Tẳng cẩu – nét đẹp riêng có của phụ nữ Thái

Thứ Ba, 15/05/2018, 14:51 [GMT+7]

Điện Biên TV – Tẳng cẩu – phong tục búi tóc trên đỉnh đầu nhằm thông báo cho mọi người biết người phụ nữ đó đã có chồng là nét đẹp riêng có của dân tộc Thái ngành Thái đen. Giản dị, mộc mạc nhưng từ bao đời nay Tẳng cẩu vẫn luôn song hành và gắn bó mật thiết với cuộc sống của những người phụ nữ Thái đen; trở thành nét đặc trưng quan trọng – một dấu hiện nhận biết không bị nhầm lẫn với bất cứ dân tộc nào khác trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Tẳng cầu gắn bó với phụ nữ Thái từ lễ Khửn cẩu...
Tẳng cầu gắn bó với phụ nữ Thái từ lễ Khửn cẩu trong ngày cưới...


Bà Lường Thị Xuyến ở bản Pa Pe, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên cho biết: Tẳng cẩu gắn liền với cuộc sống của phụ nữ Thái đen bắt đầu từ nghi lễ Khửn cẩu. Lễ Khửn cẩu được tiến hành vào buổi sáng tại nhà gái, trước khi làm lễ đón dâu về nhà chồng. Trong khi làm lễ, chủ hôn nhà gái sẽ gỡ búi tóc đằng sau của cô dâu ra trước, chải thật mượt rồi đưa cho chủ hôn nhà trai kết hợp cùng hai bó tóc rời thì hất ngược toàn bộ tóc đằng sau lên đỉnh đầu, một người giữ búi tóc cuộn tròn lại, kéo mái tóc và hai bên hơi chùng, bồng ra.

Để búi tóc đẹp và giữ tóc khỏi bị tuột, người ta dùng một chiếc túi lưới màu đen chụp lên trên. Vật không thể thiếu chính là cây trâm bạc được làm theo kiểu ống cuộn tròn, một đầu đính đồng tiền bạc hoa xòe và sợi dây xọi, đầu kia thì vuốt nhọn để xuyên qua búi tóc. Đồng tiền bạc quay về phía trước hơi lệch bên phải, dây xọi móc vào phía đầu nhọn của cây trâm hơi lệch sang trái. Khi lễ Khửn cẩu xong, chủ hôn đưa cô dâu, chú rể vào giường cưới rồi khẽ hát những lời dặn dò yêu thương và chúc mừng hạnh phúc cho tình yêu đôi lứa.

...kể cả khi mái tóc đã điểm bạc
...và song hành cùng họ trong suốt cuộc đời.


Tẳng cẩu có từ bao giờ? Chưa một ai trả lời được nhưng điều này được cho là bắt nguồn từ truyền thuyết về tục Tẳng cẩu của người Thái đen. Truyền thuyết kể rằng: xưa kia, ở một bản người Thái nọ, có đôi vợ chồng sống rất hạnh phúc với 3 người con. Nhưng không hiểu tại sao, người vợ bỗng dưng phải lòng người đàn ông khác. Người chồng giận lắm, chặt một cây nứa vót nhọn, quyết đi tìm để trả thù. Một buổi chiều, người chồng đi qua bến nước của bản, thấy vợ và người tình đang ôm nhau dưới gốc cây. Trong cơn giận, người chồng lao cây nứa nhọn về phía hai người. Cây nứa nhọn xuyên qua cả hai, khiến họ cùng chết. Hồn bay lên trời. Ông trời Phỏ Phạ liền bắt nhốt cả hai linh hồn tội lỗi vào ngục tối. Khi ông Then Na, vị thần thay mặt Phỏ Phạ mở cửa địa ngục cho các linh hồn tội lỗi xuống trần gian đầu thai làm kiếp khác, người vợ được Then Na cho được đầu thai nhưng phải chịu cắm một vật nhọn lên đầu mãi mãi, như một lời nhắc nhở, răn đe của Then Na đừng bao giờ phản bội chồng mình. Nếu không nghe, vật nhọn đó sẽ đâm vào đầu giống như cây nứa của người chồng ngày trước vậy. Vật nhọn đó chính là cái trâm. Do không thể cắm chiếc trâm đó vào đầu người còn sống, nên Tẳng cẩu chính là vật thay thế cái đầu.

Tuy câu chuyện ít tính thuyết phục, nhưng đã giải thích cho một tục lệ đã có từ xa xưa và rất bền vững, tồn tại mãi trong tâm thức của một cộng đồng người Thái từ trước tới nay. Đây chính là nét đẹp văn hoá truyền thống độc đáo trong đời sống giao tiếp xã hội và là khuôn phép, lối sống đạo đức để bảo vệ hạnh phúc, hôn nhân gia đình của tộc người Thái. Tẳng cẩu là một khái niệm dành riêng cho tất cả những người phụ nữ Thái đen đã có chồng bắt buộc phải đưa búi tóc lên đỉnh đầu. Do đó, ngoài làm thể hiện tô điểm của trang sức, làm tăng thêm vẻ đẹp cho người phụ nữ Thái đen thì Tẳng cẩu còn khẳng định sự thủy chung, sự kính trọng đối với nhà chồng. Khi đã về làm dâu mái tóc ấy sẽ vĩnh viễn không bao giờ được buông xuống bởi lời thề trọn một lòng son sắt. Tuy nhiên, Tẳng cẩu chỉ phổ biến ở ngành Thái đen còn ngành Thái trắng thì khi lấy chồng phụ nữ vẫn búi tóc sau gáy như thời thiếu nữ.

Tẳng cẩu là một nét đẹp độc đáo, riêng có của người phụ nữ Thái. Chiếc trâm cài trên Tẳng cẩu như những ngôi sao nhỏ trên gương mặt tươi tắn, hồng hào của người phụ nữ Thái tạo cho họ sự duyên dáng và kiêu hãnh. Là một phong tục mang đậm bản sắc văn hóa cần được lưu truyền và gìn giữ cho đến mai sau./.

 

 

Lường Hương/Dienbientv.vn

.