Mường Lay - nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của người Thái trắng

Chủ Nhật, 24/12/2017, 14:52 [GMT+7]

Điện Biên TV - Thị xã Mường Lay - nằm phía Bắc của tỉnh Điện Biên với 9 dân tộc anh em cùng sinh sống - không những mang vẻ đẹp thơ mộng, đằm thắm của vùng sông nước mà còn mang những nét văn hóa đa dạng và độc đáo. Bởi có trên 73% dân số của thị xã là dân tộc Thái ngành Thái trắng với bản sắc văn hóa truyền thống phong phú, mang đặc sắc riêng có.

Lễ hội đua thuyền đuôi én Mường Lay được tổ chức vào ngày Tết dương lịch 1/1 hàng năm. Ảnh: LH
Lễ hội đua thuyền đuôi én Mường Lay được tổ chức vào ngày Tết dương lịch 1/1 hàng năm. Ảnh: LH


 Mường Lay - vùng đất nhỏ bé kẹp giữa ngã ba sông Nậm Na nhập vào sông Đà được xem là thủ phủ của người Thái trắng. Sau khi thực hiện di dân tái định cư thủy điện Sơn La, Mường Lay nằm ở thế giữa là mênh mông nước của hồ Nậm Lay, sau lưng tựa vào những sườn núi trập trùng. Có thể nói, diện mạo của thị xã đã đổi thay theo năm tháng, song nhiều nét văn hóa của cộng đồng người Thái trắng thì vẫn còn nguyên giá trị và đang được các cấp chính quyền địa phương dành sự quan tâm đặc biệt. Nhiều phụ nữ người Thái trắng ở đây vẫn chọn váy, áo cóm và thắt lưng xanh truyền thống làm trang phục thường ngày. Tộc người Thái nói chung, ngành Thái trắng nói riêng có đời sống văn hóa tinh thần rất phong phú, đặc biệt là họ rất thích múa.

 Nghệ thuật múa dân gian Thái mang đậm nét đặc trưng. Những cô gái Thái với váy áo cóm thắt đáy lưng ong, uyển chuyển, duyên dáng trong các điệu múa dân tộc như: xe khăn, xe nón, xe bi... không khỏi làm xao xuyến, ngây ngất lòng người. Từ trước tới nay, múa luôn giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào Thái. Phổ biến nhất đó là những điệu xòe truyền thống. Các làn điệu dân ca, dân vũ này ngày nay vẫn còn tồn tại và được lưu giữ trong cộng đồng người Thái trắng ở đây. Hiện tại, toàn thị xã đang có khoảng 34 đội văn nghệ quần chúng ở các bản, tổ dân phố, chủ yếu tập trung ở các bản dân tộc Thái.

Mường Lay ngày nay được gắn liền với hình ảnh mênh mông sông nước là những mái nhà sàn kiên cố nằm san sát 2 bên bờ sông. Cuộc sống bình dị với những người nông dân mưu sinh ven sông bằng nghề chài lưới, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Cũng không biết từ bao giờ, nước đã được nâng lên thành vị thần bảo hộ cho cuộc sống vật chất và tinh thần, đi vào thế giới tâm linh của những cư dân nông nghiệp này và dần hình thành tín ngưỡng thờ các vị thần sông nước, cầu mong các vị thần phù hộ, giúp đỡ cho cuộc sống của họ.

Lý giải điều này, ông Khoàng Văn Phanh ở bản Na Nát chia sẻ: do cuộc sống gắn liền với nước nên ngay từ xa xưa người dân ở đây đã ý thức được tầm quan trọng của nước. Cuộc sống và lao động sản xuất không thể không có nước. Nước trở thành biểu tượng thiêng liêng của sự sống, sự sinh sôi nảy nở, đem đến mùa màng bội thu cùng sự no đủ, hạnh phúc và phồn thịnh. Nếp nghĩ đó ăn sâu trong tư duy của họ. Bởi vậy, khi tạo lập cuộc sống ban đầu với nghề trồng trọt, nước vừa là yếu tố của đời sống văn hóa vật chất, vừa là yếu tố của đời sống tinh thần của cư dân khu vực này.   

Tục cúng tế thần nước của người Thái trắng ở Mường Lay. Ảnh: LH
Tục cúng tế thần nước của người Thái trắng ở Mường Lay. Ảnh: LH


Tục cúng tế thần sông nước của đồng bào Thái trắng Mường Lay do đó cũng được hình thành từ rất sớm. Lễ tế thần, hiến tế các vật phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi của nhân dân các dân tộc như lời cảm tạ sâu sắc tới các vị thần sông, thần núi đã che chở, bao bọc và cầu xin các vị thần cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm êm, no đủ. Mâm lễ tế gồm: 8 chén rượu, 8 đôi đũa, 7 miếng trầu không, 1 bát gạo, 1 bát muối, 2 sải vải Thái màu trắng, hương hoa… Mâm lễ được đặt ngay gần mép nước, thầy mo vừa làm lý vừa đọc lời khấn:

“Hỡi các vị thần sông, thần suối

Chọn ngày được ngày sang

Chọn giờ được giờ bạc

Giờ con đã sắm đủ lễ

Mời các vị thần sông

Mời chủ núi thần đất

Chủ án ngự đáy sông…

Lễ con có đầu lợn lấy từ mường bun

Rượu con cất từ mường bầu

Nước con rót từ chín tầng mây

Sắp lễ mời thần thánh

Bày lễ mời thần linh

Hãy cùng nhau đến rồi cùng nhau ăn

Hỡi thần sông, thần suối

Hỡi linh hồn của những người khai mường lập bản”…

Lễ tế thần sông nước của người Thái ở Mường Lay hàm chứa nhiều giá trị nhân văn sâu sắc, mang đậm sắc thái văn hóa “Người Thái ăn theo nước”.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây nhiều loại hình văn hóa, nghệ thuật dân tộc trên địa bàn không còn hoặc đang bị mai một. Đặc biệt, văn hóa truyền thống của đồng bào có sự pha trộn với văn hóa các dân tộc miền xuôi; một số lễ hội truyền thống mang tính cộng đồng ít được người dân quan tâm như: tín ngưỡng liên quan đến nông nghiệp, sự linh thiêng của khu rừng, việc tôn thờ thần núi, thần rừng, thần sông...

Trong công tác kiểm kê, nhiều di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thị xã đặc biệt là của người Thái trắng vẫn còn được gìn giữ trong đời sống như: tiếng nói, múa dân gian, trò chơi dân gian, việc cưới, việc tang, ẩm thực dân tộc, trang phục, trang sức truyền thống, kiến trúc dân gian và một số nhạc cụ dân tộc. Đây chính là cơ sở để Mường Lay tiếp tục có những bước tiến trong tương lai với nhiều hoạt động cụ thể hơn.

UBND thị xã đã ban hành Đề án “Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thị xã Mường Lay gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020”, phục dựng lễ hội truyền thống đặc sắc, đồng thời giữ gìn phong tục tập quán tốt đẹp và trò chơi dân gian. Đề án được chính quyền thị xã thực hiện nhằm giữ gìn, bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc trên địa bàn theo từng giai đoạn, từ đó nâng cao ý thức trong việc bảo tồn và phát huy truyền thống của dân tộc Thái cũng như cộng đồng các dân tộc khác trên địa bàn.

Hiện nay, thị xã Mường Lay đang tích cực xây dựng đội văn nghệ cơ sở và duy trì hoạt động hiệu quả tại các xã, phường để giữ gìn những bài hát, điệu múa dân tộc, đặc biệt là 9 điệu múa Thái cổ nhằm nâng cao đời sống tinh thần và sinh hoạt cộng đồng. Bên cạnh đó, ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc ở thị xã được duy trì và tổ chức với các hoạt động văn hóa - thể thao phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc.

Các loại hình nghệ thuật dân tộc, thi đấu thể thao, trò chơi dân gian được tổ chức như tó má lẹ, đi cà kheo, ném còn, bắn nỏ... góp phần nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và những dư vị rất riêng, rất đặc biệt trong không gian văn hóa của người Thái trắng. Cùng với việc xây dựng đội văn nghệ cơ sở, duy trì loại hình nghệ thuật, Mường Lay còn sưu tầm, chụp chép được 2 tác phẩm sách viết bằng chữ Thái, bảo tồn kiến trúc nhà sàn và dạy tiếng Thái cho học sinh tiểu học, THCS./.

 

 

Lường Hương/Dienbientv.vn

.