Sò Nặm Phạ Phồn- nghi lễ độc đáo của dân tộc Lào trong Lễ hội Bun Huột Nặm

Thứ Tư, 02/05/2018, 14:25 [GMT+7]

Điện Biên TV- Là cư dân canh tác lúa nước lâu đời, từ xưa người dân tộc Lào sinh sống ở bản Na Sang, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên nói riêng và cộng đồng dân tộc Lào đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên nói chung đã rất quý trọng nước. Trong dân gian từ lâu đã lưu truyền tục cầu mưa và trong quá trình sinh sống nó đã phát triển thành nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Lào. Đó chính là nghi lễ “sò nặm phạ phồn”- một điểm nhấn không thể thiếu trong ngày hội Bun và chỉ được diễn ra duy nhất trong Tết té nước.

Sò nặm phạ phồn có nghĩa là xin nước mưa của trời, hay còn gọi là cầu xin trời cho mưa xuống, thường gọi là lễ cầu mưa. Lễ cầu mưa được bà con giao phó cho một đoàn người gồm những phụ nữ trong bản có tài ăn nói, hát giỏi, biết đối đáp khéo léo.

1
Đoàn người đi nghi lễ “sò nặm phạ phồn”

 

Để tiến hành làm lễ cầu mưa dân bản chọn ra một người phụ nữ có uy tín, đại diện đi thông báo với chị em phụ nữ trong bản chuẩn bị cùng mình tham gia lễ “sò nặm phạ phồn”. Họ chuẩn bị các “khăn hả” (mân, đĩa gồm: hoa, quả, bánh kẹo, bánh trưng, cau, trầu, vôi, nến), sẽ có khăn hả của đoàn đi xin nước mưa và dự định đến bao nhiêu nhà trong bản để xin thì có bấy nhiêu khăn hả- mỗi gia đình có thêm một khăn hả nữa.

Khi đã chuẩn bị xong mọi thứ chị em phụ nữ trong bản lập tức có mặt tham gia đoàn người “đi gọi cái nước của trời làm mát lòng đất mẹ, nuôi cấy lúa thêm bông”. Mỗi gia đình có từ 1 đến 2 người là nữ giới tham gia, theo phong tục của dân tộc Lào những người tham gia nghi lễ “sò nặm phạ phồn” phải nhịn đói, mang theo một chiếc lồng gà đan bằng mây tre và buộc vào một cây đòn do 2 người có sức khỏe để khiêng.

Dọc đường đi đoàn phụ nữ thực hiện việc xin ăn từ những chủ hộ làm ăn phát đạt, có uy tín trong cộng đồng để lấy phúc và giáo dục con cháu về truyền thống dân tộc, cũng là để giới thiệu những tấm gương trong sản xuất giỏi cho bà con dân bản học tập noi theo.

Đến trước chân cầu thang của những gia đình làm ăn may mắn của năm trước, đoàn người dừng lại chỉnh đốn trang phục và làm các nghi lễ thủ tục để cầu xin mưa...  cứ thế đoàn sẽ đi hết nhà này sang nhà khác khắp bản. Khi kết thúc buổi xin nước mưa từ các nhà trời, đoàn xin mưa sẽ khiêng lồng gà, các lễ vật xin được ra suối, đoàn sẽ tìm một mỏm đá bằng phẳng để đặt đồ lễ xin được xuống và bà mo bắt đầu cúng mời thần sông suối ra hưởng lễ cùng bản: “Chấm chấm, chúng tôi vừa mới đi xin nước mưa về. Ông trời, ông then vừa cho nước mưa rồi, bây giờ về ăn cơm sở suối, mời thần sông, thần suối, thổ công, thổ địa về ăn cùng nhé. Ăn rồi thì phù hộ độ trì cho trẻ già mạnh khỏe, làm ăn phát đạt, cho con trâu, con bò sinh sôi nảy nở nhé.

1
Nghi lễ “sò nặm phạ phồn”- một điểm nhấn không thể thiếu trong ngày hội Bun và chỉ được diễn ra duy nhất trong Tết té nước

 

Sau đó cả đoàn người sẽ cùng hưởng lễ, đồ lễ xin được nhất định không được  mang về bản mà phải sử dụng hết ở suối, nếu ăn không hết phải ném cả xuống suối. Khi mọi người bóc các gói đồ xin được phải ăn uống vui vẻ, có khi gặp phải những gói đồ bên trong là gio bếp hay trấu, thóc thì mọi người cười đùa vui vẻ và vung thả xuống suối cho nước trôi đi.

Ăn xong mọi người vui vẻ cùng nhau té nước, khi té nước mọi người còn nói: “Hôm nay chúng tôi chắn nước ở khe này chảy sang khe kia, bây giờ chúng tôi sẽ bắt cá ở khe này cho con rồng không uống nước được phải phun mưa xuống”. Nước té càng cao phụ nữ tham gia bị ướt nhiều thì năm đó thời tiết diễn biến càng thuận: mưa làm tan những cơn khát của đất, cây lúa đang thì con gái được hạt mưa ví như “phất cờ mà lên”.

Trò té nước tại suối là một trận cười vui nhất của dân tộc Lào, càng té ướt càng nhiều may mắn, nên họ không tha cho một ai khi váy áo trên người còn chỗ khô, họ còn dìm nhau ngập trong nước suối mà ai ai cũng đều rất hào hứng, náo nhiệt…Sau khi ăn uống, té nước thỏa thích ở suối đoàn người sẽ cùng nhau về nhà thay bộ váy áo đẹp để vào hội, cùng ăn uống và chúc phúc cho nhau.

Có thể nói “Sò nặm phạ phồn) là một nghi lễ độc đáo của dân tộc Lào, đã góp phần khẳng định quá trình tồn tại, phát triển của cộng đồng dân tộc Lào trên địa bàn tỉnh Điện Biên, cùng với đó là sự hình thành bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó kể đến tục thờ cúng tổ tiên và tín ngưỡng đa thần. Đây là nghi lễ gắn với tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng, mang đậm triết lý nhân sinh, không chỉ là lễ tạ ơn các thần linh, tổ tiên mà còn là lễ cầu mùa, cầu phúc để đồng bào dân tộc Lào gắn kết cùng nhau lao động sản xuất và xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn../.

 

 

Thúy Hằng

.