Tự chủ BV

Bài 1: Đột phá quản lý, quản trị BV công

Thứ Sáu, 07/06/2019, 07:09 [GMT+7]

Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết thực hiện thí điểm tự chủ BV (Nghị quyết 33/NQ-CP 2019) được coi là bước ngoặt đổi mới công tác quản lý và tổ chức hoạt động của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập theo tinh thần Nghị quyết 19, 20 (Hội nghị Trung ương 6, khoá XII) nhằm tăng cường giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công, đổi mới tài chính đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

1
Phòng hồi sức tích cực, BV đa khoa Phú Yên. Ảnh: VGP/Đình Nam


Để đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khoẻ ngày càng cao của người dân, Nghị quyết Trung ương 6 đã nêu rõ sự cần thiết phải “đẩy mạnh thực hiện quyền tự chủ về nhiệm vụ chuyên môn, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính gắn với trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch. Áp dụng mô hình quản trị đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trong bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư như quản trị doanh nghiệp”.

Nhìn lại hơn 10 năm thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, đến nay, nhiều BV công đã tự chủ động được phần lớn kinh phí hoạt động, đồng thời có bước chuyển từ tư duy phục vụ sang tư duy cung ứng dịch vụ, đáp ứng hài lòng của người bệnh. BV Bạch Mai đã mở rộng các khoa, phòng khám chữa bệnh theo yêu cầu, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc. Đồng thời kêu gọi DN đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại vào điều trị cho người bệnh.

Nhờ đó, BV đảm đương được khoảng 1,6 triệu lượt chữa bệnh ngoại trú, 150.000 lượt người đến điều trị nội trú hàng năm. Lãnh đạo BV Bạch Mai cho rằng, nhờ có xã hội hóa mà BV có máy móc, trang thiết bị hiện đại, huy động được các nguồn lực nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Cùng với đó, nhiều BV tuyến trung ương như BV Việt Đức, Nội tiết Trung ương, Phụ sản Trung ương… cũng có điều kiện thực hiện cơ cấu lại bộ máy, định hướng phát triển nguồn nhân lực, nhất là huy động vốn, mua sắm trang thiết bị hiện đại.

Những BV này cũng có cơ chế đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ; tạo điều kiện giúp người dân được khám, chữa bệnh bằng những kỹ thuật cao, ngang tầm các nước có nền y học phát triển. Đồng thời thu nhập của cán bộ y tế cũng tăng lên, tạo tâm lý ổn định và hài lòng đối với cán bộ y tế.

Hiện cả nước có 25 trong số 42 bệnh viện tuyến Trung ương (trong đó có 7 bệnh viện trường đại học) đã đổi mới cơ chế tài chính theo hướng tự chủ, giảm 25.000 cán bộ y tế không hưởng lương ngân sách, tiết kiệm hơn 2.100 tỷ đồng ngân sách.

Năm 2018 ngân sách cấp cho các bệnh viện giảm 3.195 tỷ đồng so với 2017, riêng các bệnh viện thuộc Bộ Y tế giảm 76 tỷ đồng.

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ chuyển giao các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trung ương ở địa phương cho UBND tỉnh quản lý. Trực thuộc Bộ Y tế còn khoảng 20 bệnh viện đầu ngành, là cơ sở thực hành của các trường đại học y dược và một số bệnh viện chuyên khoa đặc biệt.

Từ những kết quả trên, Nghị quyết 33 đã nới rộng cho 4 BV được tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện cả về hoạt động chuyên môn, lẫn tổ chức bộ máy nhân sự.

Về chuyên môn, các BV tự chủ được quyết định quy mô bệnh viện, chỉ tiêu và kế hoạch hoạt động, lựa chọn phát triển các chuyên ngành mũi nhọn, hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế…

Để thực hiện, Bộ Y tế thành lập Hội đồng quản lý, cử Giám đốc đương nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản lý kiêm Giám đốc bệnh viện hoặc Tổng Giám đốc bệnh viện với thời gian tối đa 2 năm. Hội đồng quản lý có 7-11 người trong đó gồm một đại diện của Bộ Y tế.

Hội đồng quản lý có quyền quyết định chiến lược, định hướng phát triển của bệnh viện; cơ cấu tổ chức của BV và các cơ sở thành viên; tiêu chuẩn, quy trình bổ nhiệm Tổng Giám đốc, các Phó Tổng Giám đốc; chịu trách nhiệm về việc thuê Tổng Giám đốc, Giám đốc các cơ sở thành viên…

Hội đồng quản lý được quyết định phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu và phê duyệt quyết toán hoàn thành các dự án đầu tư nhóm B, C, chỉ xin chủ trương của Bộ Y tế đối với các dự án không sử dụng nguồn vốn đầu tư công.

Các BV được quyết định cấu hình, tính năng kỹ thuật trang thiết bị y tế; lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao; hàng hóa (máy móc, trang thiết bị), các dịch vụ liên quan đến hoạt động đơn vị.

Tài sản công của BV được sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết sau khi có ý kiến thống nhất về chủ trương của Bộ Y tế. Riêng các đề án sử dụng tài sản là cơ sở hoạt động của bệnh viện có nguyên giá theo sổ kế toán từ 500 tỷ đồng trở lên do Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt sau khi có ý kiến Thủ tướng Chính phủ.

Về tiền lương, giá dịch vụ y tế, đơn vị được xác định quỹ tiền lương theo doanh thu hoặc quỹ lương khoán trong chi phí hợp lệ để tính thuế thu nhập và được quyền quyết định chi trả tiền lương, thu nhập tăng thêm theo kết quả hoạt động.

Khi Nhà nước điều chỉnh tiền lương, đơn vị tự đảm bảo tiền lương tăng thêm từ nguồn thu của đơn vị. Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế sẽ áp dụng theo giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế do Bộ Y tế ban hành.

Được tự chủ tối đa nhưng Nghị quyết 33 cũng yêu cầu các BV phải thực hiện trách nhiệm xã hội, bảo đảm quyền lợi cho đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế, đối tượng chính sách, nhất là bệnh nhân nghèo, bệnh nhân thuộc diện khó khăn trong tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng với chi phí hợp lý. Không để xảy ra tình trạng thu hút bệnh nhân quá mức và lạm thu.

Như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Y tế (ngày 15/1):  Chúng ta thực hiện tự chủ không có nghĩa buông cho các BV chạy theo lợi ích kinh doanh, tìm mọi cách tăng nguồn thu.

Chúng ta tháo gỡ vướng mắc để đội ngũ y bác sĩ, cán bộ y tế bằng sáng tạo, trách nhiệm của người thầy thuốc sẽ xây dựng các mô hình quản trị, quản lý, khai thác tốt nhất cơ sở vật chất, con người. Làm sao để người Việt Nam không mất hàng tỷ USD ra nước ngoài chữa bệnh. Nhưng không phải cứ tự chủ là tìm mọi cách tăng nguồn thu, nếu như vậy là không còn định hướng y tế công cộng là phục vụ toàn dân.

Nhìn rộng hơn, tự chủ BV công không nằm ngoài cái đích hướng tới đẩy mạnh chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh; là động lực để các BV cải tiến, tự hoàn thiện và thay đổi mình nhằm mang lại chất lượng phục vụ tốt nhất cho người bệnh. Và chính chỉ số hài lòng của người bệnh sẽ góp phần phản ánh đáng kể chất lượng phục vụ của các BV.

 

 

Theo Chinhphu.vn

.