Tăng giá dịch vụ y tế: Chất lượng khám chữa bệnh có song hành?

Thứ Ba, 14/05/2019, 08:42 [GMT+7]

Người bệnh không có BHYT phải chấp nhận giá dịch vụ y tế tăng, nhưng cùng với kỳ vọng chất lượng khám chữa bệnh cũng phải song hành.

Có bệnh thì phải chữa dù chi phí tăng cao

Tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (bệnh viện hạng 1 của thành phố Hà Nội) mỗi ngày có khoảng 2.200-2.400 bệnh nhân đến khám chữa bệnh, trong đó, 80% bệnh nhân có thẻ BHYT. Khoảng 20% bệnh nhân còn lại không có thẻ BHYT phải thanh toán toàn bộ chi phí theo mức giá mới, gây tác động không nhỏ tới đời sống người bệnh. Bệnh nhân N.V.H (52 tuổi) đang được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn với một số kỹ thuật cao như thở máy, thận lọc máu... Do không có thẻ bảo hiểm y tế nên với việc tăng giá dịch vụ y tế lần này, ông H. phải chi trả khoảng 20 triệu đồng/ngày. Trong khi đó, nếu có BHYT, ông H. sẽ được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán tối đa 80%.
 

1
Việc điều chỉnh giá ảnh hưởng đến đối tượng chưa có thẻ BHYT.


Sở Y tế Hà Nội cho biết, việc điều chỉnh giá ảnh hưởng đến đối tượng chưa có thẻ BHYT, tuy nhiên, việc tăng giá này sẽ khuyến khích người dân tham gia BHYT để được hưởng quyền lợi khi khám chữa bệnh.

Giới chuyên gia trong ngành y tế kỳ vọng và nhìn nhận việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế sẽ mang lại tác dụng tích cực như: Người bệnh được hưởng lợi vì bệnh viện có kinh phí để thực hiện các dịch vụ kỹ thuật y tế theo quy chuẩn của Bộ Y tế. Các bệnh viện sẽ có thêm điều kiện để mua các loại thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị xét nghiệm… chất lượng cao giúp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Còn với những người bệnh, cả có thẻ BHYT hay không, họ mang bệnh trong người thì điều họ quan tâm lớn nhất là chất lượng và hiệu quả khám chữa bệnh. Đưa vợ xuống khám tim tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, anh Trần Đức Hậu (ở Tuyên Quang) cho biết, vợ chồng anh đều cảm thấy rất thoái mái, hài lòng khi trong 19 ngày điều trị tại bệnh viện: “Ban đầu tôi đưa vợ lên mổ tim, nhưng lại phát hiện thêm vấn đề nên được các bác sĩ đưa sang BV Bạch Mai khám tiếp. Vợ tôi đi khám theo bảo hiểm và đỡ được 80%. Với người có bệnh, việc các y bác sĩ tận tình và bệnh viện tốt là mới là điều quan trọng”.

Anh Nguyễn Mạnh Trường (ở Hoàng Mai, Hà Nội) cũng chia sẻ, mỗi lần đi khám, người bệnh phải làm rất nhiều các thủ thuật, xét nghiệm để tìm ra bệnh. “Đối với người dân lao động, nếu tăng giá dịch vụ y tế, họ sẽ phải chi trả một số tiền không hề nhỏ. Tuy nhiên, người bệnh cũng mong, giá dịch vụ y tế tăng thì chất lượng dịch vụ được nâng cao. Khi đó, dù phải trả chi phí khám chữa bệnh cao một chút nhưng người bệnh cũng sẵn sàng chấp nhận” - anh Trường nói.

Giá dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng cùng thời điểm, giá xăng, điện tăng đặt lên vai người bệnh những khoản chi phí lớn. Thực tế này đã khiến Bộ Y tế có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tạm dừng ban hành Nghị quyết về tăng giá dịch vụ y tế không thuộc phạm vi thanh toán bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, từ ngày 1/5/2019, đã có 6 tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội, tăng giá dịch vụ y tế theo mức quy định tại Thông tư 37/2018.
 

1
Không BHYT, người bệnh gồng mình “cõng” thêm những chi phí lớn


Đối với các cơ sở khám chữa bệnh, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ giúp các bệnh viện có thêm nguồn thu để chi trả phụ cấp đặc thù, tiền lương của nhân viên y tế, bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, trang thiết bị, nâng cấp phòng khám bệnh, buồng bệnh…

BS Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội cho rằng, trước khi thực hiện tăng giá một số dịch vụ y tế, bệnh viện đã chú trọng đẩy mạnh chất lượng dịch vụ nhằm hướng tới mục tiêu lấy người bệnh làm trung tâm; Đồng thời thay đổi thái độ phục vụ của nhân viên y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. “Thực hiện theo sự chỉ đạo của Bộ Y tế, bệnh viện đã chủ động thay đổi cơ sở vật chất khang trang, sạch sẽ hơn. Bên cạnh đó, bệnh viện tăng cường trang thiết bị y tế hiện đại, đào tạo đội ngũ y tế để nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, giúp người bệnh tin tưởng đến khám và điều trị tại bệnh viện”- BS Hương cho biết.
 
Hiện nay, người bệnh thường chủ động tìm hiểu về bệnh tật, về cơ sở khám chữa bệnh và có quyền lựa chọn nơi khám có dịch vụ tốt, thực sự khiến họ hài lòng. Do đó, ông Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho rằng, việc tăng giá hay không tăng giá các dịch vụ y tế đều không liên quan đến chất lượng dịch vụ của các bệnh viện. Ông Thường khẳng định, để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, điều đầu tiên là bản thân các lãnh đạo bệnh viện phải đánh giá được tiêu chí chất lượng của bệnh viện đang ở mức nào?
 
“Nhằm giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, đối với bệnh nhân khám buổi sáng, chúng tôi sẽ cố gắng trả kết quả cho người bệnh ngay trong buổi sáng, trừ trường hợp thật đặc biệt cần phải đợi, Hiện nay, số bệnh nhân thanh toán ra viện trong ngày tại bệnh viện chiếm trên 70%. Đồng thời, bệnh viện cũng tập trung tu sửa cơ sở hạ tầng, công trình vệ sinh trong bệnh viện để đáp ứng sự hài lòng của bệnh nhân và người nhà của họ. Trong 2 năm 2018-2019, bệnh viện đã mở trên 10 lớp giảng dạy cách giao tiếp, thái độ phục vụ của các y, bác sĩ với người bệnh”- ông Thường nói.

Bà Đặng Thị Hồng Thiện, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho rằng, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh là mục tiêu chũng của ngành y tế. Việc ngành y tế có những bộ tiêu chí chất lượng thống nhất, công khai minh bạch thì rất thuận lợi cho các bệnh viện để triển khai và bệnh viện, Bộ Y tế và người dân có thể cùng giám sát.

“Việc người nhà bệnh nhân và người bệnh phản ánh qua đường dây nóng, phát tán thông tin trên mạng là những phản biện xã hội và phía bệnh viện sẽ chọn lọc các thông tin để tìm ra những vấn đề thực sự để giải quyết. Bệnh viện cũng có những kênh chính thống để thường xuyên lấy thông tin từ người bệnh. Đó là cuộc họp Hội đồng người bệnh định kỳ, để người bệnh phản ánh mọi thông tin, những điều không hài lòng để giúp bệnh viện ngày càng cải thiện chất lượng khám chữa bệnh và phục vụ”- bà Đặng Thị Hồng Thiện cho biết./.
 
 

 

Theo Thy Hạt, Thiên Bình/VOV.VN

 
 

.