Để phát triển rừng bền vững

Thứ Năm, 24/07/2014, 16:05 [GMT+7]

Điện Biên TV - Chương trình bảo vệ và phát triển rừng bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 - 2014 đã đạt được một số mục tiêu cơ bản. Ngoài bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, chương trình góp phần đắc lực nâng cao giá trị, chất lượng, độ che phủ rừng; tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân sống bằng nghề rừng. Tuy nhiên, trên thực tế, phát triển rừng chưa thực sự bền vững, nhiều vướng mắc cần được kịp thời tháo gỡ…

Nhiều cánh rừng thêm xanh...

Đó là hiệu quả của Chương trình bảo vệ và phát triển rừng bền vững trên địa bàn tỉnh ta. Qua giám sát của HĐND tỉnh về diện tích rừng được giao cho người dân khoanh nuôi bảo vệ ở các huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Chà, Mường Nhé… cho thấy: Rừng không bị xâm hại, được bảo vệ nghiêm ngặt, đã góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng trong toàn tỉnh lên gần 41%. Tổng diện tích rừng được giao khoán bảo vệ đạt trên 25.600ha, khoanh nuôi tái sinh gần 9.700ha, trồng mới hơn 440ha rừng tập trung… Tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, chặt phá rừng, đốt rừng làm nương đã giảm rõ rệt. Không chỉ bảo vệ rừng mà người dân được giao rừng đã tích cực trồng cây gây rừng, tăng thu nhập trên diện tích được giao.

Khu rừng đầu nguồn bản Hát Hẹ, xã Núa Ngam xanh ngút ngàn, hầu hết các chủ rừng đều trồng tre bát độ. Ông Lò Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Núa Ngam cho biết: Vài năm trở lại đây, nhận thức được tầm quan trọng của việc giữ rừng, bà con trong xã tích cực nhận khoanh nuôi bảo vệ rừng. Thấy được hiệu quả kinh tế từ trồng tre bát độ lấy măng, người dân trong xã đã trồng hàng trăm héc ta. Ngoài góp phần quan trọng giữ nước, chống xói mòn, bà con còn có thu thu nhập đáng kể từ bán măng tre. Hiện măng bát độ vào chính vụ có giá bán đổ từ 3.000 - 4.000 đồng/kg, đầu vụ giá bán 7.000 - 8.000 đồng/kg, nhiều hộ có thêm thu nhập 20 - 30 triệu đồng/năm từ tiền bán măng.

Khác với các chủ rừng ở xã Núa Ngam, chủ rừng ở xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo đã tận dụng điều kiện về thổ nhưỡng, tiểu vùng khí hậu trồng hàng trăm héc ta táo mèo tập trung theo các chương trình, dự án hỗ trợ trồng rừng. Vài năm trở lại đây cuộc sống của các chủ rừng sung túc hơn nhờ thu nhập từ quả táo mèo. Ông Mùa Dũng Dình, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình phấn khởi cho biết: Táo mèo đã trở thành mặt hàng đặc sản, không ít hộ có thu nhập cả trăm triệu mỗi năm nhờ táo mèo, như gia đình ông Mùa A Hồng, Mùa Giống Dua, Mùa Chờ Vàng… Cây táo mèo đã góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

v
Cán bộ kiểm lâm địa bàn xã Trung Thu (huyện Tủa Chùa) hướng dẫn người dân phát dây leo, bảo vệ rừng.


Còn nhiều khó khăn

Qua giám sát của HĐND tỉnh về Chương trình bảo vệ và phát triển rừng bền vững trên địa bàn tỉnh cho thấy, do quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng chưa bám sát thực tế sản xuất của người dân, lại thường xuyên điều chỉnh nên việc triển khai thực hiện còn nhiều vướng mắc. Một số huyện chưa công bố quy hoạch rừng cho cấp xã, thôn, bản. Tại huyện Tuần Giáo, người dân ý thức được lợi ích của rừng nên tích cực tham gia trồng rừng nhưng bất cập là một số cán bộ chính quyền chưa nắm được quy hoạch 3 loại rừng, ranh giới giao trên thực địa nên khó tuyên truyền, phổ biến và giám sát nhân dân thực hiện. Bên cạnh đó, vấn đề quyết toán các dự án trồng rừng 327, 661 trên địa bàn huyện Tuần Giáo còn vướng mắc, không lập được thủ tục thanh lý rừng để người dân khai thác tận dụng gỗ rừng sản xuất đến tuổi khai thác phục vụ nhu cầu cuộc sống, phát huy hiệu quả kinh tế từ lâm nghiệp!

Chính sách hỗ trợ gạo cho người dân trồng rừng còn nhiều điểm bất hợp lý khi hộ gia đình có đông nhân khẩu tham gia chuyển đổi diện tích nương ít, mức hỗ trợ mỗi héc ta không quá 700kg/năm, nhưng hộ có ít nhân khẩu tham gia chuyển đổi diện tích nương nhiều thì mức trợ cấp lại được tính theo khẩu với mức 10kg/tháng (không quá 7 năm). Phương thức trợ cấp gạo theo quy định phải tổ chức đấu thầu và cấp gạo 3 tháng/lần nên khi vào mùa mưa việc thực hiện gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, việc khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình, cá nhân ở một số nơi không hiệu quả do mức khoán thấp, người dân nhận tiền nhưng không thực hiện các hoạt động bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đầu tư trồng rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh phần lớn không đủ năng lực thực hiện dự án, trồng rừng chưa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm nên người dân chưa mạnh dạn đầu tư hoặc liên doanh, liên kết với doanh nghiệp để trồng rừng…

Ông Lò Quang Chiêu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Khi dự án trồng mới 5 triệu héc ta rừng kết thúc, cơ cấu nguồn vốn dự án từ ngân sách Trung ương giảm, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ công tác bảo vệ và phát triển rừng. Kế hoạch vốn bảo vệ và phát triển rừng hàng năm phân bổ cho tỉnh rất thấp, chỉ đạt hơn 30% nhu cầu thực hiện. Trong khi điều kiện trồng rừng ngày càng khó khăn do đất quy hoạch trồng rừng phần lớn là đất bạc màu, độ dốc lớn, xa dân cư, chi phí đầu tư cao mà suất đầu tư trồng rừng phòng hộ, đặc dụng theo quy định tại Quyết định 60/2010/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ rất thấp so với điều kiện trồng rừng hiện nay tại tỉnh. Thời gian tới, cùng với tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo vệ và phát triển rừng, cần có mức hỗ trợ trồng rừng, bảo vệ rừng hợp lý; đưa các loại giống cây trồng giá trị kinh tế cao trồng xen với rừng. Chỉ khi người dân sống được nhờ rừng thì rừng mới phát triển bền vững.

 

Minh Thùy

.