng, Nhà nước hỗ trợ, gia đình tôi rất vui và phấn khởi. Lên điểm bản mới này, gia đình tôi và các bà con trong bản đều có điện thắp sáng, có đường đi rộng rãi. Mỗi nhà đều được hỗ trợ tiền làm nhà mới. Bây giờ anh em trong bản sống rất đoàn kết. Có nhà mới rồi, chúng tôi sẽ tập trung làm ruộng, làm nương, tăng gia sản xuất để có tiền nuôi con cái ăn học."

Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé đến năm 2015, hay còn gọi là Đề án 79 được Chính phủ phê duyệt từ năm 2012. Mục tiêu của Đề án 79 là bố trí sắp xếp, ổn định đời sống cho hơn 10.000 hộ với 62.000 khẩu, thuộc 153 bản và 14 nhóm dân cư hiện có, đến hết năm 2015 toàn huyện có trên 11.900 hộ với trên 6,7 vạn người bố trí tại 210 bản được định canh, định cư. Bên cạnh đó, tập trung phát triển sản xuất, ổn định đời sống cho nhân dân, phấn đấu nâng giá trị thu nhập bình quân đầu người đạt 550.000 đồng/người/tháng vào năm 2015; giảm số hộ nghèo từ 77% năm 2011 xuống còn 52% vào năm 2015, mỗi năm giảm bình quân 5% hộ nghèo, tương đương với 543 hộ/năm.

Sau hơn 2 năm triển khai, mặc dù đã có nhiều nỗ lực của các cấp, các ngành song nhìn chung, quá trình triển khai Đề án luôn gặp nhiều khó khăn. Có thể kể đến một số nguyên nhân chủ yếu như: Do địa hình vùng Đề án cao, dốc, chia cắt tạo nhiều núi cao khe sâu do vậy địa điểm quy hoạch sắp xếp dân cư rất khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế và không đồng đều; một bộ phận người dân chưa ủng hộ, hợp tác với chính quyền và các chủ đầu tư trong quá trình xây dựng và thực hiện phương án sắp xếp, ổn định dân cư tập trung để thành lập bản mới; một số hộ muốn có diện tích đất sản xuất rộng để làm nương theo tập quán truyền thống, không muốn trồng cao su, cà phê; một số đối tượng xấu đã lợi dụng tuyên truyền, lôi kéo những người thiếu hiểu biết nên có thái độ không hợp tác, kiên quyết không đăng ký di chuyển đến vùng quy hoạch đã gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai thực hiện Đề án.

Đề án 79 được kỳ vọng sẽ mang lại cho Mường Nhé một diện mạo mới. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Đề án 79 của Thủ tướng Chính phủ, được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các bộ, ngành TW, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh và các ngành chức năng được tỉnh giao nhiệm vụ giúp cho huyện Mường Nhé thực hiện Đề án, cùng với sự quyết tâm của huyện Mường Nhé, Đề án đã đạt được những kết quả bước đầu hết sức tích cực. Đến nay, đã có khoảng hơn 90% số hộ trong tổng số trên 700 hộ thuộc 15 điểm bản đã được phê duyệt tại Quyết định 141, tự nguyện đăng ký di chuyển đến những điểm bố trí, sắp xếp dân cư theo phương án được duyệt. Bên cạnh đó, đối với 31 điểm bản thành lập mới được phê duyệt tại Quyết định 79, trong tổng số gần 1.000 hộ thuộc 29 điểm bản thì đến nay đã có khoảng trên 80% số hộ làm đơn đăng ký tự nguyện di chuyển vào các điểm bố trí, sắp xếp dân cư tập trung để thành lập bản mới theo quy hoạch. Khoảng 89% hộ dân sở tại đã nhất trí nhường đất để bố trí, sắp xếp dân cư tại 23 bản. Ngoài ra, tại huyện Mường Nhé đã thực hiện di chuyển và bố trí, sắp xếp ổn định cho 480 hộ để thành lập 10 bản mới, bố trí xen ghép và ổn định tại chỗ cho 6 bản, đạt khoảng 30% số hộ và 33% số bản so với mục tiêu được duyệt.

c
Mường Nhé đã thực hiện di chuyển và bố trí, sắp xếp ổn định cho 480 hộ để thành lập 10 bản mới, bố trí xen ghép và ổn định tại chỗ cho 6 bản, đạt khoảng 30% số hộ và 33% số bản so với mục tiêu được duyệt

 

Song song với việc di chuyển, sắp xếp ổn định nhân dân tại các điểm bản mới, các công trình xây dựng hạ tầng tại các điểm bản tiếp tục được đầu tư nhằm sớm đáp ứng nhu cầu về đời sống, sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Tỉnh và huyện Mường Nhé cũng thực hiện các chính sách hỗ trợ di chuyển, hỗ trợ làm nhà và dụng cụ sản xuất cho gần 600 hộ gia đình thuộc các điểm sắp xếp dân cư theo Quyết định 141, đạt khoảng 35% kế hoạch. Việc hỗ trợ giống vật nuôi, cây trồng cho người dân cũng đã và đang được triển khai.

Điểm bản Tá Sú Lình, xã Sín Thầu nằm cách bản Tả Ko Khừ khoảng hơn mười cây số. Cuộc sống của người dân ở điểm bản mới này đã dần được ổn định. Chưa có điện, nhưng đã có đường, có công trình nước sinh hoạt tập trung nên cơ bản nhu cầu bức thiết của người dân ở đây cũng đã được giải quyết. Trong khi chờ được huyện chia đất sản xuất tại nơi ở mới, hàng ngày người dân ở đây vẫn tạm thời trở về Tả Ko Khừ để làm ruộng nước. Một mặt, họ vẫn tìm kiếm những công việc khác để có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Chị Pờ Chừ Só, bản Tá Sú Lình, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé tâm sự: “Ở đây, chưa có đất để trồng lúa nên chúng tôi phải làm thêm để kiếm thêm tiền; trường lớp học chưa có, các cháu nhỏ vẫn phải về trung tâm để học, đường đi thì xa. Chúng tôi mong muốn sẽ sớm được cấp đất để làm ruộng, làm nương; sớm có trường học cho các cháu nhỏ ở điểm bản mới này”.

Thời gian thực hiện Đề án không còn nhiều. Khó khăn thì vẫn còn đó, song Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã xác định thực hiện Đề án là nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2015. Bởi vậy, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện Đề án 79 thời gian nước rút. Ban chỉ đạo thực hiện Đề án các cấp đã quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao việc tổ chức thực hiện Đề án theo kế hoạch đã đề ra. Các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư xây dựng và thực hiện các phương án sắp xếp, ổn định dân cư cũng luôn chủ động, tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Vấn đề quan trọng hơn cả là đại bộ phận nhân dân các dân tộc huyện Mường Nhé luôn đoàn kết, phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, hăng hái nhiệt tình tham gia thực hiện các mục tiêu của Đề án. Những yếu tố trên sẽ là điều kiện thuận lợi để Mường Nhé cùng với toàn tỉnh thực hiện thành công những mục tiêu mà Đề án 79 đặt ra, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh đối với huyện miền núi biên giới.

Mường Nhé ngày càng mọc thêm nhiều những công trình mới. Một cây cầu mới được dựng lên. Các em thơ ở cái huyện thuộc diện nghèo nhất cả nước này ít phải chứng kiến những cảnh trèo đèo, lội suối như bao đời ông cha họ đã từng phải trải qua. Cây cầu nối những bờ vui, tiếp bước cho các em đến trường để có một tương lai tươi sáng hơn.

Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng sẽ tạo điều kiện cho người dân vùng Đề án tiếp cận các dịch vụ về văn hóa, giáo dục, y tế nhanh chóng, thuận lợi nhằm nâng cao nhận thức về mọi mặt, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh đối với huyện miền núi biên giới. Việc sắp xếp ổn định dân cư, phát triển cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện Mường Nhé làm cho đời sống đồng bào các dân tộc được nâng lên, nhân dân tin tưởng vào Đảng, chính quyền các cấp, không nghe theo các luận điệu chống phá cách mạng của các thế lực thù địch, tạo ra lực lượng tại chỗ, kết hợp với lực lượng quốc phòng, lực lượng vũ trang trên địa bàn tạo ra thế trận quốc phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia khu vực phía Tây Bắc Tổ quốc. Thực hiện ổn định đời sống nhân dân, tổ chức phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn, chuyển đổi tập quán sản xuất, dần dần tạo ra sản phẩm hàng hóa tập trung, nâng cao thu nhập cho người lao động, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho nhân dân.

Ông Lù Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: "Việc đầu tiên huyện chỉ đạo UBND các xã sớm phối hợp với các điểm, ví dụ như Mường Toong 10 để thành lập ngay hệ thống chính trị cơ sở, cụ thể như: Trưởng bản, công an viên. Mặc dù chưa có quyết định của UBND tỉnh nhưng huyện đã chỉ đạo UBND các xã trên cơ sở kinh phí của mình để hỗ trợ một phần đối với người đóng vai trò là trưởng bản và phó bản, để có đầu mối tuyên truyền, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, huyện cũng chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với đại diện chủ đầu tư hỗ trợ sản xuất, góp phần giúp cho người dân sớm ổn định cuộc sống."

Để giúp cho người dân sớm ổn định cuộc sống tại nơi ở mới, huyện Mường Nhé quyết tâm sẽ triển khai thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; chính sách ưu của tỉnh dành cho đồng bào vùng sắp xếp ổn định dân cư; đặc biệt là việc quan tâm vận động nhân dân thay đổi tập quán du canh, du cư, sản xuất lạc hậu sang ổn canh, ổn cư; chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp để từng bước xóa đói giảm nghèo. Trước mắt là việc tạo điều kiện cho người dân tham gia lao động tại các vườn đồi cà phê, cao su để nhân dân có thu nhập ổn định… Đó sẽ là một trong những bước khởi đầu tốt đẹp cho người dân vùng sắp xếp, ổn định dân cư./.

 

Minh Thịnh – Duy Hưng
 

.