Kỳ họp thứ 14 - HĐND tỉnh khóa XIII

"Nóng" phiên giải trình

Thứ Tư, 08/07/2015, 14:28 [GMT+7]

Điện Biên TV - Hôm nay (8/7), kỳ họp thứ 14 - HĐND tỉnh khóa XIII bước sang ngày làm việc thứ 3. Trong phiên làm việc buổi sáng, một trong những vấn đề thu hút đại biểu quan tâm là phiên trả lời ý kiến thảo luận tại tổ và chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh.

Một trong những vấn đề mà nhiều cử tri và đại biểu quan tâm đó công trình ngăn nước, tạo âu thuyền sông Nậm Rốm, công viên ven sông Nậm Rốm đã đầu tư từ lâu nhưng đến nay chưa đưa vào sử dụng. Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, công trình kè và đập công viên ven sông Nậm rốm đến thời điểm hiện tại các gói thầu thuộc dự án đã cơ bản hoàn thành, đang trong giai đoạn kiểm toán và đang trong quá trình hiệu chỉnh để bàn giao cho UBND thành phố Điện Biên Phủ theo quy định. Tuy nhiên, dự án được phê duyệt từ năm 2003 không có quy trình vận hành trong hồ sơ phê duyệt dự án (do tại thời điểm lập dự án đầu tư không quy định về quy trình vận hành đập dâng nước). Đồng thời, phương án đền bù giải phóng mặt bằng đã được phê duyệt chưa tính toán đến phạm vi ảnh hưởng của các hộ do đóng đập. Sở Xây dựng đã chỉ đạo Ban quản lý dự án chuyên ngành xây dựng phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng quy trình điều tiết vận hành hồ, quy định việc tích nước, xả nước hồ trong điều kiện bình thường và trong tình huống khẩn cấp theo quy định và phối hợp với UBND thành phố lập, thẩm định và trình phê duyệt phương án đền bù giải phóng mặt bằng với các khối lượng còn lại. Dự kiến trong năm 2015 sẽ cơ bản hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

x
Ông Lê Văn Quý, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo giải trình những băn khoăn của đại biểu về việc thành lập Trường Đại học Điện Biên

 

Vấn đề nữa được đại biểu quan tâm là việc giải trình của lãnh đạo Công an tỉnh về vấn đề người dân huyện Nậm Pồ xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm việc. Theo Thiếu tướng Sùng A Hồng, Giám đốc Công an tỉnh thì thực trạng này không phải riêng huyện Nậm Pồ mà là tình trạng chung ở các huyện: Nậm Pồ, Mường Ảng, Tuần Giáo... xuất cảnh ra nước ngoài làm việc trái phép. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có hơn 700 người xuất cảnh trái phép. Số người này không chỉ đi qua huyện Mường Nhé mà còn đi qua các tỉnh: Lai Châu, Lào Cai, Quảng Ninh. Nghề nghiệp đi sang nước ngoài đó: Lao động giản đơn (chăm sóc cây chuối và cao su); chủ yếu làm việc may mặc tại các công ty, doanh nghiệp; một số phụ nữ vào các ổ mại dâm. Trước tình đó, Công an tỉnh đã tham mưu cho tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên tổ chức tuyên truyền, vận động cho nhân dân không xuất cảnh trái phép sang nước ngoài, đồng thời có kế hoạch tạo công ăn việc làm tại chỗ cho người dân; tiếp tục đấu tranh với các loại đối tượng lợi dụng đưa người ra nước ngoài trái phép, đặc biệt là đối tượng mua bán người.

Đa số đại biểu quan tâm và băn khoăn đó là: Đề án thành lập Trường Đại học Điện Biên và nghiên cứu, xem xét cân đối giữa việc đào tạo đại học và đào tạo nghề. Đối với các vấn đề này, theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Việc thành lập Trường Đại học Điện Biên là cần thiết, bởi vì đây là loại hình trường công lập, đa cấp, đa ngành nhằm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh và các tỉnh lân cận. Đồng thời là trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ gắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên. Hiện nay, việc đào tạo cao đẳng, trung học chuyên nghiệp rất khó khăn trong công tác tuyển sinh, trong khi đó nguồn nhân lực của 2 Trường Cao đẳng (Sư phạm và Kinh tế - Kỹ thuật) đã đủ điều kiện để đào tạo một số ngành đại học; trong đề án cũng đã tính toán đủ nguồn để đào tạo. Theo Luật giáo dục nghề nghiệp số 74/2014/QH13 thì đào tạo nghề nghiệp là hoạt động nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp cần thiết cho người học có thể tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi hoàn thành khóa học để nâng cao trình độ nghề nghiệp. Như vậy, cao đẳng, đại học và giáo dục nghề là hai loại hình giáo dục có chức năng, nhiệm vụ khác nhau nhằm đào tạo nguồn nhân lực có trình độ khác nhau phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Qúa trình đào tạo phải căn cứ vào quy hoạch về phát triển nguồn nhân lực của xã hội để đào tạo, không nên quan tâm tập trung vào đào tạo nghề mà không chú trọng vào giáo dục đại học. Đối với chất lượng đầu ra thì tuyển sinh theo quy định, đào tạo có chất lượng thì sẽ có đầu ra theo chuẩn. Nếu tính toán ưu tiên nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn thì chúng ta nên đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao đẳng, đại học, đồng thời đào tạo nghề cho lao động, trong đó có lao động nông thôn…

Ngoài ra, các sở, ngành: Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Ban Dân tộc và huyện Mường Nhé... cũng giải trình nhiều vấn đề liên quan tới công tác giao đất giao rừng, tranh chấp địa giới hành chính; cải cách hành chính; việc triển khai các chương trình, dự án còn chậm, vấn đề giải ngân vốn đầu tư; tình trạng phá rừng...

Trước đó, đồng chí Lê Thành Đô, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổng hợp tại kỳ họp thứ 14 - HĐND tỉnh khóa XIII. Trong đó, tập trung chủ yếu về: Chế độ, chính sách, kinh tế và đời sống; giao thông, thủy lợi và các chương trình, dự án trọng điểm tại địa phương; trật tự an toàn xã hội; Công ty Cao su và công tác quản lý bảo vệ rừng; vệ sinh môi trường; y tế và giáo dục; địa giới hành chính, quản lý đất đai và đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Buổi chiều, các đại biểu thảo luận tại hội trường, thông qua các nghị quyết và bế mạc kỳ họp./.

 

Diệp Xuân
 

.