Điện Biên có 57% trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia, cao nhất khu vực miền núi phía Bắc.

Thứ Sáu, 17/11/2017, 14:56 [GMT+7]

Điện Biên TV – Nhằm tôn vinh nghề dạy học, tri ân những đóng góp của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh, sáng ngày 17/11, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên đã tổ chức Toạ đàm kỷ niệm 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2017).

Tặng hoa tri ân Nhà giáo ưu tú tại buổi Tọa đàm kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh: LH

 

Năm 2004, sau khi chia tách thành 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu, tỉnh Điện Biên có 253 trường, 5.902 lớp và 120.475 học sinh. Toàn ngành có 7.992 cán bộ, giáo viên, nhân viên; 4.355 phòng học. 13 năm sau, phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, vượt bao khó khăn, thách thức của một tỉnh miền núi, biên giới; được sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh, các cấp, các ngành, ủng hộ của nhân dân, đặc biệt là tâm huyết của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cùng tinh thần hiếu học, vượt khó của các em học sinh, sự nghiệp giáo dục tỉnh Điện Biên đã có những bước phát triển vững chắc, toàn diện.

Phát biểu tại buổi Toạ đàm, đồng chí Lâm Văn Năm - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Điện Biên nhấn mạnh, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ về giáo dục - đào tạo, góp phần quan trọng thực hiện thành công Đại hội XIII Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 – 2020, đồng chí đề nghị đội ngũ cán bộ, giáo viên ngành giáo dục, đào tạo tiếp tục phát huy truyền thống và những kết quả đạt được, khắc phục khó khăn và triển khai thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu.

Trong đó, tập trung đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực đầu tư, lồng ghép và ưu tiên các nguồn vốn đầu tư cho giáo dục, nâng cao vai trò của MTTQ, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, các doanh nghiệp đối với công tác xã hội hoá giáo dục – đào tạo. Quan tâm phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới. Các thầy cô giáo tiếp tục rèn luyện, cải tiến phương pháp dạy học, đẩy mạnh áp dụng phương pháp giáo dục hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, giúp các em học sinh có điều kiện học tốt nhất và có định hướng phù hợp trong việc lựa chọn ngành nghề sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Cùng với giáo dục về văn hoá cần đẩy mạnh giáo dục truyền thống đạo đức, nhân cách cho học sinh, tăng cường giáo dục kỹ năng sống, giáo dục tinh thần đoàn kết dân tộc, sống hoà nhập với tập thể trong nhà trường và cộng đồng nơi cư trú. Các thầy cô giáo luôn là tấm gương sáng về đạo đức, mẫu mực trong cuộc sống và sinh hoạt để các em học sinh noi theo.

Năm học 2017 – 2018, toàn ngành giáo dục tỉnh Điện Biên có 526 trường với 7.438 lớp và 185.917 học sinh, sinh viên, tăng 273 trường, 1.536 lớp và 64.442 học sinh so với năm 2004. Toàn tỉnh đã có 288/513 trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia, chiếm 57% cao nhất khu vực miền núi phía Bắc. Mục tiêu đến năm 2020, Điện Biên duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 2, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở mức độ 2, 60% đơn vị hành chính cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở mức độ 3.

Với truyền thống tốt đẹp được kế thừa và phát triển, tin tưởng rằng trong thời gian tới đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục – đào tạo tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, để góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” cho tỉnh, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh của tỉnh.

 

 

Lường Hương/Dienbientv.vn

.