Rộn ràng ngày tết Khù Sự Chà ở Chung Chải

Thứ Sáu, 12/12/2014, 21:33 [GMT+7]

Điện Biên TV - Trong tiết trời se lạnh của những ngày đầu đông, khi những bông cúc dã quỳ nở rộ khoe sắc trên những triền đồi, người dân Hà Nhì xã Chung Chải, huyện Mường Nhé lại bận rộn chuẩn bị đón tết Khù Sự Chà. Những chàng trai, cô gái, các cụ già hay trẻ nhỏ lại thêm vui tươi, phấn khởi, rộn ràng trong trang phục dân tộc, trong những điệu xòe, câu hát, say trong men nồng của chén rượu ngày tết.

c
Người dân Hà Nhì xã Chung Chải làm bánh dày thắp hương tổ tiên trong dịp tết

 

Như đã thành thông lệ, cứ vào dịp tháng 10 âm lịch hàng năm, người dân Hà Nhì tại một số xã của huyện Mường Nhé như: Chung Chải, Leng Su Sìn, Sín Thầu và Sen Thượng lại tổ chức đón tết Khù Sự Chà. Vào mỗi buổi sáng sớm, người dân thường chuẩn bị mâm cỗ cúng tổ tiên cầu cho mưa thuận gió hòa, cho mùa màng tốt tươi và cho gia đình mạnh khỏe.

Món ăn không thể thiếu trong mâm cơm cúng tổ tiên vào ngày tết là món bánh trôi và bánh dày. Để có được chiếc bánh dày dẻo, thơm, ngon người dân thường chuẩn bị các nguyên liệu như: Lá dong, hạt tiêu và gạo nếp nương. Riêng gạo nếp được ngâm từ tối hôm trước, sau đó đồ thành xôi để tạo độ dẻo. Bánh dày được các chị em phụ nữ giã bằng cối đến khi xôi đã kết dính với nhau tạo thành bột dẻo thì người dân dùng tay nặn tạo thành chiếc bánh hình tròn để dâng lên tổ tiên, báo cáo một năm lao động sản xuất và cầu cho một năm mới thêm sung túc, no đủ.
 
Chị Pờ Mé, bản đoàn kết, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé cho biết: “Trong ngày tết này, nhà nào cũng phải có một mâm cơm rượu thịt và bánh trôi, bánh dày để cúng tổ tiên để cầu mong một năm mới cuộc sống no đủ và may mắn hơn. Bánh dày thường thì người dân để trắng tinh khi thắp hương cho dẻo, thơm với hương vị của gạo nếp nương hoặc là rán lên để tạo độ giòn, béo”.

x
Theo truyền thống, người Hà Nhì sẽ tổ chức đón tết vào ngày Thìn cuối cùng của tháng cuối năm, tức là ngày 11/12 dương lịch. Trong ảnh: Gia đình bà Giàng Nhu Pờ, bản Đoàn Kết, xã Chung Chải cúng tổ tiên trong ngày tết.

 

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Chu Xé Hờ, Phó bản và một số hộ dân ở bản Đoàn kết trong ngày đầu năm mới để tìm hiểu thêm những nghi lễ, phong tục ngày tết của người dân Hà Nhì. Theo truyền thống, người Hà Nhì sẽ tổ chức đón tết vào ngày Thìn cuối cùng của tháng cuối năm, tức là ngày 11/12 dương lịch và tổ chức vui chơi đón tết trong 3 ngày. Các gia đình dù có điều kiện hay không cũng phải chuẩn bị đầy đủ các lễ vật cúng tổ tiên trong năm mới; trong đó phải đầy đủ rượu, thịt lợn, bánh trôi, bánh dày để báo cáo với tổ tiên một năm trồng trọt, chăn nuôi và cầu mong cho năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, chăn nuôi phát triển.

Cụ Khoàng Go Pư, bản Đoàn Kết, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé chia sẻ: “Trong phong tục cổ truyền của người dân tộc Hà Nhì, dịp tết là dịp để con cái báo hiếu với bố mẹ công ơn sinh thành, dưỡng dục. Vì vậy, các cặp vợ chồng đã xây dựng gia đình, thường phải chuẩn bị các lễ vật như: Rượu, thịt lợn, chè, thuốc đi tết bố mẹ vợ và chúc cho nhau những điều may mắn trong ngày đầu năm mới.”

Sau khi kết thúc các nghi lễ thờ cúng, chủ nhà mời khách cùng tham gia đón tết với gia đình. Cứ như vậy, ngày tết của người Hà Nhì diễn ra nhẹ nhàng, đầm ấm, nhộn nhịp mà không xô bồ chứa đựng trong đó những nét đẹp truyền thống, những giá trị văn hóa của dân tộc mãi được lưu truyền. Trong tiết lạnh của những ngày đầu đông, bên chén rượu thơm mùi gạo mới, mọi người dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp, sung túc và no ấm. Những điệu xòe, câu hát như âm vang trong mỗi nếp nhà, bên những triền đồi rực rỡ hoa cúc dã quỳ vàng thơ mộng./.

 

Hoàng Út – Minh Hòa
 

.