Linh vật ngoại lai đang phá hoại các di tích của người Việt

Thứ Năm, 13/11/2014, 16:49 [GMT+7]

"Các linh vật ngoại lai đã và đang phá hoại các di tích của người Việt ở cả hai khía cạnh: thẩm mỹ và biểu tượng tâm linh", Tiến sỹ Trần Trọng Dương nêu rõ.

Thời gian vừa qua, trước sự xuất hiện của sư tử đá kiểu Trung Quốc cùng một số hiện vật lạ tràn lan từ doanh nghiệp, nhà riêng đến đình chùa miếu mạo gây bức xúc trong dư luận, bên cạnh việc thực hiện công văn 2662 của Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch về việc khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, nhu cầu tìm lại chỗ đứng cho linh vật thuần Việt cũng được đặt ra cấp thiết.

Phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trần Trọng Dương (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) xung quanh câu chuyện làm thế nào để ngăn chặn sự xâm lấn của linh vật ngoại lai và tìm chỗ đứng cho linh vật thuần Việt.

1
Tiến sĩ Trần Trọng Dương (Viện Nghiên cứu Hán Nôm)

Con đường dẫn đến sự lan tỏa của văn hóa ngoại lai

PV: Anh có suy nghĩ gì về “vấn nạn” sử dụng sư tử đá ngoại lai, hiện vật lạ tràn lan tại một số công sở, di tích hoặc trong không gian văn hóa người Việt hiện nay?

TS Trần Trọng Dương: Trong bối cảnh toàn cầu hóa về văn hóa, thì việc những yếu tố văn hóa ngoại lai di thực vào văn hóa Việt Nam là điều hết sức bình thường. Chỉ bất thường ở chỗ là tính chất của việc di thực văn hóa đó mà thôi. Cụ thể ở đây là việc các linh vật ngoại lai đang trực tiếp xâm hại không gian văn hóa tín ngưỡng truyền thống của Việt Nam.

Sở dĩ, tôi nói là xâm hại bởi các linh vật ngoài chức năng thẩm mỹ, còn có chức năng tâm linh, chức năng biểu tượng. Các linh vật ngoại lai đã và đang phá hoại các di tích của người Việt ở cả hai khía cạnh: thẩm mỹ và biểu tượng tâm linh. Ví dụ, các sư tử đá có nguồn gốc Trung Quốc, hay nguồn gốc phương Tây đều có những hình thể xa lạ với tâm thức và văn hóa Việt.

Các loại sư tử đá ngoại lai đều được tạo tác với cơ bắp cuồn cuộn, trông rất dữ tợn, có tính áp chế, đe dọa. Đặt những sư tử đá này trong không gian mỹ thuật hài hòa của các di tích cổ thì khá phản cảm và không ăn nhập. Về mặt văn hóa thì sư tử Hollywood chỉ là một hình tượng của truyền thông đại chúng, không có nội hàm biểu tượng tôn giáo, trẻ em vào chùa mà nhìn thấy các loại sư tử này sẽ chỉ nghĩ đến câu chuyện về vị vua sư tử "Lion King".

Về mặt biểu tượng, thì sư tử Trung Hoa gắn liền với việc canh giữ lăng mộ và canh giữ tiền tài, thường được đặt trước các trụ sở của các công ty kinh doanh, của các cửa công quyền. Việc mang những linh vật có ý nghĩa như vậy vào trong không gian văn hóa tâm linh Việt sẽ gây những hậu quả khôn lường.

1
Sư tử đá kiểu Trung Quốc được đặt trước vườn tháp ở di tích chùa cổ Chân Tiên (phố Bà Triệu, Hà Nội)

 

PV: Theo anh, nguyên nhân vì sao dẫn đến việc sử dụng tràn lan sư tử, linh vật ngoại lai ở nước ta?

TS Trần Trọng Dương: Có hai nguyên nhân dẫn đến việc sử dụng tràn lan linh vật ngoại lai ở nước ta. Thứ nhất, do giao lưu văn hóa và kinh tế phát triển, các loại linh vật, nhất là linh vật Trung Quốc được du nhập với tốc độ chóng mặt. Sư tử đá Trung Quốc theo chân các doanh nhân của nước này du nhập vào giới kinh doanh, các đại gia, rồi từ đó lan tỏa và sau đó xâm lăng đến cả những không gian văn hóa truyền thống. Như ta biết, giới doanh nghiệp, quan chức luôn có nhu cầu tâm linh khá cao. Đây là hai lực lượng cung tiến các linh vật chủ yếu vào đình, chùa. Cơ chế "tán lộc" bằng linh vật là con đường trực tiếp dẫn đến sự lan tỏa của văn hóa ngoại lai.

Thêm nữa, mặc dù luật Di sản Văn hóa đã có những quy định rõ về việc đưa những hiện vật mới vào di tích, nhưng chúng ta chưa bao giờ có một thiết chế cụ thể để giám sát việc cung tiến. Ví dụ, các cơ quan quản lý văn hóa các cấp, các nhà đền, trụ trì chùa,... là những nơi trực chịu trách nhiệm, nhưng hiện chưa có điều khoản cụ thể nào về việc này. Mặt khác, chúng ta hiện giờ vẫn chưa liệt kê được một danh sách cụ thể các linh vật ngoại lai. Nếu chỉ tập trung vào sư tử đá không thôi thì sẽ "lọt lưới" rất nhiều linh vật khác.

1
Sư tử đá ngoại lai tràn lan ở các doanh nghiệp, công sở. Ảnh minh họa: Huy Phương

 

Cần đưa ra mẫu thức chuẩn của các linh vật thuần Việt

PV: Từ ngày 7/11, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp cùng Bảo tàng Nam Định giới thiệu triển lãm chuyên đề “Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam”. Đây được coi là động thái đầu tiên của những người làm văn hóa góp phần tìm chỗ đứng cho linh vật thuần Việt. Sau khi đến với triển lãm, anh đánh giá như thế nào về vẻ đẹp, giá trị và ý nghĩa của những linh vật thuần Việt?

TS Trần Trọng Dương: Là một người nghiên cứu cổ học, nghiên cứu văn hóa, tôi thấy rằng đây là một triển lãm mang tính thời sự rất cao. Triển lãm này nhằm giới thiệu với công chúng những hình tượng đẹp của văn hóa Việt Nam truyền thống.

Triển lãm tập trung giới thiệu hai linh vật tiêu biểu, có giá trị cả về mặt mỹ thuật và biểu tượng, đó là sư tử và nghê. Các hiện vật đẹp nhất trải dài suốt từ thời Lý Trần cho đến Nguyễn được giới thiệu ở đây, cho thấy một truyền thống văn hóa rất khác so với những sư tử đá ngoại lai. Sư tử Lý Trần hiền hòa, nhân từ đội tòa sen và tượng Phật, hiện lên như những linh vật bảo hộ Phật Pháp, tuyên dương đại lực của trí tuệ và đức từ bi. Nghê thời Lê- Nguyễn như là những linh thú bảo vệ không gian tâm linh. Tất cả những hình tượng này đều được tạo tác công phu, cho thấy một diện mạo khác văn hóa của người Việt trong lịch sử.

1
Sư tử chùa Bà Tấm (Hà Nội) thế kỷ XI

 

PV: Vì sao linh vật Việt lại ít được sử dụng, có vẻ lép vế trước sự xâm lấn của văn hóa ngoại lai?

TS Trần Trọng Dương: Nhìn từ bối cảnh chung, văn hóa truyền thống luôn bị lép vế trước văn hóa đương đại. Điều này xảy ra không chỉ riêng với nước ta. Riêng đối với các linh vật truyền thống, thì tình trạng này quả có trầm trọng. Sự xâm lấn của văn hóa ngoại lai xuất phát từ sự nhận thức yếu kém của người cung tiến, của người nhận đồ cung tiến, của các cơ quan quản lý văn hóa.

PV: Vậy theo anh, hướng đi nào để loại bỏ, di dời những linh vật ngoại lai? Di dời ở những di tích là đương nhiên (theo Luật Di sản Văn hóa). Nhưng ở nhà riêng, công sở, chúng ta cần xử lý như thế nào?

TS Trần Trọng Dương: Chỉ có cách duy nhất là căn cứ theo luật. Trên cơ sở đó, chúng ta mới triển khai lộ trình thực hiện, xác định cơ quan nào có trách nhiệm thi hành, cơ quan nào có trách nhiệm giám sát... Nếu không thực thi thì sẽ có những chế tài như thế nào.

Mặt khác, như trên đã nói, ngoài sư tử đá ra, chúng ta cần phải đưa ra danh mục các linh vật ngoại lai. Số lượng của chúng ra sao, hình thức như thế nào. Để thay thế các linh vật đó, Bộ VHTT&DL cũng phải đưa ra những mẫu thức chuẩn của các linh vật thuần Việt, giới thiệu chức năng và ý nghĩa biểu tượng của từng loại linh vật bản địa. Các quy định này, mẫu thức này không chỉ cho các di tích mà còn sử dụng để quản lý các công ty, các làng nghề mỹ nghệ, các xưởng chế tạo tượng pháp, đồ lưu niệm phục vụ du lịch. Mặt khác, để hỗ trợ việc chế tạo linh vật, chúng ta cũng cần có cơ chế đền bù ra sao? Thu hồi, tịch thu như thế nào?

Còn về các linh vật tại nhà riêng, công sở,... tôi thiết nghĩ cũng là một vấn đề tế nhị. Nó nằm ngoài sự quản lý của Bộ Văn hóa, và phần nào thuộc về quyền tự do của từng cá nhân, hay công ty. Ở mảng này tôi nghĩ chỉ nên làm công tác tuyên truyền. Còn tiếp nhận ra sao thì tùy thuộc vào nhận thức và ý thích của từng người.

1
Cặp sư tử đá án ngữ trước cổng Làng văn hóa Mễ Trì Thượng (Từ Liêm, Hà Nội) vừa được di dời cách đây 1 tháng. Thay vào đó là cặp chó đá. Ảnh: Huy Phương

 

PV: Việc di dời sư tử, hiện vật ngoại lai là cần thiết. Tuy nhiên di dời đi đâu và xử lý những hiện vật ấy như thế nào là một câu hỏi không dễ trả lời. Anh có suy nghĩ gì về hướng xử lý những hiện vật sau khi di dời?

TS Trần Trọng Dương: Việc di dời như thế nào thì lại tùy thuộc vào từng loại linh vật và tính chất của các linh vật đó. Nếu là sư tử đá đặt trước cổng di tích thì phải có những phương án di dời đến một chỗ khác, thậm chí phá bỏ... Tuy nhiên, vấn đề này khá phức tạp bởi số lượng các sư tử đá hiện quá lớn, nhiều hiện vật lại quá đồ sộ. Thực hiện được hay không lại tùy thuộc vào từng cơ quan quản lý ở từng địa phương, từng di tích.

PV: Vậy theo anh, làm thế nào để gieo vào mỗi người tình yêu với linh vật thuần Việt?

TS Trần Trọng Dương: Thực ra, để linh vật Việt tiếp tục có đời sống của nó trong dòng chảy lịch sử văn hóa của người Việt, tôi nghĩ cần phải có những cách thức cụ thể trong việc giáo dục lịch sử, giáo dục văn hóa truyền thống. Nhiệm vụ này trước nay tuy được chú ý trong nhà trường nhưng lại không có hiệu quả. Muốn học sinh yêu văn hóa truyền thống thì cần phải giảng dạy cụ thể, chứ lý thuyết suông thì lại phản tác dụng. Nhưng đến giáo viên cũng không hiểu rõ văn hóa truyền thống thì "truyền lửa" làm sao!

PV: Xin cảm ơn anh!./.
 

Theo VOV

.