"Hươn nghe" - Độc đáo tục cúng nhà ngoại của dân tộc Thái

Thứ Tư, 06/12/2017, 17:35 [GMT+7]

Điện Biên TV - Bản Him Lam 2, phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ là nơi đồng bào Thái cư trú lâu đời với những phong tục tập quán rất riêng, mang đậm nét văn hóa vùng Tây Bắc. Những nét văn hoá tinh hoa ấy được truyền nối nhiều thế hệ như phong tục thờ cúng họ ngoại. Đây không chỉ là nghi thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng mang ý nghĩa về mặt tâm linh mà còn giáo dục con cháu nhớ về nguồn cội.

"Hươn nghe" - Nơi thờ cúng họ ngoại của dân tộc Thái. Ảnh: LH

 

Bản Him Lam 2 nằm ở cửa ngõ của TP. Điện Biên Phủ, cách đường Võ Nguyên Giáp hơn 100m, đi qua một chiếc cầu treo bắc qua dòng Nậm Rốm, những ngôi nhà sàn thấp thoáng sau rặng tre dần được hiện ra. Him Lam theo phiên âm tiếng Thái là “Hin Đăm” nghĩa là viên đá đen quý. Sự tích kể rằng: Ải Lậc Cậc là người khổng lồ được Then trời đưa xuống để khai phá vùng đất Mường Lum. Một hôm Ải Lậc Cậc đi làm đồng, khi qua một dòng suối vô tình đánh rơi viên đá xuống suối, Ải lấy chân gạt bùn đất tìm viên đá, sau đó đất đá đã tụ thành một bãi đất lớn. Bản Him Lam được hình thành từ đó. Đến năm 1974, bản được tách ra thành 02 bản là Him Lam 1 và Him Lam 2.

Hiện nay, đồng bào Thái cư trú tại đây vẫn lưu giữ những nét phong tục tập quán của dân tộc, trong đó có phong tục thờ cúng họ ngoại. Xung quanh những ngôi nhà sàn thường có những nhà nhỏ mô phỏng hình dáng nhà sàn nhỏ ngay gần nhà ở của các gia đình. Đó là nơi dân tộc Thái thực hiện lễ cúng họ ngoại. Bà Lò Thị Ánh, 95 tuổi cho biết: người Thái quan niệm: con gái Thái đi làm dâu nhà chồng khi bố mẹ đẻ mất thì phải làm nhà nhỏ gọi là "Hương nghe" để cúng họ ngoại với ý nghĩa sâu xa là để tưởng nhớ tới công ơn sinh thành, nuôi dưỡng. Nhà sàn là nơi ở và thờ cúng tổ tiên bên nhà chồng nên hồn, tổ tiên bên nhà vợ không thể vào nhà sàn được nên nhà nhỏ thường được làm ngay đầu lối vào nhà.

"Hương nghe" được dựng bằng 4 cột như ngôi nhà sàn nhỏ thu hẹp: nếu ông hoặc bà mất thì nhà nhỏ chỉ lợp một mái. Còn cả ông bà đều mất hết thì nhà nhỏ lợp hai mái. Nhà được đan bằng tre hoặc nứa và cũng phải đan mô phỏng thang cho nhà nhỏ để tổ tiên bước lên nhà sàn giống như nếp sinh hoạt khi còn sống.

Bà Ánh chia sẻ thêm: “Bố mẹ tôi chỉ có 2 người con gái, không có con trai nên tôi dựng nhà nhỏ để thờ cúng. Cứ 10 ngày tôi làm mâm cúng bố mẹ 1 lần. Mâm cúng rất đơn giản, có hôm tôi đồ xôi thịt gà, có hôm nướng cá, rau nộm trong vườn nhà, có hôm là những món mà bố mẹ tôi thích, rồi mời bố mẹ về hưởng thụ, phù hộ con cháu trong nhà khoẻ mạnh, bình an. Sau này khi tôi mất đi thì nhà nhỏ mới được tháo dỡ.

Lễ cúng họ ngoại được làm vào ngày giỗ bên ngoại. Do đó, những gia đình nào có nhà nhỏ thì trong chu kỳ 10 ngày, ngoài làm lễ cúng nhà nội phải làm thêm lễ cúng nhà ngoại. Lễ cúng nhà ngoại được tổ chức to nhất là vào dịp Tết Nguyên đán bắt đầu từ ngày mùng 2 đến hết tháng giêng âm lịch. Tất cả các đồ lễ từ khi chuẩn bị sắp lễ đến thắp hương cúng khấn phải do con gái tự làm. Khi cúng mời ông bà, họ hàng bên ngoại, những người đã khuất xuống ăn tết cùng con cháu và phù hộ cho cả nhà mọi điều tốt lành.

Cúng nhà nhỏ trong ngày Tết cũng là dịp con cháu nội ngoại hai bên ở riêng mang lễ đến để thắp hương. Đây cũng là dịp gia chủ mời anh em họ hàng đến thăm, ngồi quây quần cùng con cháu chúc nhau sức khỏe, ấm no, yên vui.

Tục cúng họ ngoại của dân tộc Thái là một nét văn hóa truyền thống độc đáo, mang tính nhân văn sâu sắc góp phần tạo nên bức tranh đa sắc màu của cộng đồng các dân tộc tỉnh Điện Biên vẫn đang được duy trì và bảo tồn.

 

Lường Hương/Dienbientv.vn

.