Thực hiện nếp sống văn minh ở Mường Nhé

Thứ Năm, 12/06/2014, 14:34 [GMT+7]

Điện Biên TV - Thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW ngày 12/1/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, huyện Mường Nhé đã có nhiều chuyển biến tích cực nhờ sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần, đẩy lùi, bài trừ các tệ nạn xã hội. Đồng thời gìn giữ, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên địa bàn huyện.

Ông Vũ Tiến Hưng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mường Nhé cho biết: Để thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội có hiệu quả, Phòng Văn hóa - Thông tin xác định phải tạo sự đồng thuận của nhân dân với các chủ trương của Đảng, Nhà nước. Dưới sự chỉ đạo của UBND huyện, ngoài việc lên kế hoạch hướng dẫn các xã xây dựng, chỉnh sửa quy ước, hương ước thôn, bản phù hợp với tiêu chí xây dựng nông thôn mới, thiết thực với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, Phòng Văn hóa - Thông tin đã chủ động hướng dẫn các xã xây dựng quy định mẫu về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội phù hợp với thực tế của cơ sở mình.

b
Phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, vào dịp lễ, tết, nhiều thôn, bản đã tổ chức kết hợp biểu diễn văn nghệ (Trong ảnh: Biểu diễn văn nghệ chào mừng Tết cổ truyền của người Hà Nhì, huyện Mường Nhé).


Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, đến nay trong việc cưới đã có những bước chuyển biến tích cực: Năm 2013, huyện Mường Nhé có trên 70% cặp vợ chồng thực hiện đúng Luật Hôn nhân - Gia đình; hầu hết các cặp vợ chồng tổ chức lễ cưới lành mạnh, văn minh, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống dân tộc. Tình trạng ăn uống linh đình kéo dài giảm, nhiều nơi chỉ tổ chức 1 buổi; tục thách cưới, ở rể của một số dân tộc đã được xóa bỏ. Trong việc tang, không còn tình trạng tổ chức tang lễ rườm rà, kéo dài nhiều ngày; các hủ tục trong tang lễ hầu như không còn. Đặc biệt, hiện nay, 100% các khối, bản đều có ban trợ tang lo việc tổ chức tang lễ khi có người trong khu dân cư qua đời; 100% số bản, khối trong huyện đã thành lập câu lạc bộ trợ tang với các hình thức hoạt động, như: tổ chức cho họ hàng, gia đình, hàng xóm láng giềng tới cúng viếng, tưởng nhớ đến người đã khuất.

Nếp sống văn minh được thể hiện rõ hơn trong hoạt động tổ chức lễ hội. Các lễ hội đều do thôn, bản đứng ra tổ chức với quy mô phù hợp với điều kiện kinh tế của cơ sở. Công tác quản lý cũng như tổ chức lễ hội được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật: lành mạnh, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục. Các lễ hội truyền thống được khôi phục và duy trì, như: lễ hội Pang Phoong của dân tộc Kháng, Tết cổ truyền của người Hà Nhì… Đặc biệt, để phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, vào dịp lễ, tết, nhiều thôn, bản đã tổ chức kết hợp biểu diễn văn nghệ, các trò chơi dân gian, thi đấu các môn thể thao như: kéo co, đẩy gậy, tù lu, tung còn... tạo môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh cho nhân dân.

Những kết quả trên cho thấy, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội ở Mường Nhé đã mang lại hiệu quả tích cực. Để việc thực hiện nếp sống văn minh có sức lan tỏa sâu rộng hơn trong nhân dân, theo ông Vũ Tiến Hưng, huyện Mường Nhé sẽ tiếp tục xây dựng hương ước, quy ước thôn, bản về xây dựng nếp sống văn minh, chống mê tín dị đoan; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền, đưa văn hóa thông tin về cơ sở đến từng cụm dân cư nhằm nâng cao nhận thức của người dân về việc thực hiện nếp sống văn minh trong giai đoạn hiện nay.

 

Văn Quyết

.