Chà Tở hướng tới phát triển chăn nuôi bền vững

Thứ Ba, 01/04/2014, 08:24 [GMT+7]

Điện Biên TV - Ông Tao Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Chà Tở (huyện Nậm Pồ), cho biết: Hiện nay 5 bản vùng thấp Nà Pẩu, Nà Mười, Nà Én, Nậm Củng, Nậm Chua của xã tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 16,6%. Nhờ phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, trong đó chăn nuôi là chủ lực và mở rộng ngành nghề, nên mấy năm qua nhiều hộ các bản trên đã thoát nghèo.

Đàn trâu, bò của xã hiện có gần 1.600 con, bình quân 4 con/hộ. Tuy nhiên, đàn gia súc nói trên lại tập trung chủ yếu ở các bản vùng thấp. Theo giá thị trường tại địa phương thời điểm đầu năm nay, một con trâu đực to từ 6 năm tuổi trở lên trị giá trên 40 triệu đồng. Chính vì thế gia đình các ông: Lò Văn Đông, Lò Văn Thân, Lò Văn Vấn… bản Nà Pẩu có đàn gia súc trị giá trên 100 triệu đồng/hộ. Những năm gân đây, nhờ đẩy mạnh công tác chăn nuôi theo phương pháp bán chăn thả, các hộ dân bản vùng thấp của xã đã đầu tư làm chuồng trại để tránh mưa, nắng, rét, cho trâu, bò. Mặt khác, nông dân đã biết dự trữ rơm, trồng cỏ voi để đảm bảo nguồn thức ăn, cho gia súc ăn thêm cám, sắn, muối trong mùa đông. Công tác tiêm phòng dịch định kỳ cho trâu bò được chú ý, nên đàn gia súc của xã tăng trưởng bền vững. Đàn trâu, bò nói riêng và gia súc, gia cầm khác nói chung, tăng nhanh đã giúp nhiều hộ  nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống và thoát nghèo.

Ông Tao Văn Phung, Trưởng bản Nà Mười, tâm sự: Trong mấy năm qua, đàn gia súc, gia cầm của bản tăng nhanh số lượng, bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi. Hàng năm, người dân bán ra thị trường hàng trăm tấn sản phẩm vật nuôi để chi tiêu cuộc sống, làm nhà ở, mua phương tiện, nuôi con ăn học… Hiện nay, 100% số hộ trong bản có nhà khang trang, ti vi, xe máy, tủ lạnh, máy móc phục vụ sản xuất và chế biến nông sản. Gia đình tôi nuôi 6 con trâu sinh sản, đàn lợn 20 con, ao cá diện tích 1.000m2. Phát triển kinh tế VAC tổng hợp, bản Nà Mười chỉ còn 2/31 hộ nghèo (chiếm 0,65%).

c
Gia đình anh Lò Văn Đoàn, bản Nà Pẩu đi đầu trong phát triển chăn nuôi ở xã Chà Tở.


Cùng cán bộ Hội Nông dân xã Chà Tở đến thăm một số hộ chăn nuôi giỏi bản Nà Pẩu, chúng tôi khâm phục về tinh thần chịu khó, quyết tâm thoát nghèo bằng nội lực của bà con nơi đây. Gia đình cựu chiến binh Lò Văn Đoàn nuôi gần 100 con lợn, con nhỏ hơn 10 kg, con to ước 100kg. Anh Đoàn cho biết: “Trong dịp Tết Giáp Ngọ vừa qua gia đình tôi bán lợn được 1 tỷ đồng, trừ chi phí lãi 300 triệu đồng. Phát triển mạnh chăn nuôi, số tiền bán sản phẩm được đầu tư lại cho sản xuất, số tiền lãi tích lũy qua nhiều năm nay gia đình đã mua được ô tô, máy xúc (tổng trị giá vài tỷ đồng) và nhiều phương tiện, đồ dùng sinh hoạt đắt tiền. Học tập cách làm của gia đình anh Đoàn, hiện nay bản Nà Pẩu có hơn 10 hộ phát triển chăn nuôi với sự đầu tư lớn, cho thu nhập ổn định 70 – 300 triệu đồng/hộ/năm. Bí quyết phát triển chăn nuôi bền vững của các bản vùng thấp xã Chà Tở là trồng sắn, ngô để làm thức ăn cho chăn nuôi gia súc, gia cầm, chỉ bán sản phẩm này ra thị trường khi có dư thừa lớn.

Cũng theo ông Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã, sắn là loại cây dễ trồng, không cần phân bón, không bị sâu bệnh phá hoại, không cần vốn lớn, có thể tận dụng những nơi đất dốc, vườn nhỏ hẹp để trồng. Mặt khác, sắn có thể thu hoạch bất cứ lúc nào, khi không được giá nông dân chưa cần thu hoạch. Sắn có thể kéo dài thời gian thu hoạch tùy theo nhu cầu sử dụng của con người, vì thế sắn là cây trồng chủ lực thứ 3 không thể thay thế trong cơ cấu cây trồng của xã.

Trong thời gian tới, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân 5 bản vùng cao của xã (100% hộ nghèo), phát huy nội lực, sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, trong đó chăn nuôi là chủ lực là giải pháp để các bản vùng cao dần thu hẹp tỷ lệ hộ nghèo, góp phần đưa Chà Tở giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo.

 

Tiến Dũng

.