Điện Biên: Chủ động phòng chống các bệnh dịch khi thời tiết giao mùa

Thứ Năm, 02/05/2019, 14:31 [GMT+7]
Điện Biên TV - Hiện nay đang là thời điểm giao mùa (xuân - hè), thời tiết thay đổi, mưa, nắng thất thường là nguyên nhân khiến trẻ nhỏ dễ mắc một số bệnh truyền nhiễm như sốt vi rút, thủy đậu, quai bị, tiêu chảy...Chính vì vậy người dân cần chủ động phòng chống các dịch bệnh khi thời tiết giao mùa.
 
s
Quý I/2019, tỉnh Điện Biên có 79 trường hợp mắc sởi so với cùng kỳ năm 2018 không có trường hợp nào.

 

Thời điểm giao mùa dễ bùng phát dịch bệnh

Thời điểm giao mùa, dịch bệnh truyền nhiễm thường có những diễn biến phức tạp với một số dịch bệnh có nguy cơ bùng phát và lan rộng như: sởi, cúm, tay chân miệng, viêm kết mạc do Adeno virus, viêm não virus, bệnh dại, thủy đậu, quai bị, sốt mò…
 
Theo thống kê, tính đến ngày 31/3/2019, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 04 vụ dịch (Trong đó 3 vụ Sởi và 1 chùm ca bệnh Thủy đậu) với 142 ca mắc, tử vong 0. Tăng 03 vụ và tăng 122 ca (cùng kỳ năm 2018, xảy ra 01 vụ dịch với 20 ca mắc/tử vong 0). Tuy nhiên, một số bệnh mắc tăng cao so với cùng kỳ như: Cúm mắc 1.755 ca (tăng 564 ca so với cung kỳ); lỵ (amip và trực trùng) mắc 93 ca (tăng 55 ca so với cùng kỳ);  Sởi mắc 79 ca (cùng kỳ mắc không); Uốn ván sơ sinh mắc 1, tử vong 1 (cùng kỳ mắc không).
 
Chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh giao mùa
 
s
Tăng cường đẩy mạnh công tác truyền thông dưới nhiều hình thức giúp cho người dân hiểu và chủ động tham gia phòng chống dịch bệnh.

 

Dự báo bước thời điểm giao mùa, nhiệt độ môi trường thay đổi liên tục, độ ẩm không khí cao tạo điều kiện cho các mầm bệnh phát triển và lây lan, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như: Cúm, hô hấp, tiêu chảy… nhất là các bệnh ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh. Do đó, việc chủ động phòng, chống dịch bệnh cần phải được thực hiện hiệu quả.
 
Để chủ động phòng chống dịch bệnh giao mùa, Sở Y tế  đã chủ động xây dựng kế hoạch đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch; Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch ở người các cấp.Củng cố hệ thống giám sát và tăng cường công tác giám sát nhằm phát hiện dịch sớm, xử lý dịch kịp thời không để dịch lây lan ra diện rộng, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong do dịch bệnh;
 
Kiện toàn đội cấp cứu lưu động phòng chống dịch, chuẩn bị sẵn sàng đủ thuốc, hóa chất, vật tư để chủ động đối phó với dịch, nhất là khi có tình huống khẩn cấp; chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly để điều trị bệnh nhân nghi ngờ cúm A(H1N1), cúm A(H5N1), cúm A(H7N9), Đồng thời tích cực, chủ động giám sát và triển khai các biện pháp phòng chống chủ động các loại bệnh truyền nhiễm gây dịch. Tăng cường, đẩy mạnh công tác truyền thông dưới nhiều hình thức giúp cho người dân hiểu và chủ động tham gia phòng chống dịch bệnh. Hướng dẫn người dân giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường...; đảm bảo chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1 tuổi, tuyên truyền lợi ích của tiêm vắc - xin phòng bệnh để người dân chủ động đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
 
Trong thời điểm thời tiết giao mùa hiện nay, ngoài sự chủ động vào cuộc của ngành Y tế trong công tác tuyên truyền, tư vấn và điều trị, người dân cần nêu cao ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, môi trường sống và chủ động khám, thông báo cho cơ sở y tế khi có biểu hiện bệnh để có biện pháp chữa trị kịp thời, tránh lây lan ra cộng đồng./.
 
 
 
Tử Long/DIENBIENTV.VN
.