Độc đáo Lễ Kin Pang của người Thái ở Chiềng Sơ

Thứ Ba, 28/11/2017, 10:52 [GMT+7]

Điện Biên TV - Xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông từ lâu được biết đến với những nét văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc của người Thái. Đặc biệt, lễ hội Kin Pang là một trong những nghi lễ quan trọng trong đời sống tâm linh cũng như tinh thần của người dân nơi đây.

Trong bộ sưu tập các lễ hội của người Thái ở xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông, không thể không nhắc đến lễ hội Kin Pang. Đây là lễ hội tiêu biểu của dân tộc Thái, mang nét văn hóa đặc trưng đậm đà bản sắc riêng. Lễ Kin Pang do ông mo tổ chức. Theo quan niệm đây là những ông mo cao tay, được coi như người của trời được cử xuống trần gian để cứu giúp người khỏi bị ốm đau, bệnh tật và có khả năng giao tiếp với thần linh.

Ông Lò Văn Đăm ở bản Mé, xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông chia sẻ: “Sau khi làm ông mo được một thời gian, tôi làm lý xin thần linh làm lễ Kin Pang. Tôi bốc được số 6 nghĩa là 6 năm làm lễ một lần. Năm nay là năm thứ 6 tôi làm mo, cũng đã có rất nhiều con nuôi. Do đó, tôi xin thần linh ngày đẹp tháng tốt để các con nuôi sắp sính lễ cảm tạ các thần linh đã phù hộ độ trì. Kin Pang là lễ cầu phúc, cầu lộc của người Thái từ ngày xưa truyền lại, thể hiện sự tôn kính cũng là lòng biết ơn của con người đối với thần linh.”

Người Thái gọi những người hay ốm đau hoặc trẻ con khó nuôi đến nhận làm con nuôi ông mo là lụ hỉnh; còn những người đã từng mời ông mo đến làm xên cho mình như xên kẻ khọ, xên phăn bẻ... là lụ liệng. Ông mo Lò Văn Đăm là một trong những ông mo có tiếng, trong 6 năm qua ông đã có trên 100 lụ hỉnh và 300 lụ liệng. Khi ông tổ chức Kin Pang thì hơn 400 người con này phải mang lễ vật đến và tham gia đầy đủ các nghi thức trong phần lễ cùng ông.

Bắt đầu từ sáng ngày đầu tiên, những người con nuôi và dân bản đến nhà ông mo từ rất sớm. Trên nhà, các cụ cao niên chuẩn bị mâm lễ chom sổm, chom bàn mời thần linh xuống dự lễ Kin Pang. Mâm lễ chủ yếu là cây lá trong vườn nhưng có đầy đủ các vị như vị ngọt của mía, vị đắng của măng, vị chua của quả và mùi thơm của hoa. Ngoài ra, còn có vải trắng, vải đỏ và tiên – một loại nến do người Thái tự làm.

Mâm lễ chom sổm, chom bàn. Ảnh: LH
Các cụ cao niên đang chuẩn bị mâm lễ chom sổm, chom bàn. Ảnh: LH

Dưới sân, đàn ông chặt tre làm ống nước, để làm chơi trò tăng bẳng… và đan 12 rổ để đựng sính lễ trên pan hùa một. Phụ nữ thì như lên rừng hái măng, hái hoa, nhặt rau rừng. Ngoài ra, họ còn dùng chỉ với đầy đủ sắc màu sặc sỡ làm thành tài khóa hay boong mày. Đối với mỗi người con nuôi là nam giới còn phải làm nẹp tay.

Nghi lễ không thể thiếu trong lễ Kin Pang là tẳng pàng hay dựng cây pàng. 12 cây tào được các lụ hỉnh lấy từ rừng về lần lượt xếp với nhau tạo thành một cây lớn ở giữa nhà, phần ngọn xòe tán lá càng rộng càng tốt. Sau đó, các cây rau rừng như phắc hạ, xảy cáy được quấn quanh gốc cây. Tiếp đến là hoa ban, bók mạ, bók pít, nõn chuối, hoa chuối, măng… được cài lên cây pàng. Bên cạnh gốc tào là rượu cần, gạo, thóc… Cây pàng được dựng lên đánh dấu lễ Kin Pang đã được bắt đầu. Trong suốt 3 ngày làm lễ, không được phép hạ cây pàng xuống và mọi nghi thức, nghi lễ phải được diễn ra xung quanh cây pàng.

Lụ hỉnh, lụ liệng nhảy múa quanh cây pàng. Ảnh: LH
Lụ hỉnh, lụ liệng nhảy múa quanh cây pàng. Ảnh: LH

Với quan niệm người Thái ăn theo nước đã thấm sâu trong máu thịt, do đó trước bất kỳ lễ hội nào người Thái cũng đều làm lễ cúng tế thần sông nước. Trong lễ Kin Pang cũng vậy, song song với hoạt động tẳng pàng ở trên nhà ông mo Đăm thì việc cúng thần sông cũng được thực hiện ngay bên dòng Pá Nậm bởi một ông mo khác. Mâm lễ cúng khá đơn giản với 1con lợn, rượu, xôi, 4 bát, 4 đôi đũa, 4 chén rượu… Ông mo vừa cúng vừa khấn xin phép thần sông, thần nước cho dân bản tổ chức lễ Kin Pang và phù hộ cho lễ được diễn ra tốt đẹp, người tham dự lễ được bình an.

Llễ cúng thần sông, thần nước. Ảnh: LH
Lễ cúng thần sông, thần nước. Ảnh: LH

Nghi lễ quan trọng nhất và được mong chờ nhất trong lễ Kin Pang là Thài lụ hỉnh, lụ liệng. Mỗi con nuôi sẽ tự chuẩn bị sính lễ của riêng mình. Sính lễ của lụ hỉnh là thịt lợn, xôi tím, bánh gù, cơm lam, 5 lít rượu, vải đỏ, ghế nệm nhỏ. Lụ liệng là cá, gà, xôi vàng, vải trắng. Ngoài ra, trong mâm lễ của tất cả con nuôi đều có thẻ tên, hoong mày, bí đao, bí đỏ, mía… Từng lụ hỉnh, lụ liệng mang lễ vật của mình đến trước ông mo. Ông mo nhận lễ vật, khấn và buộc chỉ cầu may cho con nuôi rồi lễ vật được mang lên trên gác nhà để trong 3 ngày mới mang xuống. Nghi lễ Thài lụ hỉnh, lụ liệng có thể kéo đến 2 ngày, tùy thuộc vào số lượng con nuôi của ông mo.

Cũng như nhiều lễ hội khác, lễ hội Kin Pang gồm có hai phần chính là phần lễ và phần hội. Phần lễ với lối hát Then truyền thống. Qua lời hát, ông mo cầu cúng cho dân bản, dân mường luôn khoẻ mạnh, no ấm; cầu cho mưa thuận gió hoà, cho mùa màng tươi tốt. Ngoài ra, Kin Pang cũng là lễ hội cầu phúc lộc cho gia đình ông mo cũng như những người con nuôi của ông, là dịp để ông mo tạ ơn các thần linh. Phần lễ đơn giản nhưng mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, mang tính cộng đồng cao, vun đắp tình đoàn kết trong bản mường.

Theo thời gian, lễ hội Kin Pang đã có nhiều thay đổi để phù hợp hơn với cuộc sống của người dân. Ví như trước đây, mỗi người con lụ hỉnh phải mổ 1 con lợn mang đến thì nay họ cùng góp mua chung 1 con để mổ rồi chia phần cho từng người để làm sính lễ.

Bà Lò Thị Khôm - Bản Co Mỵ, xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông tâm sự: “Từ nhỏ tôi đã được chứng kiến lễ Kin Pang. Kin Pang bây giờ khác ngày xưa nhiều lắm, các lễ nghi rườm rà, tốn kém đã được bỏ bớt, thay vào đó là các nghi lễ mang tính đơn giản hơn. Các sính lễ cũng khác ngày trước, đẹp hơn, bắt mắt hơn. Tôi rất vui khi phong tục tập quán của dân tộc mình được giữ gìn và lưu truyền như thế này.”

Kin Pang là lễ hội mang tính cộng đồng cao, góp phần tích cực vào việc vun đắp khối đoàn kết dân tộc, giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, tạo không khí vui tươi, lành mạnh. Bên cạnh ý nghĩa tâm linh sâu sắc, lễ hội Kin Pang Then còn nhắc nhở con người phải biết sống đúng đạo lý, tình nghĩa dân bản gắn bó; góp phần vào việc bảo tồn và phát huy nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

 

 

Lường Hương/Dienbientv.vn

.