Độc đáo nghi lễ" Dệt khuồn" của dân tộc Lào

Thứ Bảy, 09/12/2017, 14:31 [GMT+7]

Điện Biên TV - Tuy cuộc sống hiện nay có nhiều nét thay đổi trong phong tục tập quán, song đồng bào dân tộc Lào ở tỉnh Điên Biên vẫn bảo tồn và lưu giữ tốt văn hóa truyền thống đặc sắc và đa dạng của dân tộc mình. Một trong những nét độc đáo đó là phong tục “dệt khuồn”.

Đồng bào dân tộc Lào ở  xã Pa Thơm, huyện Điện Biên có rất nhiều nghi lễ độc đáo, trong đó nghi lễ “dệt khuồn” mang ý nghĩa vô cùng quan trọng, nó chứng tỏ sự yêu thương, đùm bọc của những người trong gia đình với nhau.
Theo già làng Vì Văn Phăn -bản Pá Xa Lào, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên cho biết: “lễ dệt khuồn” chia ra làm nhiều trường hợp ví dụ: ông bà “dệt khuồn” cho con cháu ở xa đến thăm; bố mẹ “dệt khuồn” cho con cái bị ngã xe hay ốm đau; con cái “dệt khuồn” cho bố mẹ khi làm nhà mới….. Nhưng chung quy lại phải làm lễ “dệt khuồn” với ý nghĩa cầu bình an, may mắn, sức khỏe, thông qua nghi lễ này thể hiện vai trò quan trọng của từng thành viên trong gia đình biết yêu thương, quan tâm nhau.

1
Thầy mo và các thành viên trong gia đình xé ít thịt và cơm nếp chuẩn bị lễ “hệt khuồn” cho con, cháu

 

Nghi lễ “dệt khuồn” này được thực hiện rất đơn giản, đối với trường hợp con cháu ở xa đến thăm ông bà, thì ông bà nhờ thầy mo chọn ngày, giờ tránh ngày xấu trong dòng họ ra và mời những thành viên có liên quan trong gia đình, dòng họ đến đông đủ. Nghi lễ này được tổ chức tại gia đình ông bà nơi có con cháu đến thăm.

Chủ lễ có thể là già làng hoặc thầy mo. Thời gian tổ chức không quan trọng buổi sáng hay tối mà trong gia đình sẽ chọn vào thời gian có đông đủ an em họ hàng có thời gian đến dự. Lễ “dệt khuồn” sẽ được bắt đầu với việc trình báo với tổ tiên là: hôm nay chúng con tổ chức lễ “hệt khuồn” cho cháu, mong ông bà về dự mâm cơm với gia đình, cầu cho cháu không ốm đau, bệnh tật.

Tiếp đến thầy mo xem giờ và bảo người nhà bê mâm cúng lên mâm cúng bao gồm: 1 con lợn hoặc 1 con gà tùy theo điều kiện từng gia đình làm cho con cháu, 2 đôi đũa với ý nghĩa là cặp vợ chồng có con nhỏ đến thăm, mỗi người một đôi, 1 bát gạo sống, 1 chiếc là trầu không, 2 chén rượu, 1 ít thịt nướng  (dù làm lễ vật cúng gì thì thịt nướng không thể thiếu trong mân cúng vì tổ tiên của dân tộc Lào rất ưa thích các món nướng), 1 nắm xôi đã đồ chín và một ít tiền lễ đặt lên, các lễ vật phải được lót trên lá chuối.

Sau khi dâng các lễ vật lên, thầy mo sẽ gọi mọi người trong gia đình cùng ngồi trước mân và bắt đầu làm lễ.

Trong bài cúng, thầy mo trình báo cho tổ tiên và “hồn vía” của người được cúng, “hồn vía” không được dừng nghỉ ở đâu chơi mà phải về với phần xác để không ốm đau, bệnh tật, cầu mong tổ tiên bảo vệ cho người được cúng luôn được mạnh khỏe, bình an.  

Sau bài trình báo các thành viên trong gia đình, họ hàng lấy mỗi người 1 ít cơm nếp với ít thịt trên người con lợn vo lại với nhau đặt lên tay người được cúng với lời chúc mạnh khỏe, hạnh phúc, an lành. 

Trong khi thầy mo thực hiện các nghi thức “dệt khuồn” thì mọi người còn lại sẽ chuẩn bị mâm cơm. Khi nghi lễ đã xong, anh em, gia đình mang con lợn đã làm lễ đem ra cho mọi người cùng ăn và nâng chén rượu thể hiện sự đoàn kết của những người trong gia đình, dòng họ.

Nghi lễ “Dệt khuồn” là  một trong những nét văn hóa việc truyền thống của cộng đồng dân tộc Lào, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Phong tục tốt đẹp mang ý nghĩa nhân văn này hiện vẫn được bảo tồn và duy trì trong cuộc sống của cộng đồng dân tộc Lào.                                                                     
                                                                                                 

 

Thúy Hằng

.